Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1: Chất lượng giáo dục vùng DTTS được nâng lên

Thúy Hồng - 16:23, 02/08/2021

Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 1, học sinh ở các địa phương vùng DTTS và miền núi đã đạt kết quả thi khá cao. Điều này thể hiện được chất lượng học sinh vùng DTTS đang có bước tiến đáng mừng.

Một tiết học của các em học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát
Một tiết học của các em học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát

Nhiều học sinh DTTS đạt điểm 10

Ngày 26/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đã công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, tỷ lệ học sinh tại các tỉnh khu vực Tây Bắc đỗ tốt nghiệp ngày càng cao. Trong đó, tỉnh Lào Cai dẫn đầu về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, là một trong những địa phương đứng đầu trong 5 tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo kết quả thi THPT quốc gia đợt 1 năm 2021 của Sở GD&ĐT Lào Cai, số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp là 7.124 thí sinh; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 7.071 thí sinh, đạt 99,26%.

Theo ông Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Lào Cai xếp thứ 3 (sau Phú Thọ và Bắc Giang) và xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về mức điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Toàn tỉnh có 154/333 thí sinh người DTTS, có bài thi đạt điểm 10; một số thí sinh ở các trường vùng khó đạt điểm 10 như: THPT số 3 Mường Khương, số III Bảo Yên, THCS&THPT Bát Xát …

Em Đỗ Thị Hiên, dân tộc Dao, học sinh trường PTDTNT tỉnh Lào Cai đạt 28 điểm khối B00, trong đó có điểm môn sinh gần như tuyệt đối với 9,75 điểm. Em Hiên cho biết: “Khi biết điểm thi em rất phấn khởi. Mặc dù đề thi năm nay có sự phân hóa, nhưng không khó để đạt điểm từ 7-8”.

Cô giáo Lê Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Lào Cai, cho biết: Mặc dù năm nay, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhà trường phải nhường chỗ làm khu cách ly tập trung; việc di chuyển nơi dạy và học đi nơi khác cũng gây xáo trộn tới tâm lý của học sinh. Nhưng do đã xây dựng kế hoạch ôn tập bồi dưỡng, nên không ảnh hưởng đến kết quả của các em học sinh trong trường. Kết quả kỳ thi năm nay của nhà trường đạt cao hơn so với năm trước. Tỷ lệ học sinh đỗ đỗ tốt nghiệp 100%.

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, là một trong những địa phương có nhiều học sinh DTTS cũng có kết quả thi khá cao. Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt trên 98%. Toàn tỉnh có 385 điểm 10, trong đó môn Giáo dục công dân có 245 bài thi đạt điểm 10, xếp sau là các môn Ngoại ngữ 82 điểm 10, Lịch sử có 19 bài thi đạt điểm 10, Địa lí có 7 điểm 10, Sinh học có 4 điểm 10 và môn Toán học có 1 điểm 10.

Em Nguyễn Đức Mạnh, học sinh lớp 12A3, Trường PTDTNT Thái Nguyên thi khối A01 đạt 27,45, với điểm môn Tiếng Anh đạt điểm 10 tuyệt đối cho biết: Đề thi môn Tiếng Anh năm nay so với năm trước không quá khó. Chỉ cần ôn tập các kiến thức chung, có thể làm bài đạt điểm khá. “Học tiếng Anh cần phải có sự ôn tập toàn diện từ học từ vựng, ghi nhớ cấu trúc, luyện đề thi… ” Mạnh chia sẻ.

Nhìn một cách khái quát thì, phổ điểm của phần lớn các môn thi trong đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về cơ bản gần với phân bố chuẩn. So với năm 2020, các thông số thống kê cơ bản của các phổ điểm thi năm nay, không thay đổi nhiều. Điều này nói lên, kỳ thi cơ bản ổn định, phản ánh được chất lượng về dạy và học ở vùng DTTS và miền núi đã được nâng lên.

Chất lượng học sinh DTTS ngày càng được nâng lên. Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát
Chất lượng học sinh DTTS ngày càng được nâng lên. Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát

Vẫn còn chênh lệch vùng miền

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lương-Cơ cấu tổ chức (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đi sâu vào phân tích phổ điểm của từng địa phương, vùng miền cho thấy, kết quả điểm thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học của các địa phương, vùng miền. Cụ thể, những địa phương, vùng miền có truyền thống học tập, điều kiện dạy học tốt thì kết quả thi cao hơn; các địa phương, vùng miền có điều kiện khó khăn hơn, thì kết quả học tập thể hiện qua kết quả điểm thi cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, so với năm 2020, sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp. Ở một số môn của một số điạ phương, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học của các địa phương đã có tiến bộ.

Điển hình như tỉnh có đông học sinh DTTS như Bắc Kạn, cũng là địa phương đứng thứ 6/62 tỉnh có điểm chênh lệch ít nhất giữa học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Đây là một trong những đơn vị có điểm chênh lệch thấp nhất toàn quốc.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết: Kết quả đối sánh trên, không bất ngờ với ngành GD&ĐT Bắc Kạn, bởi tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc tổ chức dạy và học, tổ chức ôn tập, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương có sự chênh lệch khá lớn như Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn... Nhiều môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử; mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác. Điều đó có nghĩa, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT.

Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo cho biết: Qua kết quả thi có thể thấy, có sự chênh lệch giữa học bạ và điểm thi. Điểm thi phải phản ánh đúng chất lượng học tập. Nguyên nhân của sự chênh lệch có thể do yếu tố vùng miền. Nhiều địa phương miền núi thiếu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực…ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Bộ GD&ĐT cần có sự phân tích phổ điểm thi giữa các vùng, để phản ánh đúng tình trạng dạy và học của từng địa phương. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý chính sách thấy được cái gì còn yếu, còn thiếu để đầu tư từ đó cải thiện chất lượng giáo dục. “Muốn cải thiện chất lượng giáo dục thì phải tìm ra nguyên nhân của căn bệnh” ông Vinh nói. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.