Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên

L.Phương - 14:34, 21/09/2023

Sáng 21/9, tại Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Tư Pháp đã tổ chức Khai mạc Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV, khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tham dự và điều hành khai mạc có ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc
Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho hay: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh, đề cao công tác dân vận; tăng cường giáo dục và tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân, vận động quần chúng hòa giải ngay từ cơ sở nhằm giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn với phương châm: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử lại càng tốt hơn”. Tư tưởng đó của Người đã đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở.

Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hằng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật; là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước; góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Lễ khai mạc
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Lễ khai mạc

Để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác này; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên; đồng thời, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Ban Tổ chức tặng cờ lưu niệm cho 17 đội thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Ban Tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho 17 đội thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Hội thi lần này có sự góp mặt của 17 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để Hội thi được tổ chức thành công, ông Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị mỗi thí sinh và các đội thi tuân thủ thể lệ và quy định của Ban Tổ chức, hoàn thành tốt nội dung thi với tinh thần giao lưu, học hỏi, chia sẻ, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải. Để sau khi kết thúc hội thi, trở về với địa phương, các hòa giải viên sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần xây dựng quê hương yên bình, cuộc sống ấm no, an lành.

Ban Tổ chức tặng hoa cho Ban giám khảo
Ban Tổ chức tặng hoa cho Ban Giám khảo

Tại lễ khai mạc, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội thì có nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, phương thức hòa giải đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong thực tiễn vận dụng và khuyến khích phát triển. Đặc biệt, đối với nước ta, xuất phát từ những đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý của người dân, phương thức hòa giải được xem là phương án trước tiên và tối ưu để kịp thời giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân… Do đó, hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản, đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. 

“Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong xã hội bằng phương thức hòa giải ở cơ sở; yêu cầu công tác hòa giải ở cơ sở cần phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa… Tôi mong rằng, qua hội thi lần này, các đội thi sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay, bài học bổ ích để phục vụ cho việc tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn”, ông Nam chia sẻ thêm.

Phần thi tiểu phẩm của đội Khánh Hòa
Phần thi tiểu phẩm của đội Khánh Hòa

Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã tặng Cờ lưu niệm cho 17 đội thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ban Tổ chức cũng tặng hoa cho Ban Giám khảo và đại diện Ngân hàng Agribank - đơn vị tài trợ chính cho Hội thi.

Sau Lễ khai mạc là phần thi của nhóm 1 với 5 đội thi, gồm: Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Trị. Chiều 21/9, tiếp tục lần lượt diễn ra phần thi của các đội Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Quảng Bình (nhóm 2) và các đội Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum, Đà Nẵng (nhóm 3). Sáng 22/9 sẽ diễn ra phần thi của các đội thuộc nhóm 4, gồm: Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Định.

Tin cùng chuyên mục