Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khánh Hòa: Hội thảo nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

L.Phương - 14:32, 15/09/2023

Trong 2 ngày 14 và 15/9, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào DTTS trong điều kiện mới khu vực Nam Trung bộ năm 2023. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Hoàng Đức Thành, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (UBDT); lãnh đạo các Ban Dân tộc và gần 200 đại biểu là Người có uy tín trong đồng bào DTTS, cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại 4 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT cho hay: Thực hiện Quyết định số 184/QĐ-UBDT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT ban hành kế hoạch công tác PBGDPL năm 2023, thuộc nội dung 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ 2021 – 2025 và Công văn số 1203/UBDT-PC, ngày 17/7/2023 của UBDT về việc tổ chức Hội thảo kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS trong điều kiện mới khu vực Nam Trung bộ năm 2023.

Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội thảo
Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông, công tác PBGDPL có vai trò hết sức quan trọng và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL đã xác định rõ: PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian qua, UBDT và các bộ ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện. Đối với đồng bào DTTS, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi mà điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đồng bộ, công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Gần 200 đại biểu tham gia Hội Thảo
Gần 200 đại biểu tham gia Hội thảo

Xác định công tác PBGDPL là một nhiệm vụ cần phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, rộng khắp ở các cấp, các ngành, các địa phương, với hình thức đa dạng, phong phú. Nội dung PBGDPL cần phải bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu, phong tục, tập quán của khu vực, địa phương cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ các văn bản có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm, hoặc định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Hội thảo lần này sẽ tạo điều kiện cho Khánh Hòa và 3 tỉnh bạn đánh giá lại kết quả đạt được trong công tác PBGDPL cho đồng DTTS thời gian qua; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đồng thời cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để đề ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới. Riêng tại Khánh Hòa, trong 3 năm 2021-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức 36 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL; 3 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho hơn 3.000 lượt người. Các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương…

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc Phú Yên tham luận tại Hội thảo
Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc Phú Yên tham luận tại Hội thảo

Trình bày tham luận tại Hội nghị, ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc Phú Yên cho biết: Vùng đồng bào DTTS của tỉnh có 23 xã, trong đó có 12 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 10 xã khu vực I và 70 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên tiếp tục có những bước phát triển tích cực; văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; hệ thống chính trị được củng cố và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Công tác PBGDPL ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới. Các phương pháp, hình thức tuyên truyền được Ban Dân tộc tỉnh quan tâm, chú trọng và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương triển khai sinh động, đa dạng gắn với tình hình thực tế từng địa phương.

Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh luôn chủ động tổ chức các đợt khảo sát trực tiếp các xã, trường học vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, xây dựng, ban hành sớm các kế hoạch triển khai thực hiện PBGDPL phù hợp với từng địa phương... Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn; Biên soạn nội dung tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đồng bào DTTS phải ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với thực tiễn đời sống địa phương; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp PBGDPL, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đang có và đặc biệt phát huy vai trò tuyên truyền của đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS...

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc Bình Thuận thâm luận tại Hội thảo
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc Bình Thuận phát biểu tham luận tại Hội thảo

Còn ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc Bình Thuận cho hay: Vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS là hết sức quan trọng trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 87 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đội ngũ này tham gia tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc...

Cũng theo ông Tân, công tác vận động Người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền PBGDPL phải được quan tâm chỉ đạo thống nhất, thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền, các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, trong đó các cơ quan chuyên trách như: Công an, Ban Dân tộc, Dân vận, Mặt trận làm nòng cốt. Cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của Người có uy tín và công tác vận động họ tham gia công tác tại địa phương; tạo điều kiện để Người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò đối với các lĩnh vực của đời sống, xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của từng đối tượng, để họ được tham gia góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc cho Người có uy tín...

Tại Hội thảo có 20 tham luận đánh giá thực trạng công tác PBGDPL vùng đồng bào DTTS nói chung; chia sẻ kinh nghiệm, hình thức, phương pháp PBGDPL và một số kỹ năng đặc thù phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào DTTS khu vực Nam Trung bộ cũng như kinh nghiệm PBGDPL để đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền thù địch của các thế lực phản động trong vùng đồng bào DTTS. Hội thảo cũng phổ biến những kinh nghiệm phối hợp, lồng ghép, triển khai công tác PBGDPL giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và kiến nghị khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác này.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.