Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 10 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Thúy Hồng - 2 giờ trước

Sáng 6/10, tại Tòa nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 10 để triển khai các nội dung phục vụ cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và xem xét, cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác liên quan đến công tác dân tộc theo sự phân công của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cùng Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đồng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại diện Bộ Tư Bộ đội biên phòng, Bộ Công an, các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Năm 2024 là năm then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 9 tháng đầu năm, bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, nhất là tình hình biến đổi khí hậu cực đoan, thiên tai lũ lụt gần đây tiếp tục ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nước ta nói chung và các vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Trong bối cảnh chung đó, ngay từ đầu năm 2024, Hội đồng Dân tộc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khẩn trương tập trung, triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch Quý III và cả năm 2024, hoàn thành khối lượng lớn công việc.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Thường trực Hội đồng Dân tộc chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, công tác lập pháp của Hội đồng Dân tộc có bước phát triển mạnh mẽ. Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; và hiện đang tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) soạn thảo dự án Luật, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, cơ bản đảm bảo tiến độ và chất lượng.

“Việc góp ý, phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, ngày càng chất lượng, kỹ lưỡng, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc, đóng góp vào công tác chung của Quốc hội, UBTVQH”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh.

Theo đó, phiên họp diễn ra trong hai ngày 6-7/10/2024. Trong đó tập trung thảo luận các nội dung chính: Thẩm tra, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội và quốc phòng -an ninh 09 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2024; Thẩm tra báo cáo việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030; Tham gia thẩm tra một số Dự án luật; Cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS giai đoạn 2026-2023; Báo cáo tiến độ Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân Dân; Báo cáo việc thực hiện Đề án đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại phiên họp

Tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã thông tin về tình hình thưc hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương luôn chỉ đạo sát sao, quyết liệt; các địa phương chủ động bám sát, tập trung điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao về Chương trình MTQG 1719. Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương đã được ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ, có sự tiếp thu nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai tại địa phương.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã có chuyển biến tích cực so với tình hình giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước và các Chương trình MTQG. Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 7/2024, các địa phương được giao kế hoạch vốn Ngân sách trung ương đã cơ bản hoàn thành công tác phân bổ 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 11.171,155 tỷ đồng vốn sự nghiệp, còn 04 tỉnh (Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Nam và Gia Lai) chưa phân bổ hết vốn đầu tư phát triển năm 2024.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp

Tính đến hết ngày 31/7/2024 (bao gồm cả nguồn vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024 và dự toán năm trước chuyển sang năm 2024) Chương trình đã giải ngân được 8.430,124 tỷ đồng. Trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao đến hết năm 2025 tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, có 02 nhóm mục tiêu đánh giá vào cuối giai đoạn thực hiện Chương trình; 07 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu thông qua 24 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc ban hành các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do còn sự lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai văn bản hướng dẫn của cấp trung ương. Việc giải ngân vốn đầu tư được cải thiện và có nhiều chuyển biến; tuy nhiên kết quả giải ngân còn đạt thấp do Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 mới có hiệu lực...

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến hết ngày 31/12/2025 đối với vốn ngân sách nhà nước của Chương trình MTQG 1719 chưa giải ngân hết trong năm 2024 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại phiên họp
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại phiên họp

Đồng thời kiến nghị Quốc hội nghiên cứu có hướng dẫn, cần thiết phải điều chỉnh và quy định rõ hơn một số nội dung thông tin tại Nghị quyết số 111/2025/QH15 về việc giao thẩm quyền cho địa phương trong điều chỉnh kế hoạch vốn, cơ cấu nguồn vốn của chương trình, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả trong thực hiện các cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; tăng cường giám sát việc chấp hành tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình MTQG 1719 ở các cấp để đảm bảo hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; hiệu quả trong thực hiện các cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; tăng cường giám sát việc chấp hành tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình MTQG 1719 ở các cấp để đảm bảo hiệu quả, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đã được nghe đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và quốc phòng an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi 9 tháng đầu năm 2024; Dự thảo báo cáo thẩm tra việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Theo đánh giá của Dự thảo báo cáo thẩm tra việc thực hiện Chương trình MTQG 1719, với sự vào cuộc của Chính phủ và các Bộ, ngành đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều thành tựu, chỉ số về phát triển KTXH, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực. Tình hình KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở vùng DTTS và miền núi đạt chỉ tiêu do Chính phủ, Quốc hội đề ra, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 3%.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi còn có nhiều khó khăn; công tác xóa đói, giảm nghèo tuy có tiến bộ, song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao; công tác giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp, thậm trí có xu hướng dãn ra ở một số nơi. Việc ứng phó và chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn vùng DTTS và miền núi còn bất cập, thiếu dự báo mang tính dài hạn để có giải pháp phù hợp, sắp xếp, di dời dân cư ở vùng có có nguy cơ sạt lở...

Đại diện Bộ Công an phát biểu tại phiên họp
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi đánh giá những kết quả triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở vùng đồng bào DTTS, phân tích làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc, đề xuất những giải pháp để thực Chương trình đạt hiệu quả. Đồng thời thảo luận, đánh giá những tác động của cơn bão số 3 đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi để có những đề xuất thực hiện hiệu quả chương trình trong cả giai đoạn.

Tin cùng chuyên mục
Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão lũ

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão lũ

Để khắc phục hậu quả, cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên theo quy định của Nghị định 02/2017 về về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì mức hỗ trợ rất thấp, vì vậy cần đẩy nhanh thời gian và tăng mức hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tái thiết sản xuất, ổn định đời sống và tăng trưởng kinh tế.