Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tâm Hạ - 19:13, 20/09/2024

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo... trên các lĩnh vực tham gia tham luận.

Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành và Hoa Ry đồng chủ trì thảo luận
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành và Trần Thị Hoa Ry đồng chủ trì buổi thảo luận

Đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, mặc dù rất cần thiết phải được ban hành, nhưng dự án Luật về lĩnh vực dân tộc rất khó về xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục tiêu của dự án Luật; đồng thời cũng có nhiều vấn đề mới trong nội dung.

Tại Hội thảo khoa học “Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc” do Hội đồng Dân tộc tổ chức đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, tham góp ý kiến vào dự thảo Luật, chuyên gia độc lập Nguyễn Đức Lam cho biết, nhiều văn bản Luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Di sản văn hóa… đã có một số nội dung cụ thể hóa các quy định tại Điều 5 của Hiến pháp 2013; thể hiện quyền bình đẳng của các dân tộc, nguyên tắc đoàn kết, tôn trọng nhau, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Hiến pháp 2013 cũng đã nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước ban hành, thực hiện những chính sách phù hợp đối với các DTTS.

“Các DTTS trong quá trình phát triển gặp những thách thức, khó khăn mà nếu chỉ áp dụng những chính sách chung, thì khó được khắc phục, cải thiện. Để hỗ trợ đồng bào các DTTS thực hiện quyền bình đẳng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, Nhà nước cần dành nhiều ưu tiên trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS”, ông Lam nhấn mạnh.

Chuyên gia độc lập Nguyễn Đức Lam.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Đức Lam

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hiện chưa có bất kỳ luật nào điều chỉnh các vấn đề chung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chính sách cho vùng DTTS và miền núi. Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ vẫn là văn bản pháp lý cao nhất về công tác dân tộc;...

Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng, ban hành Luật về lĩnh vực công tác dân tộc, chuyên gia độc lập Nguyễn Đức Lam cho rằng, về nội dung, dự án luật cần cụ thể hóa quy định tại Điều 5, Hiến pháp 2013 về bảo đảm sự thống nhất của các dân tộc; bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

“Nội dung của dự án luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào”, ông Lam kiến nghị.

TS. Trần Thị Yên, Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
TS. Trần Thị Yên, Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đồng quan điểm cần phải thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, TS. Trần Thị Yên, Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, hIện nay, Luật Giáo dục nhiều điểm liên quan đến đồng bào DTTS chưa được thực hiện như tinh thần của Hiến pháp năm 2013 mà chỉ mang tính đặc thù. Vì vậy, cần điều chỉnh những vấn đề này trong Luật về lĩnh vực dân tộc sẽ tạo sự thống nhất, điều kiện phát triển bền vững giáo dục vùng DTTS, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS với chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật và chính sách của Nhà nước. 

Để thể chế hóa một cách đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về giáo dục dân tộc, TS. Yên cho rằng, trong dự án Luật về lĩnh vực dân tộc, cũng cần quy định nội dung chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS và các chính sách liên quan; quy định về hệ thống trường, lớp ở vùng DTTS; quy định về tiếng nói, chữ viết các DTTS;... 

TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược y tế (Bộ Y tế) tham gia tham luận
TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược y tế (Bộ Y tế) tham gia tham luận

Đóng góp nội dung trong lĩnh vực Y tế, TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược y tế (Bộ Y tế) nhìn nhận, những năm qua, Nhà nước đã có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhiều bộ luật cũng có các quy định liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS.

“Tuy nhiên, hiệu quả triển khai các chính sách về chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào DTTS chưa đạt được như kỳ vọng. Khoảng cách chênh lệch trong chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền và nhóm dân tộc còn cao; cơ sở vật chất y tế ở vùng DTTS và miền núi còn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị y tế nghèo nàn, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế;...”, TS. Phương cho biết.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc, TS. Nguyễn Khánh Phương cho rằng, nội dung dự án luật cần thể hiện rõ về quyền được chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền và các nhóm dân cư (cụ thể là đồng bào DTTS).

“Ngoài ra, Luật cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS; Lâu nay, chúng ta chỉ thực hiện cơ chế đặc thù đối với các chính sách chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS ở vùng khó khăn, điều này khác với HIến pháp 2013 về đồng bào DTTS được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do vậy, Luật về lĩnh vực dân tộc có thể điều chỉnh làm rõ nội dung, điều mục nhằm thể chế hóa chính sách đối với đối tượng được quyền thụ hưởng chính sách y tế”, TS. Phương khuyến nghị.

Tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học này, ông Ksor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, nhìn từ thực tế, dù chúng ta có Hiến pháp 2013, Bác Hồ ban hành có Sắc lệnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; cùng một hệ thống văn bản, chính sách cụ thể về dân tộc đã được ban hành bao phủ trên hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Song do chúng ta nhìn nhận và cách làm không được rõ ràng, ví dụ như việc xác định, phân định về thành phần DTTS. Ngay khái niệm về người bản địa, thì có thể hiểu là họ ở đây từ rất lâu, trước khi có Nhà nước, hoặc mới có Nhà nước...

Ông Ksor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu làm rõ thêm một số cơ sở lý luận trong dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc
Ông Ksor Phước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu làm rõ thêm một số cơ sở lý luận trong dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc

Do vậy, việc xây dựng Luật phải căn cứ vào đặc điểm lịch sử DTTS, trong đó, trước tiên là xác định đặc điểm chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ví dụ như là có ngôn ngữ chung, di sản văn hoá các dân tộc thiểu số cũng là di sản văn hoá dân tộc Việt Nam; cùng một Tổ quốc, cùng trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Quốc gia.

Theo ông Ksor Phước, trên thực tế, nói đến DTTS, người ta thường nghĩ ngay đến họ là đối tượng nghèo; cộng đồng yếu thế nhất; là đối tượng dễ bị tổn thương; là những đối tượng dễ bị đối xử bất bình đẳng…; Do vậy, luật điều chỉnh gì để hạn chế những vấn đề này, đảm bảo tất cả các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, cùng tiến bộ.

Chúng ta phải rà lại tất cả các luật, những nội dung liên quan đến đồng bào DTTS, việc xây dựng Luật dân tộc, phải đạt mục tiêu là bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực, các mặt cuộc sống, phải phát huy được nội lực để phát triển chứ không chỉ là giúp đỡ. Xác định Luật là cơ sở pháp lý cao nhất để đồng bào thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. 

Dựa trên các nguyên tắc cơ bản là đảm bảo: điều kiện nơi sinh sống của đồng bào DTTS phải tốt hơn nơi cũ; Tạo điều kiện để bà con dân tộc tiếp cận, hội nhập với hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế, để bà con không đứng ngoài sự phát triển chung của đất nước; phải làm sao khuyến khích để bảo vệ, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, coi đó là tinh túy của văn hóa Việt Nam; Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, không chăm lo sẽ dễ bị tụt hậu, chỉ có con đường khoa học kỹ thuật là con đường tiến lên, rút ngắn sự phát triển, vươn lên hội nhập với quốc tế. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến bình đẳng về chính trị…

Theo ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cho rằng, cần kế thừa những vấn đề đã nghiên cứu, để tránh việc dự Luật không chồng chéo và phải đồng bộ. Đồng thời, phải quy định rõ các cấp cho cơ quan quản lí về công tác dân tộc. Chính sách dân tộc nên lấy đồng bào dân tộc làm trung tâm, để thực hiện chính sách đồng đều đối với mọi địa bàn.

Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tham gia ý kiến
Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tham gia ý kiến

Đặc biệt, tránh việc sung đột chính sách, Luật về lĩnh vực dân tộc cần làm rõ để không phải lúng túng khi triển khai. Trong công tác phối hợp cần nêu rõ cơ quan nào là chủ trì để rõ vai “nhạc trưởng” khi giải quyết các sự việc xảy ra trong thực tế tại mỗi địa phương.

Về tên gọi của dự án Luật về lĩnh vực dân tộc, nhiều đại biểu thống nhất đề tên Luật Dân tộc. Đại biểu Danh Út, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu ý kiến, để bám vào trọng tâm mà yêu cầu đặt ra, thì theo ông nên ngắn gọn tên gọi là “Luật Dân tộc”. 

Hoà thượng Danh Lung, phát biểu đồng thuận việc định hướng tên gọi Luật Dân tộc
Hoà thượng Danh Lung phát biểu đồng thuận việc định hướng tên gọi Luật Dân tộc

Đồng quan điểm với ông Danh Út, Hoà thượng Danh Lung, Phó ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer, Phó Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, trụ trì chùa Candaransi, nêu rõ: Thống nhất với tên gọi Luật Dân tộc, đối tượng áp dụng là DTTS. Hòa thượng cũng cho rằng, việc xây dựng những nội dung, điều luật, những vấn đề thể hiện trong Luật phải thể hiện được cho đối tượng là đồng bào dân tộc.

Ngoài các ý kiến trên, Hội thảo cũng được nghe rất nhiều ý kiến tham góp của các đại biểu nhằm làm rõ những vấn đề tồn tại, bấp cập trong hệ thống chính sách dân tộc hiện hành cần điều chỉnh, thống nhất, qua đó để thấy được vì sao phải có Luật về lĩnh vực dân tộc... 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã cảm ơn, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết trách nhiệm xung quanh các vấn đề xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc. Trên cơ sở những thông tin, đóng góp quan trọng này, Hội đồng Dân tộc tiếp tục rà soát bổ sung; đồng thời tiếp tục có những hội thảo chuyên đề sâu hơn để từng bước hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật...

Tin cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang

Ngày 14/12, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XV bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ Hội trường Trung tâm hành chính thành phố Vị Thanh đến 6 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đọc nhiều