Tục rửa mặt – một nghi lễ đặc biệt trong đám cưới của người Tày ở Bình LiêuTại Quảng Ninh, người Tày là dân tộc có số lượng đông thứ ba sau người Kinh và người Dao, chiếm khoảng 2,88% dân số toàn tỉnh. Riêng tại huyện vùng cao Bình Liêu, cộng đồng người Tày sinh sống tập trung nhiều nhất, với gần 14.000 người, chiếm gần một nửa tổng số người Tày trong tỉnh.
Trong đời sống văn hóa của người Tày ở Bình Liêu, lễ cưới không chỉ là sự kiện trọng đại của hai gia đình, mà còn là dịp để cả cộng đồng cùng chung vui, chứng kiến và chúc phúc cho đôi lứa nên duyên. Một lễ cưới truyền thống thường trải qua nhiều nghi thức với trình tự rõ ràng, đầy tính biểu tượng và sâu sắc: từ Pây tham au lộc mềnh khao (đi hỏi lấy căn duyên trắng), Tặt bàu au lộc mềnh đeng (đặt trầu lấy căn duyên đỏ), Pây tềnh (dạm ngõ), Pây poóng lảu (định ngày cưới), đến các nghi thức trong ngày cưới như Slống lù (tiễn dâu), Khai lộc slao (gả con gái), Tẳng lù (đón dâu), Dào nả (rửa mặt) và cuối cùng là lễ lại mặt.
Những chiếc khăn để rửa mặt được đặt ngay ngắn trong một chiếc chậuĐặc biệt, tục rửa mặt của người Tày ở Bình Liêu chỉ có tại nhà trai. Cô dâu chuẩn bị sẵn từ 300 đến 400 chiếc khăn mặt, đặt trong chậu cùng một vòng bạc. Sau tiệc cưới, cô dâu ngồi cạnh bố mẹ chồng ở cửa chính, trao khăn cho họ hàng bên nhà trai theo sự giới thiệu của mẹ chồng. Họ hàng nhà trai, từ bậc cao nhất đến thấp nhất, lần lượt tiến hành nghi lễ này, chúc phúc cho đôi trẻ và thả tiền mừng vào chậu. Cô dâu sẽ trao khăn mặt và gửi lời cảm ơn tới họ hàng, bạn bè. Bất kể là cô gái dân tộc nào, khi về làm dâu, đều phải trải qua tục này như một phần không thể thiếu trong gia đình người Tày.
Bà Lương Thị Vằn, 62 tuổi, thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn chia sẻ: “Trước kia, khi đời sống còn khó khăn, mọi người mang chăn, nồi, chậu để tặng; giờ nhiều người đã bỏ tiền vào chậu để giúp đôi trẻ có chút vốn làm ăn. Tùy vào khả năng, có người bỏ vài chục ngàn đồng, có người đến vài trăm, thậm chí là vàng ta, để mừng cho đôi trẻ”.
Sau tiệc cưới, người thân trong gia đình chú rể sẽ bỏ tiền mừng vào chiếc chậu bên dưới những chiếc khăn mặtTheo đó, người đến tham dự lấy khăn, đưa qua mặt chậu hai ba lần, lau nhẹ lên mặt rồi đặt tiền mừng tùy tâm vào chậu và gửi lời chúc phúc đến đôi trẻ. Chỉ những người thuộc hàng trên của chú rể (ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị) mới được nhận khăn. Ai còn đủ vợ chồng sẽ được tặng một đôi khăn, người đơn thân hoặc đã mất vợ hoặc chồng thì chỉ nhận một chiếc. Người là em hay cháu, thuộc hàng dưới, sẽ không tham gia nghi lễ này.
Chia sẻ về tục rửa mặt trong đám cưới của người Tày, ông Bế Sinh Nghiệp, Người có uy tín thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm cho biết: “Tục rửa mặt này có từ lâu lắm rồi, không ai còn nhớ bắt đầu từ bao giờ nữa. Đây không chỉ là dịp để cô dâu làm quen với gia đình nhà chồng, mà còn là một cách để mọi người thể hiện tình yêu thương, sự gắn kết và chia sẻ trong cuộc sống. Qua đây, người thân trong gia đình sẽ giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ bằng một ít tiền, như một món quà khởi đầu cho cuộc sống mới”.
Tục rửa mặt của người Tày ở Bình Liêu là một nét văn hóa độc đáo, chỉ có ở vùng đất này, khác biệt hoàn toàn so với các vùng khác như Tuyên Quang, Cao Bằng hay Bắc Kạn. Dù xã hội đã phát triển, tục rửa mặt vẫn được bảo tồn và gìn giữ như một nghi thức thiêng liêng, không thể thiếu trong đời sống của người Tày nơi đây. Và trong mỗi chiếc khăn mặt, trong mỗi tờ tiền mừng, là những lời chúc phúc đầy yêu thương, là niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho đôi vợ chồng trẻ.