Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khánh Hòa: Cham Oasis níu chân du khách!

Đạt Thành Nhân - 10:05, 23/09/2019

Đến với Champa Island vào buổi chiều tà, đứng trên bờ nhìn những chiếc thuyền ngược dòng về hướng mặt trời lặn, hoàng hôn tràn về nhuộm tím dòng sông, bên cạnh là những vật dụng quá đỗi quen thuộc, gợi lại những ký ức làng quê… Chắc hẳn du khách sẽ lưu luyến chẳng muốn xa.

Khánh Hòa: Cham Oasis níu chân du khách!

Biểu diễn điệu múa Chăm tại làng nghề Cham Oasis.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các sản phẩm làng nghề truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách thăm quan, Khu du lịch Champa Island (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã khai trương Khu làng nghề truyền thống Cham Oasis. Tại đây, có nhiều nghề truyền thống đã được phục dựng, với sự góp mặt của nhiều nghệ nhân nổi tiếng.

Khu làng nghề truyền thống Cham Oasis có diện tích hơn 2.500m2 bên dòng sông Cái, được bao phủ bởi những hàng cây mướt xanh, phủ bóng trên những căn nhà gỗ truyền thống tuyệt đẹp, bên cạnh là bãi biển với dải cát trắng mịn. Ở đó, Champa Island giới thiệu với du khách những nghề thủ công truyền thống của vùng đất Nam Trung bộ như: Làm nón, gốm Chăm, thêu tranh… bằng việc trưng bày sản phẩm, kết hợp với trình diễn các công đoạn chế tác.

Đến với làng nghề Cham Oasis, điều đầu tiên du khách nhìn thấy là những lu nước bằng gốm Chăm, được bày trên thảm cỏ xanh, gợi một cảm giác rất xưa cũ. Bên hiên nhà, là những bức phù điêu bằng đất nung tựa như những bức phù điêu trên những ngôi tháp Chăm huyền thoại.

Nghệ nhân gốm Não Thị Chánh (làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Chúng tôi rất vui khi được đến làm việc tại Khu làng nghề truyền thống Cham Oasis, giới thiệu nghề làm gốm truyền thống của người Chăm với người dân Nha Trang và du khách mọi miền.

“Cùng với tôi, Khu làng nghề có mời 3 nghệ nhân gốm Bàu Trúc khác. Những ngày đầu cũng cảm thấy buồn vì nhớ nhà. Tuy nhiên, mỗi ngày được giới thiệu nghề làm gốm cho du khách, thấy họ vui vẻ thì chúng tôi cũng vui hơn nhiều. Làm nghề gốm ở làng Bàu Trúc đầu ra bấp bênh nên thu nhập thấp. Tới đây làm việc, thu nhập ổn định mỗi tháng 6 triệu đồng nên mọi người phấn khởi lắm”, nghệ nhân Não Thị Chánh chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lợi giới thiệu nghề đan nón tại Cham Oasis.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lợi giới thiệu nghề đan nón tại Cham Oasis.

Còn Nghệ nhân làm nón Nguyễn Thị Lợi (62 tuổi, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, bà đã có 40 năm theo nghề đan nón lá. Lúc 22 tuổi bà lấy chồng và được mẹ chồng truyền nghề đan nón. Nhiều năm sau đó, nghề đan nón đã góp phần phụ thêm thu nhập cho gia đình bà trong những lúc nông nhàn. Thời cuộc thay đổi, nghề xưa mai một, nón lá ít được sử dụng, sản phẩm làm ra không bán được. Đã có lúc bà định bỏ nghề.

“Cứ tưởng nghề này không ai còn nhớ đến. Vậy mà nay, tôi được mời tới đây để tái hiện nghề đan nón xưa. Vui hơn nữa là nhân viên, du khách đến đây đều rất thích sản phẩm của tôi. Nhiều nữ nhân viên đặt hàng tôi làm nón để dùng”, Nghệ nhân Nguyễn Thị Lợi tự hào nói.

Nói về ý tưởng xây dựng làng nghề Cham Oasis, bà Lê Thị Hồng, Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Champa Island cho biết: Nhiều đơn vị lữ hành than bây giờ nghề truyền thống của xứ Trầm Hương mai một, rất khó để tìm điểm đưa khách đến thăm quan. Từ đó, chúng tôi nghĩ đến việc xây dựng làng nghề truyền thống để lưu giữ những nét tinh hoa trong văn hóa của Khánh Hòa, đồng thời làm điểm thăm quan cho khách du lịch cũng như các thế hệ trẻ đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Tuy vậy, điều đáng tiếc hiện nay là, không gian của làng nghề chưa đủ lớn để có thể giới thiệu thêm nhiều nghề khác như: Dệt chiếu, làm hương, làm bánh tráng, xoi trầm… Về vấn đề này, bà Hồng cho biết thời gian tới, Champa Island sẽ nỗ lực bổ sung, hoàn thiện hơn về không gian cũng như sản phẩm của làng nghề Cham Oasis để đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách.

Có thể nói, sự kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo tồn là một hướng đi triển vọng trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Hy vọng, mô hình này sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng về ý thức xây dựng bảo tồn làng nghề truyền thống ngày càng tốt hơn, qua đó thu hút thêm khách du lịch về với Khánh Hòa.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều ảnh đẹp Việt Nam chụp từ trên cao lọt Top 100 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế 35Awards

Nhiều ảnh đẹp Việt Nam chụp từ trên cao lọt Top 100 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế 35Awards

Vượt qua hơn 124.000 người tham gia từ 174 quốc gia, với hơn 470.000 bức ảnh được gửi dự thi, một số tác giả Việt Nam đã xuất sắc lọt Top 100 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế 35Awards hạng mục Aerial Photography (ảnh chụp từ trên cao).