Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

T.Nhân - H.Trường - 15:40, 18/04/2025

Tối 17/4 (tức ngày 20/3 năm Ất Tỵ), tại Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar ở thành phố Nha Trang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025.

Hàng nghìn người dân và du khách tham dự Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025
Hàng nghìn người dân và du khách tham dự khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là đồng bào Chăm từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên cùng về tham dự. 

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc Lễ hội
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc Lễ hội

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội, nhấn mạnh: Lễ hội Tháp Bà Ponagar là nét đẹp văn hóa tâm linh tiêu biểu, thể hiện lòng tôn kính đối với Thiên Y Thánh Mẫu Ana - Mẹ xứ sở trong tín ngưỡng dân gian Nam Trung Bộ. Qua nhiều thế kỷ, Lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đánh trống khai mạc Lễ hội
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đánh trống khai mạc Lễ hội

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Thông qua âm nhạc, ánh sáng và các tiết mục múa hát dân gian, hình tượng Thiên Y Ana - người đã gieo mầm sự sống, dạy dân trồng lúa, dệt vải, tạo nên nền văn minh Chăm Pa rực rỡ - được tái hiện đầy xúc động. Người là hiện thân của tình yêu thương, của lòng bao dung và là chốn tựa tâm linh của biết bao thế hệ người dân phương Nam.

Người dân dâng Lễ vật lên Thiên Y Thánh Mẫu Ana
Người dân dâng Lễ vật lên Thiên Y Thánh Mẫu Ana

Bên cạnh các nghi thức truyền thống như Lễ thay y Mẫu, Lễ thả hoa đăng trên sông Cái, rước kiệu quanh khu dân cư, Lễ dâng hương, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ tế cổ truyền…, Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa đặc sắc như múa bóng, hát bội, hát văn, trò chơi dân gian, trình diễn kỹ nghệ làm gốm, dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm.

Tháp Bà Ponagar là quần thể kiến trúc Chăm Pa độc đáo được xây dựng từ thế kỷ 18, tọa lạc trên ngọn đồi cách biển vịnh Nha Trang chỉ vài trăm mét. Không chỉ có giá trị về lịch sử, hoạt động văn hóa, tôn giáo, di tích này còn lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc và bia ký Chăm cổ. Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và đến năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Sôi nổi chương trình Liên hoan nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hậu Giang

Sôi nổi chương trình Liên hoan nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hậu Giang

Tối 18/4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã tổ chức chương trình Liên hoan nghệ thuật các dân tộc tỉnh, hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”.