Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Đối mặt với nhiều nỗi lo trong mùa khô

Thành Nhân - 09:35, 04/04/2020

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, địa hình đồi núi có độ dốc cao nên mùa khô thường thiếu nước trầm trọng. Năm nay, tuy mới bước vào đầu mùa khô hạn, nhưng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã“hụt hơi”; nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, sản xuất đang hiển hiện trước mắt. Bên cạnh đó, Khánh Sơn còn phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao.

Hầu hết các kênh mương ở Khánh Sơn đã khô cạn.
Hầu hết các kênh mương ở Khánh Sơn đã khô cạn

Nỗi lo cận kề 

Hơn 4 tháng qua, trên địa bàn huyện không có mưa, nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước tự chảy từ trên núi xuống. Ở nhiều nơi, người dân hằng ngày phải ra những con suối nhỏ, chắt chiu từng can nước mang về dùng.

Ông Cao Danh, người dân ở xóm Đỉnh Đèo, thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Bây giờ nước đầu nguồn cũng cạn kiệt, tôi phải tranh thủ buổi trưa vắng người để đi chở nước về”.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt ở Khánh Sơn không chỉ do thời tiết, mà còn có nguyên nhân khác là hệ thống cấp nước tự chảy của địa phương qua các đợt mưa lũ đã bị xuống cấp, đầu nguồn không có kè bảo vệ nên đất đá đổ về nhiều, gây tắc nghẽn và ô nhiễm; hệ thống kè giữ nước đã bị hư hỏng khiến lượng nước thất thoát nhiều.

Cùng với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, thì hàng trăm ha cây trồng ở huyện Khánh Sơn cũng đang khô héo vì thiếu nước tưới. Theo UBND huyện Khánh Sơn, do nắng hạn, gần 55ha và 255ha cây ăn quả, cây công nghiệp tại các xã: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam sẽ thiếu nước tưới trầm trọng.

Bà Võ Thị Thủy ở thị trấn Tô Hạp chia sẻ: Bà con ở đây rất vất vả kiếm nước để tưới cho cây mà cây vẫn khô héo vì thời tiết nóng quá. Đặc biệt là những hộ nghèo không có tiền đầu tư mua mô tơ nên rất khó khăn trong việc có được tưới nước chống hạn cho những diện tích mía tím, cà phê ở xa sông, suối.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn, mỗi khi mùa khô đến, hơn 620ha rừng thông tại xã Ba Cụm Nam luôn đứng trước nguy cơ cháy cao. Thời điểm này, qua rà soát ban đầu của chính quyền cơ sở, có 300ha rừng thông trồng thuộc tiểu khu 292 (thôn Hòn Gầm), tiếp giáp với nương rẫy canh tác của người dân được xác định là vùng trọng điểm dễ cháy. Không chỉ vậy, một số diện tích rừng sản xuất của người dân cũng rất dễ cháy lan.

Chủ động ứng phó

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng, chủ động các biện pháp ứng phó; đặc biệt ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu,Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát các khu vực nguy cơ cao thiếu nước trong mùa hạn để thực hiện các biện pháp cấp nước bổ sung như: Đào giếng, khoan giếng cấp nước công cộng, đấu nối hệ thống nước sinh hoạt; tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước cho người dân. Về nước sản xuất, chúng tôi khuyến cáo người dân chủ động đào ao, hồ tích trữ nước để tưới cho cây trồng”.

Đối với công tác bảo vệ rừng, qua kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn yêu cầu, các địa phương phải tập trung tối đa cho công tác PCCCR trong mùa khô năm nay. Trước mắt, các xã, thị trấn, chủ rừng phải bám sát diễn biến tình hình thời tiết; nắm rõ từng khu vực có nguy cơ cháy cao; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR. Đối với việc đốt dọn nương rẫy của các hộ dân, chính quyền cơ sở phải cắt cử người giám sát, hướng dẫn để đảm bảo không cháy lan vào rừng.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Kiên Giang: Cháy hơn 10 ha khu đất mỏ than bùn và Khu bảo tồn loài Sinh cảnh xã Phú Mỹ

Chiều 12/5, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, đám cháy xảy ra tại khu vực đất mỏ than bùn do Nhà nước quản lý, sau đó cháy lan sang Khu bảo tồn Loài sinh cảnh Phú Mỹ làm thiệt hại hơn 10 ha cây rừng tái sinh. Tính đến cuối giờ chiều 12/5, đám cháy đã được khống chế và được các lực lượng chữa cháy tích cực dập tắt phần cháy ngầm, không cho bùng phát trở lại.