Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Phát huy vai trò Người có uy tín

Thành Nhân - 18:10, 08/08/2022

Những năm qua, công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ già làng, Người uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở cơ sở luôn được huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa xác định là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, nhiều già làng, Người có uy tín đã có nhiều đóng góp trong việc vận động bà con thực hiện chủ trương đường lới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Huyện Khánh Vĩnh thường xuyên mở các hội nghị tập huấn, để những Người có uy tín cập nhật thêm kiến thức mới truyền đạt lại cho dân làng
Huyện Khánh Vĩnh thường xuyên mở các hội nghị tập huấn để những Người có uy tín cập nhật thêm kiến thức mới truyền đạt lại cho dân làng

Đi đầu trong mọi lĩnh vực

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc, lực lượng già làng, Người có uy tín đã giúp cấp ủy đảng, chính quyền chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng, cũng như tham gia vận động người thân, xóm giềng, cộng đồng thực hiện đúng những quy định, chính sách này. Nhờ đó, nhiều chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được triển khai khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, đội ngũ già làng, Người có uy tín còn góp tiếng nói quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ các tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, không mắc mưu kẻ xấu, không tham gia các tổ chức tôn giáo lạ, tà đạo, mê tín dị đoan; đồng thời tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào xã hội do Đảng, Nhà nước phát động.

Đơn cử như già làng Pi Năng Liễng ở thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng. Với vai trò của một thôn trưởng, Người có uy tín trong vùng, ông luôn thực hiện phương châm “làm cho dân hiểu, nói cho dân nghe, chỉ cho dân làm”. Ông đã cùng các già làng tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chủ động tuyên truyền cho con cháu nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Lực lượng già làng, Người có uy tín còn là “cánh tay nối dài” của chính quyền và ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng, giữ gìn trật tự thôn xóm, phát giác tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bài trừ tệ nạn xã hội, đẩy mạnh sản xuất xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở…

Là Người có uy tín ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang, năm nay đã 71 tuổi, nhưng ông Cao Thiên vẫn là người để bà con địa phương tìm đến nhờ hỗ trợ mỗi khi có các vướng mắc về luật pháp, chính sách. Ông Cao Thiên nói: Mỗi lần có chính sách, thông tin mới liên quan tới bà con, tôi được địa phương thông tin, tổ chức các cuộc họp để nắm bắt. Nhờ đó các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tôi đều nắm và hướng dẫn, chỉ cho bà con ở thôn, xã. Các vấn đề khó khăn ở thôn, bà con cũng thường tìm đến tôi để nhờ hướng dẫn.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, lực lượng già làng, Người có uy tín của huyện cũng thể hiện vai trò tiên phong, nhiều người trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Một trong những tấm gương điển hình là già làng Cao Ri Nâng ở xã Khánh Thành. Ông là một trong những già làng tiêu biểu luôn được người dân tin yêu nể trọng và chính quyền tin tưởng. Bởi tuy tuổi cao nhưng ông vẫn hàng ngày lên rẫy lao động, vừa làm vừa truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu, ông cũng hướng dẫn, chỉ bảo bà con ở địa phương trồng trọt, chăn nuôi, tạo dựng lối sống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình no ấm, buôn làng văn minh…

Tiếp tục chăm lo cho Người có uy tín

Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh có 107 già làng, Người có uy tín, bố trí đều ở địa bàn 14 xã, thị trấn. Qua thực tê cho thấy, lực lượng già làng, Người có uy tín có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào các DTTS. Họ không chỉ có tiếng nói đối với gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Do đó, những năm qua, công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc các cấp trong huyện Khánh Vĩnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hàng năm, ngoài kinh phí của UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh chủ trì thực hiện các nội dung như: Cung cấp báo, tạp chí, tập huấn, bồi dưỡng, tham quan học tập trong và ngoài tỉnh, UBND huyện còn cấp kinh phí cho Phòng Dân tộc huyện thực hiện chính sách đối với Người có uy tín như: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; động viên, hỗ trợ Người có uy tín khi ốm đau, gia đình gặp khó khăn...

Ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Già làng, Người có uy tín đóng vai trò rất quan trọng trong cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Họ không chỉ là những người có nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế mà còn là “thủ lĩnh” của các buôn, làng. Tiếng nói của già làng, Người có uy tín giúp cho đồng bào nghe và làm theo lẽ phải, điều hay để cùng chung tay giúp buôn, làng phát triển vững mạnh.

 Để giúp già làng, Người có uy tín có thêm thông tin, kiến thức hoàn thành tốt vai trò của mình, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã mở 147 lớp tập huấn tại các xã để giới thiệu, tập huấn văn bản pháp luật mới cho hơn 6.700 đại biểu, là cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã; báo cáo viên pháp luật; già làng, trưởng thôn, Người có uy tín.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.