Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Kon Tum: Người có uy tín tích cực tuyên truyền chính sách BHXH , BHYT

Thiên Đức - 12:07, 04/08/2022

Hiện nay, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 800 người được công nhận là Người có uy tín, bao gồm cả già làng, trưởng bản... Được cộng đồng tín nhiệm, tôn vinh, những năm qua, Người có uy tín ở Kon Tum luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm là "cầu nối" đưa thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với đồng bào. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân ở vùng đồng bào DTTS tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về BHXH, BHYT.

Già làng ở Kon Tum tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người dân
Già làng ở Kon Tum đến từng nhà dân tuyên truyền, trao đổi thông tin về lợi ích khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện cho người dân

Tích cực phát huy vai trò Người có uy tín

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, thời gian qua, Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách đối với Người có uy tín theo đúng với quy định của Nhà nước. Ban dân tộc đã tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Đông Nam bộ và vùng duyên hải Miền Trung... 

Thông qua đó, đã kịp thời khích lệ, động viên Người có uy tín nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân ở vùng đồng bào DTTS tham gia BHXH.

Già làng A Dát, dân tộc Xơ Đăng (65 tuổi) ở xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy cho biết, nhà tôi con cháu chỉ quanh quẩn ở nhà làm nương, làm rẫy. Thế nhưng, được cán bộ hướng dẫn về chính sách BHXH, BHYT, tôi thấy rất hay nên đã tích cực vận động con cháu tham gia đóng BHXH tự nguyện. Đồng thời, tuyên truyền, thông tin cho con biết  được giá trị của tấm thẻ BHYT, khi ốm đau thì cầm thẻ đi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế không mất tiền, chứ không được cúng bái như trước mà bệnh thêm nặng không cứu chữa được.

Nhờ có những già làng như già A Dát, nhận thức về BHXH, BHYT trong vùng đồng bào DTTS của Kon Tum đã dần thay đổi. Như gia đình anh A Thoát ở thôn Kon Klor, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) thuộc diện hộ khó khăn. Trước đây, anh chưa từng nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng qua tuyên truyền, tư vấn của Người uy tín trong thôn, cũng các cán bộ y tế, cán bộ BHXH về những ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện, anh đã quyết định dành dụm, tích góp để tham gia.

Anh A Thoát chia sẻ: Qua tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ BHXH cũng như động viên của già làng, tôi thấy BHXH tự nguyện là một chính sách rất hay. Vì vậy, tôi và vợ đang bàn bạc xem mức đóng nào phù hợp để tham gia. Sau này khi hết tuổi lao động, mình nhận được lương hưu, có ốm đau gì đi viện cũng không lo.

Theo thông tin của BHXH tỉnh Kon Tum, đến nay, số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT đã đạt kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Cụ thể, tổng số người tham gia BHXH là 52.628 người, tăng 687 người so với quý trước, trong đó có 12.748 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 625 người; 33.398 người tham gia BH thất nghiệp, tăng 05 người; 496.205 người tham gia BHYT, tăng 3.365 người.

Người dân dần thay đổi nhận thức về BHXH
Người dân dần thay đổi nhận thức về BHXH tự nguyện, BHYT đã chủ động đăng ký tham gia

Chương trình phối hợp riêng

Đặc biệt, nhằm tăng cường tuyên truyền vận động chính sách BHXH vùng đồng bào DTTS, vừa qua (ngày 12/4), Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum và Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã ký ban hành Chương trình phối hợp số 08 /CTPH-BHXH-BDT trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, giai đoạn 2022 -2025

Theo đó, Chương trình phối hợp tập trung vào các nội dung tiêu biểu như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vùng DTTS và miền núi về chính sách BHXH, BHYT; Phối hợp tổ chức các hội nghị hoặc lồng ghép các hội nghị, để thực hiện tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH, BHYT với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là đối tượng ở vùng sâu, vùng xa và các địa bàn có sự thay đổi chính sách theo Quyết định 861/QĐ-TTG ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT; giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT. 

 In ấn các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT để đội ngũ công chức và người lao động làm công tác dân tộc phổ biến đến đồng bào các DTTS ở các thôn, buôn. Sử dụng hiệu quả truyền thông trên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh. Vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho đồng bào DTTS làm công việc tự do, tham gia BHXH tự nguyện; BHYT theo hộ gia đình.

 Vận động thân nhân của công chức và người lao động làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cấp huyện, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Vận động đồng bào DTTS mua BHYT cho toàn thể thành viên trong gia đình và có ít nhất 1 người trong gia đình tham gia BHXH tự nguyện.

 Phối hợp xây dựng và ký kết chương trình phối hợp phù hợp tình hình của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện từ năm 2022. Tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên của Ban Dân tộc về nội dung cơ bản của Luật BHXH, Luật BHYT. Tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức Phòng Dân tộc về nội dung, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Thông qua các hội nghị thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, đề án để lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT.

Tin cùng chuyên mục
Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí có trường hợp tử vong tại Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM, Đồng Nai thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không muốn phải trả giá, thậm chí bằng cả tính mạng.