Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khát vọng của người Khơ Mú qua những điệu múa truyền thống

Lam Anh (t/h) - 19:48, 28/12/2021

Những điệu múa của người Khơ Mú như: múa tăm đao, múa cá lượn (viêng ver guông), múa ong eo (tẹ viêr guông), múa đuổi chim (tẹ kam đặt sim), múa cầu mùa (te grơ), múa tra hạt....đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày với những khát vọng tốt đẹp.

Múa tăm đao
Múa tăm đao

Múa tăm đao

Với đồng bào Khơ Mú, múa tăm đao là điệu múa được dành cho nữ giới, đạo cụ sử dụng là tăm đao. 

Tăm đao được làm từ thân của cây nứa nhỏ - nứa làm đao phải là nứa già vừa đủ (theo cảm nhận và kinh nghiệm của người Khơ Mú) mới tạo âm thanh vang và hay, có thể là đao to hoặc đao bé (đao mẹ và đao con), đao mẹ sử dụng tạo ra âm thanh chính. 

Để chế tác loại nhạc cụ này, những người phụ nữ phải vào rừng chọn lựa những cây nứa thẳng, đẹp và không quá già. Một đầu bỏ mấu, giữ lại thân ống nứa, một đầu giữ lại phần mấu, người ta đục 02 lỗ nhỏ nằm ở hai bên đối xứng nhau, khi đánh ngón tay cái đặt lên phần lỗ ở thân trên, ngón tay trỏ hoặc ngón giữa đặt ở vị trí lỗ phía bên dưới để điều chỉnh âm thanh, giai điệu khi múa tăm đao. Phần phía đầu không có mấu người ta vát nhẹ hai bên thân ống tạo thành trạc hình chữ “u” dài khoảng 25 - 30 cm, giữa hai cánh trạc có xẻ một khe nhỏ vào thân ống để kẹp một sợi chỉ nhỏ, sợi chỉ này cũng có tác dụng điều tiết âm thanh. Khi đánh người ta gõ phần gốc của cánh trạc vào lòng bàn tay để hai cánh trạc rung tạo thành âm thanh.

Múa tăm đao bắt nguồn từ việc người phụ nữ cầm đao để đánh trong quá trình đi nương, đi rừng. Khi quay trở về, trên lưng họ gùi thóc, gùi măng hay các loại rau rừng họ gõ đao tạo ra những âm thanh vui tai để quên đi sự mệt nhọc. Buổi tối trăng lên, người con gái ngồi gõ đao để gọi chàng trai đến. Tiếng đao buồn hay vui được xuất phát từ tâm trạng của người phụ nữ. Những cây đao muốn sử dụng được lâu bền và tạo âm thanh vang và hay thì phải được cất giữ cẩn thận, trước khi dùng người ta mang ngâm vào nước để đao giãn nở cũng như giữ được độ tươi của đao.

Điệu múa cá lượn
Điệu múa cá lượn

Múa cá lượn

Múa cá lượn thường được múa trong lễ sửa nhà của người Khơ Mú. Ngày xưa, khi đi bắt cá, ngồi ngắm nhìn những con cá bơi đi bơi lại, người Khơ Mú về hình dung ra những động tác đuôi cá, vây cá chuyển động và sáng tác ra điệu múa, đặt tên là cá lượn.

 Múa cá lượn gồm sáu động tác chính giống như vẫy đuôi, xòe vòng, ghẹ đầu quấn quýt bên nhau của những con cá trắng dưới lòng khe. Trong mùa tìm nhau kết đôi hoặc trong các lễ hội, ngày vui của dân tộc mình, người Khơ Mú thường múa cá lượn.

Khi dựng nhà xong, đồng bào Khơ Mú tiến hành nghi lễ lên nhà mới, sau khi làm xong các thủ tục lên nhà mới, mọi người ăn uống, chúc tụng là đến các điệu múa mừng nhà mới. Đám thanh niên trong thôn bản treo bộ chiêng lên một góc nhà, mang chập cheng (chreng) ra, một tốp các cô gái ăn mặc lộng lẫy, tay cầm ống nứa to, dài tới ngang ngực bước vào vòng múa. Một người hô to: “Một hai ba đánh!”. Lập tức tiếng chiêng vang rền núi rừng.

Tiếng chập cheng vang rộn thôn bản, lôi cuốn các cô gái múa theo nhịp chiêng, vừa múa, vừa dỗ dỗ đầu gậy xuống sàn nhà bịch bịch bịch. Chiêng đánh càng khỏe, chập cheng càng nhanh, nhịp múa càng hối hả, nhịp dỗ dỗ xuống sàn càng tăng, không khí càng thêm náo nhiệt. Mọi người vỗ tay, trẻ con reo hò theo điệu múa không ngớt. Rồi tất cả mọi người đều bị lôi cuốn vào vòng múa, vừa múa, vừa hát. Họ vừa múa hát mừng nhà mới, vừa mời rượu nhau.

Múa ong eo

Động tác múa ong eo
Động tác múa ong eo

Người Khơ Mú thường múa ong eo  trong những dịp lễ hội, lễ mừng cơm mới được tổ chức ngay sau khi vừa kết thúc vụ gặt. Ong eo là điệu múa lắc hông, uốn lượn eo, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân nơi đây như: Gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ. Điệu múa biểu tượng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, từng nhịp điệu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa.

Khi múa ong eo, người nam thường đeo chiếc khoong khăn (vừa là nhạc khí vừa là đạo cụ), trong khi các cô gái với trang phục sặc sỡ, nụ cười duyên dáng, nhịp gót nhún rộn ràng, uốn lượn lưng eo khiến người xem ngẩn ngơ say đắm.

Múa tra hạt

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 là thời điểm người dân tiến hành cày cấy, để có mùa màng bội thu, người Khơ Mú thường tổ chức lễ hội tra hạt, lễ cầu mùa. Trong lễ hội cầu mùa, vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ được thể hiện tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đàn ông khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ tra hạt, những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động. Phía nữ cũng dàn hàng, đối diện. Nam vừa húng lỗ vừa lùi. Nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất. Cả tốp người, bên nam, bên nữ, cùng làm cùng nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng và trong khúc dân ca của chính người Khơ Mú.

Điệu múa tra hạt
Điệu múa tra hạt

Múa đuổi chim

Điệu múa đuổi chim
Điệu múa đuổi chim

Múa đuổi chim cũng thường được múa trong lễ cầu mùa. Điệu múa này phần nhiều là những vũ điệu và tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động. Mục đích của điệu múa đuổi chim là để xua đuổi các con vật không đến phá nương rẫy làm hại mùa màng nữa. Điệu múa này gắn liền với đời sống lao động của đồng bào Khơ Mú.

Thông qua các điệu dân vũ, người Khơ Mú mong muốn con người luôn luôn được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa; đồng thời cũng thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Các điệu múa liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa, sự cố gắng nỗ lực của người dân khi vượt qua mọi khó khăn để tồn tại phát triển cùng cộng đồng. Do đó, nét đặc biệt của múa dân gian Khơ Mú là các động tác thường rất khỏe mạnh, sôi động nhưng không kém phần duyên dáng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.