Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Khi cây anh túc đã đi vào quá vãng

Nguyễn Thanh - 22:57, 16/04/2022

Những thung lũng rộng lớn ở Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An)… một thời là “thủ phủ” của hoa anh túc. Nơi đây, những bản làng tít tắp của người Mông cũng một thời đói kém, lạc hậu và bao hệ lụy từ “nàng tiên nâu”. Nhưng, tất cả đã là kí ức để nhường chỗ cho những mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi gà đen, trâu, bò, trồng mận tam hoa, trồng rừng…

Một góc xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn hôm nay
Một góc xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn hôm nay

Bước chân của Vừ Chông Pao

Cách đây nhiều năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ở đâu có người Mông sinh sống là ở đó có cây anh túc (còn gọi là cây thuốc phiện). Thế nên, chẳng lạ gì khi những thung lũng rộng lớn ở Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn… đều bạt ngàn cây anh túc. Cây anh túc một thời đã là nguồn thu nhập chính của bà con nơi đây.

Ngoài một phần được nhập để chế biến dược liệu, thì hệ lụy từ cây anh túc để lại  lớn hơn những gì mà đồng bào nơi đây thu nhận được. Cuộc sống bản làng vẫn khó khăn, những ngôi nhà vẫn “trống huơ trống hoác”, tỉ lệ người nghiện gia tăng…

Làm sao xóa bỏ được cây anh túc? Một câu hỏi thực sự khó trả lời. Gặp nhiều già làng nơi miền biên xứ Nghệ, chúng tôi được nghe một câu chuyện của Anh hùng LLVT Vừ Chông Pao (1930 - 2015) - người được xem là vị “thủ lĩnh” của đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn. Vừ Chông Pao từng là “thủ lĩnh” đánh đuổi tay chân của phỉ Vàng Pao ở núi rừng biên giới, nay đã lại đi đầu trong cuộc chiến xóa bỏ cây anh túc.

Người Mông ở Tri Lễ chăn nuôi trâu, bò, ngựa cho hiệu quả kinh tế cao
Người Mông ở Tri Lễ chăn nuôi trâu, bò, ngựa cho hiệu quả kinh tế cao

Theo dòng hồi tưởng của các già làng, những năm 1993, khi đang làm Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, ông Vừ Chông Pao nhận nhiệm vụ về các bản làng người Mông vận động bà con phá bỏ cây anh túc. Và, bước chân ông Pao gần như đi khắp các bản làng, nương rẫy của người Mông để vận động bà con bỏ cây anh túc, sang trồng loại cây khác theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đích thân ông Pao đã đến các địa bàn được xem là “điểm nóng” cây anh túc ở Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ… nhưng nhiều người không nghe. Vừa kiên trì vận động, thuyết phục, vừa ra tận rẫy để nhổ bỏ cây anh túc, phải mất gần 3 năm mới cơ bản xóa bỏ được thứ cây này ở núi rừng Kỳ Sơn.

Ở các huyện khác có đồng bào Mông sinh sống như Quế Phong, Tương Dương cũng đã vào cuộc quyết liệt để xóa bỏ cây anh túc, và thay thế bằng các loại cây, con khác. Đến khoảng năm 2000, đồng bào Mông ở xứ Nghệ gần như không còn trồng cây anh túc, chỉ sót lại một vài nơi, người dân lén lút trồng lác đác giữa rẫy rau cải, nhưng số lượng không đáng kể và nhanh chóng bị phát hiện, nhổ bỏ.

Kể về quá trình xóa bỏ cây anh túc, ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống  nhớ rành rẽ: Tôi lúc ấy mới làm cán bộ giao thông của xã và tham gia đoàn công tác đến từng bản, từng hộ để vận động. Rất khó khăn để thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bà con vì họ cho rằng, chỉ có cây thuốc phiện mới đứng được trên những dãy núi mù sương.

“Chúng tôi tìm gặp, vận động các vị già làng cùng vào cuộc, giúp sức để nói cho bà con hiểu rõ đây là chủ trương tốt đẹp của Đảng, Nhà nước mong muốn bà con đoạn tuyệt với thứ cây nhiều tác hại để tìm các loài cây, con khác thay thế”, ông Và Chá Xà kể.

Chanh leo của người Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong
Chanh leo của người Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong

Những triệu phú trên rẻo cao

Trong cuộc chiến với cây anh túc, cán bộ từ xã đến bản và giáo viên là những người đi đầu, làm gương. Những vạt rẫy ngập đầy cây anh túc, đã được nhổ bỏ để chuyển sang trồng cây mận tam hoa và phát triển chăn nuôi trâu, bò.

“Mưa dầm thấm lâu”, lại thấy nhiều hộ tiên phong xóa bỏ cây anh túc có cuộc sống khá hơn từ chăn nuôi trâu, bò, gà, trồng mận tam hoa… bà con dần nghe và làm theo.

Đến năm 2000, cây anh túc gần như không còn hiện diện trên đất Mường Lống. Thay vào đó là cuộc sống mới no đủ trên mỗi bản làng. Bà con đang tập trung phát triển kinh tế trang trại và chăn nuôi gia súc. Có những hộ nuôi tới 40 con trâu, bò, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, hộ nào ít cũng từ 3 - 5 con, giúp đời sống gia đình luôn ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Ông Vừ Vả Chống dưới tán cây sa mu ngót 20 năm tuổi
Ông Vừ Vả Chống dưới tán cây sa mu ngót 20 năm tuổi

Những năm gần đây, lên miền Tây xứ Nghệ, hẳn nhiều người sẽ lác mắt về gia tài của những “triệu phú” người Mông. Minh chứng như ông Vừ Vả Chống không chỉ được biết đến là triệu phú ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), mà còn là người tiên phong đưa cây pơ mu, sa mu về trồng thành công. Nay, trang trại của ông Chống đã có hẳn một rừng 3ha với 3.000 cây pơ mu, sa mu; 2,5ha chè tuyết shan; đàn bò gần 20 con… với thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), mô hình chăn nuôi trâu, bò của Xồng Bá Dênh (bản Buộc Mú 1), đang được nhiều người học tập. Dênh đã vay vốn mua trâu, bò, khoanh gần 2 ha đồi để chăn thả, trồng 1,6 ha cỏ voi làm thức ăn. Hiện đàn trâu, bò của anh xấp xỉ 20 con, trị giá khoảng 500 triệu đồng.

Ông Vừ Vả Chống (ngoài cùng bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm ươm và trồng cây sa mu và pơ mu cho bà con
Ông Vừ Vả Chống (ngoài cùng bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm ươm và trồng cây sa mu và pơ mu cho bà con

Chủ tịch UBND xã Na Ngo Mùa Bá Giờ có lẽ là người vui nhất. Ông Giờ cười rõ tươi: Nhờ phát triển chăn nuôi và trồng gừng, đời sống của bà con người Mông ở đây đã được nâng lên đáng kể. Xã ta còn có không ít gia đình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi như Xồng Dua Tồng (Buộc Mú 1), Mùa Pà Danh (Kẹo Bắc) trên 30 con trâu, bò; thu nhập từ trồng gừng Xồng Rả Lầu (Buộc Mú 1); Mùa Nỏ Nanh (Pù Khả 2)… Tính trung bình toàn xã, thu nhập hiện tại gần 2 triệu đồng/người/tháng đấy.

Mô hình chăn nuôi ngựa của Thò Bá Vừ ở bản Pà Khốm
Mô hình chăn nuôi ngựa của Thò Bá Vừ ở bản Pà Khốm

Thật mừng, người Mông ở các xã vùng cao Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đã có những bước tiến về sản xuất và đời sống. Những mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, chanh leo, gừng, nuôi gà đen, lợn đen, trồng dược liệu... đã thực sự mang lại hiệu quả cao góp phần đổi thay bộ mặt bản làng vùng biên.

Và, danh sách những “triệu phú” người Mông, theo năm tháng đã dài thêm. Ấy là Xồng Bá Lẩu ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, với mô hình trang trại trồng đào, mận tam hoa, trồng dược liệu, chăn nuôi trâu, bò và con gà đen…; Thò Bá Vừ, Lỳ Nỏ Pó ở bản Pà Khốm (nay là bản Minh Châu) xã Tri Lễ, huyện Quế Phong sở hữu đàn trâu, bò, dê, ngựa hàng trăm con; mô hình trồng chanh leo của Và Bá Ka; chăn nuôi và trồng lúa nước của Và Tổng Sử ở xã Nhôn Mai (Tương Dương)…

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.