Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khi đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được an cư

Thảo Linh - 22:38, 08/06/2024

Để giúp các hộ nghèo người DTTS có một mái ấm nhằm an cư lạc nghiệp, Dự án hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS nghèo thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã tiếp thêm nguồn lực để biến ước mơ của bà con thành hiện thực.

Căn nhà mới của gia đình chị Ma Chao ở xã Tà Hine
Căn nhà mới của gia đình chị Ma Chao ở xã Tà Hine

Đứng trước căn nhà mới của mình, chị Ma Chao, sinh 1988, dân tộc Chu Ru, ở thôn Phú Ao, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng phấn khởi cho biết: “Ngôi nhà mình có diện tích 60m2, rất thuận lợi cho cả gia đình sinh hoạt. Để xây được căn nhà này, năm 2023, gia đình mình đã được Nhà nước hỗ trợ 51 triệu đồng, mình vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Trọng 40 triệu đồng, cộng số tiền tích góp được 20 triệu đồng, số còn lại vay mượn bà con trong dòng tộc gần 90 triệu đồng. Tổng giá trị căn nhà lên tới hơn 200 triệu đồng”.

Nói về cuộc sống gia đình, chị Ma Chao trải lòng, trước đây, gia đình chị ở trong căn nhà lụp xụp rất cực khổ. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa lúc nào đồ đạc trong nhà cũng ẩm ướt. Có những đêm mưa to, gió lớn cả nhà không ngủ được vì chăn mền đều ướt sũng. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào 1 sào ruộng, 2 sào cà phê, quanh năm tất bật đi làm thuê kiếm cái ăn, cái mặc. “Khi được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tiền làm nhà, gia mình ráng thêm nên mới có căn nhà khang trang như thế này. Vợ chồng mình sẽ cố gắng làm ăn, sớm thoát khỏi cảnh khó khăn, túng thiếu này”.

Có nhà mới, tạo động lực để gia đình anh Ya Thuyết vươn lên phát triển kinh tế bền vững
Có nhà mới, tạo động lực để gia đình anh Ya Thuyết vươn lên phát triển kinh tế bền vững

Gia đình anh Ya Thuyết, 37 tuổi, dân tộc Chu Ru ở thôn Chơ Rung có 7 nhân khẩu. Trước đây, cả gia đình chen chúc trong căn nhà chưa đầy 40m2. Nay, được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình đối ứng thêm mới xây dựng được căn nhà rộng 72m2, trị giá trên 200 triệu đồng. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có được căn nhà mới, tạo động lực cho gia đình Ya Thuyết yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.

Trong căn nhà mới hôm nay, Ya Thuyết không dấu nổi niềm vui trên khuôn mặt rám sạm của mình: “Mình chưa khi nào dám nghĩ có ngày được ở trong căn nhà khang trang như thế này. Mọi người trong gia đình ai cũng rất phấn khởi và biết ơn nhiều lắm. Có nhà mới rồi, vợ chồng mình phải cố gắng làm ăn để có tiền trang trải cuộc sống, tạo điều kiện để con cái được ăn học đường hoàng”.

Có thể khẳng định, Chương trình MTQG 1719 với Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở huyện Đức Trọng rất thiết thực và ý nghĩa đối với bà con. Trước khi triển khai Dự án, chính quyền và các đoàn thể trong huyện Đức Trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình MTQG 1719. Nhờ đó, các hộ đồng bào nghèo đã đồng lòng quyết tâm, bắt tay cùng Nhà nước để lo chỗ ăn, chỗ ở cho chính gia đình của mình.

Những căn nhà mới từ Chương trình MTQG 1719 giúp đồng nghèo ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng an cư lạc nghiệp
Những căn nhà mới từ Chương trình MTQG 1719 giúp đồng nghèo ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng an cư lạc nghiệp

Dự án làm nhà cho hộ nghèo cũng đề ra đối tượng cụ thể được hỗ trợ làm mới phải là hộ nghèo trong danh sách hộ nghèo của xã, đang ở nhà tạm, dột nát; tự nguyện tham gia làm mới nhà ở. Dựa trên nguyên tắc "Hộ nghèo tự làm, Nhà nước hỗ trợ"; xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình, địa phương; phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục, tập quán của các dân tộc, vùng miền, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhờ sự đồng thuận, những ngôi nhà mới thuộc Chương trình MTQG 1719 ở huyện Đức Trọng đạt tiêu chuẩn cao. Bình quân mỗi căn nhà mới được xây dựng có diện tích từ 50m2 đến 75m2, với số tiền từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng/căn. Đến nay, Chương trình MTQG 1719 đã xây được 26 căn nhà cho 7 hộ nghèo ở các xã Tà Hine (7 căn), Tà Năng (11 căn) và Đa Quyn (8 căn). Qua rà soát đánh giá của các địa phương này, đến nay, các hộ nghèo trong xã cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở.

Bà Ma Vương Nai Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine cho biết: “Xã chúng tôi có 1.069 hộ, với 4.176 khẩu, trong đó DTTS chiếm trên 80% dân số toàn xã, chủ yếu là dân tộc Chu Ru và Cơ Ho. Nhờ Chương trình MTQG 1719 đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở Tà Hine có một mái ấm, giúp bà con ăn, ở và sinh hoạt thuận lợi. Trong quá trình triển khai Chương trình đã có sự giám sát chặt chẽ, nhiều hộ dân tự bỏ công sức để xây dựng nhà nên các căn nhà đảm bảo chất lượng, diện tích, thẩm mỹ, đảm bảo tốt chỗ ăn, chốn ở cho người dân”.

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.