Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Khi gà được đeo kính và có "cung tẩm" riêng

Giang Lam - 16:33, 04/08/2023

Cách đây 5,6 năm, câu chuyện chị Hà Thị Thuật (dân tộc Tày), tổ dân phố Vĩnh Thiện, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) mua hàng nghìn chiếc kính về đeo cho các chú gà trống đã trở thành chuyện lạ khiến bao người tò mò. Nay chị lại gây bất ngờ khi đầu tư thêm 1 trang trại gà trống thiến nằm khuất sâu tại thôn Tân Lập, xã Trung Hòa. Chị vui vẻ gọi đó là “gà thái giám”. Bởi lẽ, nuôi gà này cần có một khu biệt lập riêng, ví như “cung tẩm” rộng rãi, tránh xa ồn ào, dịch bệnh.

Trang trại gà của chị Hà Thị Thuật tại thôn Tân Lập, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa).
Trang trại gà của chị Hà Thị Thuật tại thôn Tân Lập, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa).

“Cái gì không biết thì tra google”

Chị Hà Thị Thuật là người khá năng động, luôn tự tìm tòi học hỏi từ internet về kiến thức kinh nghiệm chăn nuôi. Chị bảo, không phải là cứ không hiểu cái gì là lên mạng gõ tìm kiếm, đọc rồi tin và làm theo đâu. Mà phải biết chọn lọc thông tin, tìm những trang web, trang báo chính thống để học hỏi thì mới chuẩn được.

Đầu năm 2019, chị Thuật tìm được bí quyết trên các trang báo cách hạn chế gà trống hiếu chiến, “hăng máu” đánh nhau, đó là đeo kính cho gà. “Nghe thật vô lý, cứ cái gì cũng theo trên mạng thì thành trò cười đấy!”, anh Hoàng Văn Thực - chồng chị ngăn cản. Thế nhưng thấy sự quyết tâm của chị Thuật, anh Thực cũng phải lắc đầu ngao ngán nhìn vợ mang gần 1.000 chiếc kính về đeo cho các chú gà trống.

Kính cho gà mua với giá 300 đồng/chiếc, có thể sử dụng lâu dài, chi phí rất nhỏ nhưng hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Những chiếc kính nhỏ xíu màu đỏ, làm bằng nhựa được đeo cho gà khiến chúng không thể thấy rõ nhau, không còn "tức nhau tiếng gáy" để “chạnh chọe” nhau nữa, giảm thiệt hại do “đánh nhau”. Lúc đó chồng chị mới thừa nhận, từ khi đeo kính cho gà, chúng không đánh nhau tranh giành ăn, uống nữa nên gà lớn nhanh hơn.

Chị Thuật là người đầu tiên nuôi gà ở huyện Chiêm Hóa đưa cách làm này về áp dụng. Nhiều chủ trang trại gà trong huyện đến với chị phần lớn vì tò mò, sau đó thấy hiệu quả thì áp dụng ngay.

Chị Hà Thị Thuật.
Chị Hà Thị Thuật.

Từ trên mạng internet chị còn học hỏi được những kiến thức chăn nuôi gà đúng quy trình. Hơn chục năm nay chị trở thành một khách hàng thân thiết của Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Chị bảo, chăn nuôi hay kinh doanh gì cũng phải biết rõ nguồn gốc sản phẩm thì mới đảm bảo an toàn được. Chị mạnh dạn vào trang Web của Trung tâm rồi gọi điện đặt mua giống trực tiếp. Dẫu kinh phí vận chuyển hàng nghìn con gà từ Hà Nội về khá tốn kém nhưng chị yên tâm lắm. Bởi gà giống đạt chuẩn, nguồn gốc rõ ràng, được tiêm vắc xin đầy đủ, ít bệnh tật, lớn nhanh.

Câu chuyện tự học của chị Thuật khiến nhiều người ngưỡng mộ. Chị thường xuyên đăng ký các khóa học online về chăn nuôi, tích cực xem video chia sẻ, dạy cách chăn nuôi của các chuyên gia, kinh nghiệm từ chủ trang trại gà. Từ đó đúc rút cách làm của riêng mình. Chị bảo vừa được học, vừa được thực hành ngay, rồi hằng ngày cập nhật kiến thức thì không bao giờ thấy mình tụt hậu được. Làm gì thì mình cũng làm chủ kiến thức thì phần thắng là nắm chắc trong tay rồi. Đó là bí quyết nuôi gà “bất bại” của chị Thuật.

“Cung tẩm” của những chú “gà thái giám”

Bên cạnh nuôi gà trống, chị Hà Thị Thuật còn đầu tư thêm một trang trại khác tại thôn Tân Lập, xã Trung Hòa để chăm sóc 500 con gà trống thiến. Phải nể lắm, chị mới cho tôi vào khu trang trại bởi chỉ còn ít ngày nữa là lứa gà xuất chuồng mà dính dịch cái thì công sức chăm mấy tháng coi như đổ sông, đổ biển. Thấy tôi mê mải nhìn những con gà đẹp như công, như phượng đang khoan thai tắm nắng ngoài vườn chị tự hào lắm!

Chị bảo, một con gà thiến đạt chuẩn được gọi là “thiến chọi” phải lấy được hết cả hai phần tinh hoàn không được để sót. Sau thời gian chăm sóc đặc biệt, chúng có hình dạng rất dễ nhận ra, mào co, tích rụt, cánh trai trai, lông đuôi cong dài, trọng lượng 3 - 4 kg. Để giữ chữ tín bền lâu, cứ định kỳ chị lại làm thịt một con để tự đánh giá kiểm định, chất lượng, phải chính mình cảm nhận ngon thì mới tự tin xuất ra thị trường chứ! Chị Thuật chia sẻ.

Nhiều người thắc mắc tại sao chị có hẳn một trang trại nhỏ xinh ở gần nhà ngay thị trấn Vĩnh Lộc nhưng lại đầu tư thêm một trang trại riêng ở cách xa khu dân cư như thế này. Chị bảo, gà sau khi thiến thường bớt hung hăng, hiếu động hơn nên ăn rất khỏe và dễ tăng cân. Hơn nữa giá trị một con gà trống thiến bằng hai con gà thường. Nhận thấy nguồn lợi từ nuôi gà trống thiến nên chị quyết tâm đầu tư để phát triển giống gà này. Nuôi gà thiến tốt nhất là có một khu biệt lập, những “thái giám” gà có “cung tẩm” riêng sẽ phát triển tốt, tránh dịch bệnh.

Cũng như nuôi các loại gà khác, gà thiến do chị đích thân mua giống ở Viện Chăn nuôi. Và chị tự tay thiến gà, tiêm và uống vắc xin đầy đủ. Bên cạnh đó, chị nuôi gà theo hướng sinh học cho thịt chắc và thơm ngon. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô, chị còn bổ sung thêm thức ăn xanh, gà được chăn thả trong khu trang trại rộng nên thức ăn phụ từ côn trùng cũng giúp tăng cường dinh dưỡng.

Theo chị Thuật, quy trình chăm gà tỉ mỷ và khá kỳ công, nếu trong tháng đầu gà ăn bằng cám để “bật lực” thì những tháng sau cần bổ sung thêm ngô, lúa, sắn… Đặc biệt, để gà có thịt thơm ngon, trước hai tháng xuất chuồng, chị cho đàn gà ăn hoàn toàn bằng bột ngô trộn cám lợn.

Công việc suốt từ sáng đến chiều tối của chị Thuật là quẩn quanh với đàn gà hơn 1.000 con ở hai trang trại.
Công việc suốt từ sáng đến chiều tối của chị Thuật là quẩn quanh với đàn gà hơn 1.000 con ở hai trang trại.

Công việc suốt từ sáng đến chiều tối của chị Thuật là quẩn quanh với đàn gà hơn 1.000 con ở hai trang trại. Thêm một bí quyết nữa là chị thường nuôi gà gối vụ, cứ 3 tháng chị cho xuất chuồng một lần và gối thêm một lứa gà giống, cứ tuần hoàn đều đặn vậy nên quanh năm trang trại của chị đều có gà cung cấp thị trường. Mỗi năm chị thu nhập được 200 triệu đồng từ chăn nuôi gà.

Bên cạnh học hỏi trên mạng internet, chị Thuật cũng là một nông dân biết tận dụng lợi thế của mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của trang trại. Chị biết cách chụp hình, quay video bán gà, đăng status mỗi ngày để nhiều khách tìm mua. Nhiều năm nay mô hình chăn nuôi gà của chị Hà Thị Thuật là điểm đến của nhiều người chăn nuôi đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Chị Trần Thị Sáu, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa cho biết, chị Thuật là người khá nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giúp cho gia đình vượt qua mọi khó khăn và từng bước vươn lên làm giàu, nhiều hội viên trong và ngoài xã đến tham quan học hỏi đều được chị giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.