Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả nuôi gà xương đen ở Bản Cưởm

Lê Hải - 17:01, 14/05/2023

Gà xương đen là giống gà đặc sản của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang, tuy nhiên giống gà này chưa được người dân chăn nuôi rộng rãi. Là người tiên phong phát triển chăn nuôi mô hình gà xương đen đầu tiên ở Bản Cưởm, xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang), chị Vi Thị Ngoan đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và là nguồn cung cấp gà xương đen cho các nhà hàng, khách sạn vùng Cao nguyên đá phục vụ khách du lịch.

Chuồng trại chăn nuôi gà xương đen của chị Vi Thị Ngoan.
Chuồng trại chăn nuôi gà xương đen của chị Vi Thị Ngoan

Ở khu đồi rậm, thôn Bản Cưởm 2, xã Ngọc Đường có hàng trăm con gà xương đen được chăn nuôi. Chủ nhân mô hình, chị Vi Thị Ngoan vui vẻ giới thiệu, đây là giống gà quý có đặc điểm thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam.

Chị Ngoan chia sẻ cơ duyên biết đến và bắt đầu nuôi giống gà xương đen từ năm 2022. “Ban đầu nhà tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa biết đến giống gà xương đen này, sau khi được chính quyền địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội Nông dân xã tuyên truyền tôi mới biết đến giống gà xương đen và được hỗ trợ phát triển mô hình từ nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật”.

Theo chị Ngoan, gà xương đen rất dễ nuôi, ít bệnh tật và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với gà nuôi thông thường. Gia đình chị Ngoan đã đầu tư 3 gian chuồng để chăn nuôi gà, với chi phí khoảng 60 triệu đồng, 15 triệu đồng tiền con giống.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường, chị Ngoan dùng đệm lót sinh học để khu chuồng trại sạch sẽ, không mùi. Cách làm đệm lót sinh học là dùng men sinh học trộn đều với trấu để lót chuồng gà, cứ khoảng 2 tuần thì thay đệm lót 1 lần. Thức ăn cho đàn gà chủ yếu là ngô, khoai, sắn và các phụ phẩm từ nông nghiệp. Còn kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn gà được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang hướng dẫn, đến nay gia đình chị đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc đàn gà theo từng giai đoạn, nhất là cách phòng bệnh cho đàn gà.

Khi mới bắt đầu nuôi, đàn gà giống được khoảng 3 ngày tuổi, sau 4 tháng, đàn gà lớn nhanh, phát triển tốt, trọng lượng đạt từ 1,5 - 2 kg trở lên/con, lúc này gà mái bắt đầu đẻ trứng, xuất bán gà thịt là chất lượng ngon nhất. Khi xuất bán lứa gà đầu tiên 500 con, với giá bán 160.000 đồng/kg, cao hơn so với giống gà nuôi thả vườn khác, chị Ngoan đã quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi với quy mô 700 con gà thương phẩm.

Nhờ chăn nuôi gà gối lứa, một năm, gia đình chị Ngoan xuất chuồng được 3 lứa gà, thu nhập trên 200 triệu đồng. Đến nay gia đình chị Ngoan đã chăn nuôi đàn gà lên đến 1.000 con, khách hàng đến tận nhà mua cả đàn gà, cung không đủ cầu. Gà thương phẩm nhà chị chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách sạn ở các huyện vùng Cao nguyên đá mua về để chế biến thành các món ăn đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch.

Đến nay, hiệu quả của mô hình đã đem lại thu nhập khá cho gia đình chị Ngoan. Nhiều người dân trong thôn đã đến học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gà của gia đình chị để về áp dụng. Việc gia đình chị Ngoan cùng người dân đưa gà xương đen về địa phương chăn nuôi rồi phát triển như hiện nay cho thấy đây là hướng đi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.