Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Khi hương ước được phát huy ở Tỏa Tình

Hương Chi – Vũ Lợi - 16:48, 20/09/2021

Nhiều năm liên tục, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên luôn đi đầu về bảo đảm an ninh trật tự. Có được điều đó là nhờ tác dụng tích cực của hương ước thôn bản. Với sự thưởng, phạt công minh và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hương ước đã trở thành sợi dây kết nối mọi người trong bản với nhau cùng đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, mang lại sự yên bình cho thôn bản.

Người dân xã Tỏa Tình ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)
Người dân xã Tỏa Tình ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19)

“Thành trì” bảo vệ thôn bản

Nói về vai trò của hương ước trong cộng đồng dân tộc Mông ở bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình, ông Lầu Chứ Só, Người có uy tín của bản cho biết: Mặc dù trong hương ước có nêu rõ các chương, các điều, nghe có vẻ khô cứng, nhưng thực tế nội dung của nó đã được “mềm hóa” nên rất gần gũi với cuộc sống của bà con. Đó là những lời khuyên, nhắc nhở, răn dạy mọi người về cách ứng xử hàng ngày với nhau; tuân thủ những quy định chung của bản.

Bản thân ông Só đã nhiều lần được tham gia điều chỉnh, bổ sung các quy định trong hương ước để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của bản. Chẳng hạn như  quy định về việc nuôi nhốt, chăn dắt trâu bò, trong hương ước quy định rõ là, trâu bò không được thả rông mà phải nhốt riêng biệt bằng chuồng và cách xa chỗ ở để giữ giữ vệ sinh…

Ông Só nhớ lại: Cách đây gần 20 năm, ma túy bắt đầu tràn về vùng núi này, tấn công vào nhiều bản làng. Bản Hua Sa B khi đó có nhiều người nghiện ma túy, tình trạng nghiện hút, buôn bán, tái trồng cây thuốc phiện diễn biến phức tạp… Khi đó, hương ước của bản được bổ sung quy định: “Các gia đình không được để con em nghiện, không tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, không trồng cây thuốc phiện. Nếu gia đình nào có người bị nghiện ma túy, phải tự cai, không được làm phiền xã hội và phải nộp phạt bằng tiền nếu trồng cây thuốc phiện…”.

Hay trong hương ước có điều quy định cụ thể: “22 giờ 30 hằng ngày, sau khi có tiếng kẻng vang lên, các hoạt động của các gia đình trong bản gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác đều phải dừng lại. Đây là cách để giữ bình yên cho mọi người, kiểm soát được người xấu vào bản làm những điều không tốt”.

Các quy định trong hương ước được thông qua cuộc họp dân bản. Đại diện các gia đình nhất trí ký hoặc điểm chỉ vào để thực hiện. Qua nhiều năm tuyên truyền, vận động thực hiện, người dân đều hiểu và nghiêm túc chấp hành. Những người nghiện ma túy đã tự nguyện đi cai nghiện, hoặc tuân thủ việc uống thuốc methadone… Nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây, bản Hua Sa B không phát sinh người nghiện ma túy mới, không còn đối tượng mua bán, tàng trữ chất ma túy. Các gia đình luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Nghiêm túc thực hiện

Từng là địa bàn có nhiều tệ nạn xã hội và người nghiện ma túy, vi phạm pháp luật, nhưng đó là ở quá khứ. Hôm nay, Tỏa Tình đã trở thành một vùng cao yên bình.

Lực lượng chức năng phối hợp với cán bộ thôn bản tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật và quy định hương ước
Lực lượng chức năng phối hợp với cán bộ thôn bản tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật và quy định hương ước

Ông Lầu A Dùa, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: Hiện nay, 7/7 bản trong xã đều đã có hương ước. Việc thực hiện các quy định của hương ước đều được UBND xã chỉ đạo, giám sát các bản thực hiện nghiêm túc. “Bà con DTTS nơi đây luôn đặt danh dự lên hàng đầu, vì thế rất ít người vi phạm các điều đã được quy định trong hương ước. Các cá nhân nào vi phạm các điều lệ đều bị phê bình, cảnh cáo, nêu tên trên loa phát thanh của bản. Nếu vi phạm nghiêm trọng, cá nhân đó sẽ bị chính quyền địa phương đề nghị xử lý theo pháp luật. Ngược lại, nếu thực hiện tốt hương ước, bà con sẽ được bình bầu và ghi vào "sổ vàng" của bản, đề nghị lên xã để tuyên dương, khen thưởng" Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết.

Để hương ước phù hợp với thực tiễn, hằng năm, các bản đều mời già làng, trưởng bản, Người có uy tín, đại diện các dòng họ… tham gia họp bàn và đưa ra các ý kiến bổ sung, sửa đổi hương ước. Sau khi thống nhất về các điều lệ bổ sung, mọi người cùng nhau ký vào bản hương ước dự thảo và chuyển lên các cấp chính quyền cao hơn phê duyệt. Do được bổ sung, sửa đổi hằng năm nên hương ước tại các bản làng luôn đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.