Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển vùng DTTS

Ngọc Chí - 06:04, 12/12/2023

Từ chủ trương, giải pháp mà huyện Đăk Glei (Kon Tum) đang thực hiện qua việc tổ chức các chợ phiên, giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có cơ hội kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và gia súc. Qua đó giúp đồng bào DTTS thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Các hộ dân giới thiệu những con bò muốn bán đến với khách hàng tại Chợ phiên
Các hộ dân giới thiệu những con bò muốn bán đến với khách hàng tại Chợ phiên

Huyện biên giới Đăk Glei có hơn 87% là đồng bào DTTS sinh sống, với điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng thuận lợi, người dân trên địa bàn huyện đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững. Toàn huyện hiện có tổng đàn gia súc hơn 30.400 con.

Đắk Glei được thiên nhiên ưu đãi, trên địa bàn có rất nhiều loài dược liệu quý hiếm, giá trị kinh tế cao, như: Sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy, sa nhân, ba kích, kim tuyến, cu ly, sơn tra, ngọc cẩu; sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm đặc trưng, như: Cà phê, mắc ca, gạo, rau, củ, quả các loại, măng le, mật ong…

Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum, địa hình phức tạp, chia cắt, khiến huyện Đăk Glei gặp nhiều khó khăn trong giao lưu hàng hoá. Nhằm giúp đồng bào DTTS có cơ hội kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và gia súc, huyện Đăk Glei đã tổ chức Chợ phiên đã giúp cho đồng bào DTTS ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có cơ hội được quảng bá, giới thiệu và bán các loại sản phẩm đặc trưng của huyện đến với các doanh nghiệp và du khách

Mới đây, nằm trong chuỗi các hoạt động của Chợ phiên dược liệu, gia súc và các sản phẩm OCOP năm 2023, huyện Đăk Glei đã tổ chức trình diễn, kết nối gia súc địa phương. Tham gia hoạt động này có 12 xã, thị trấn đã giới thiệu đến khách hàng, du khách 24 con bò khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng con giống, nguồn thực phẩm sạch và an toàn với người tiêu dùng.

Các hộ dân lựa chọn những con bò đẹp nhất mang đến Chợ phiên
Các hộ dân lựa chọn những con bò đẹp nhất mang đến Chợ phiên

Anh A Vin (dân tộc Gié Triêng) ở xã Đăk Pék, chia sẻ: Đến với Chợ phiên thì gia đình có giới thiệu để bán 1 con bò. Đến đây thấy nhộn nhịp lắm, nhiều người đến xem và hỏi mua, giá cả thì hợp lý theo giá thị trường. Qua tham gia Chợ phiên, mình hiểu hơn về việc mua bán gia súc, trước đây thì cứ bán cho thương lái thì không được giá cao.

Ngoài việc kết nối mua bán trực tiếp tại Chợ phiên, huyện Đăk Glei còn thành lập nhóm Zalo để các hộ dân ở các xã vùng sâu, vùng xa có nhu cầu bán gia súc, thì đăng thông tin trực tiếp lên nhóm để trao đổi và thống nhất giá bán. Thông qua hoạt động kết nối, sau 2 ngày diễn ra Chợ phiên các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã bán được hơn 50 con gia súc , với số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Sâm Ngọc Linh do đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei trồng luôn thu hút sự quan tâm của khách hàng khi đến Chợ phiên
Sâm Ngọc Linh do đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei trồng luôn thu hút sự quan tâm của khách hàng khi đến Chợ phiên

Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Đăk Man, huyện Đăk Glei chia sẻ: Thông qua hoạt động trình diễn, kết nối gia súc địa phương, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh kết nối với hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện nói chung, trên địa bàn xã Đăk Man nói riêng trong việc tiêu thụ gia súc, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Tương tự, chị Y Liên (dân tộc Xơ Đăng) ở xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei chia sẻ: Gia đình hiện có trồng sâm Ngọc Linh. Hôm nay, đến với Chợ phiên do huyện tổ chức, gia đình cũng đưa sâm Ngọc Linh đến trưng bày và bán cho du khách. Đến đây thì mình được hiểu thêm về việc kết nối với các doanh nghiệp, hiểu về cách bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội. Việc tham gia chợ phiên này rất bổ ích.

Đồng bào DTTS huyện Đăk Glei phấn khởi khi được giới thiệu những sản phẩm đặc trưng đến với khách hàng
Đồng bào DTTS huyện Đăk Glei phấn khởi khi được giới thiệu những sản phẩm đặc trưng đến với khách hàng

Với hơn 40 gian hàng tham gia Chợ phiên được thiết kế và trang trí mang nét riêng của từng địa phương, giới thiệu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, dược liệu đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến mua sắm.

Ông Nguyễn Công Hoàn đến từ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Chợ phiên có rất nhiều mặt hàng, từ nông sản cho đến các loại dược liệu và gia súc. Được tổ chức rất là hoành tráng và đẹp. Đến đây thì được mua các loại dược liệu quý và giá cả thì cũng hợp lý, bà con bán hàng cũng rất thân thiện.

Hàng ngàn người đến mua sắm và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Chợ phiên dược liệu, gia súc và các sản phẩm OCOP huyện Đăk Glei
Hàng ngàn người đến mua sắm và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Chợ phiên dược liệu, gia súc và các sản phẩm OCOP huyện Đăk Glei năm 2023

Việc tổ chức Chợ phiên dược liệu, gia súc và các sản phẩm OCOP nhằm tạo cơ hội cho các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các tỉnh, thành lân cận gặp gỡ, tìm hiểu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc hữu, nhất là các sản phẩm về dược liệu và gia súc trên địa bàn huyện Đăk Glei. 

Ngoài ra, cũng có các doanh nghiệp ở Hàn Quốc họ tìm đến Chợ phiên để tìm hiểu các mặt hàng dược liệu, bà con rất là phấn khởi. "Thông qua Chợ phiên sẽ giúp thay đổi nếp nghĩ của đồng bào DTTS, từ hình thức gia súc là tài sản sang gia súc là hàng hoá để bán và chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển các loại cây dược liệu", bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết thêm.

Cùng với đó, huyện Đăk Glei mong muốn, thông qua Chợ phiên sẽ tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế hộ gia đình, trao đổi, mua bán hàng hóa để tăng thu nhập, góp giảm nghèo bền vững và xây dựng huyện Đăk Glei ngày một phát triển. 

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.