Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Khi Người có uy tín là phụ nữ: Rộn rã bản Xiềng (Bài 2)

Phạm Việt Thắng - 06:27, 08/10/2022

Nói đến bản Xiềng, người ta nghĩ ngay đến làng du lịch cộng đồng Pha Lài và cũng là làng dệt thổ cẩm nức tiếng ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An). Ở đó, có một người dù đã hưu trí nhưng vẫn không ngơi nghỉ, vẫn say sưa cùng bà con để làm nên một bản Xiềng ngày càng phát triển. Ấy là bà Ngân Thị Hà - Người có uy tín của bản.

Người có uy tín Ngân Thị Hà: “Bây giờ mới có điều kiện để trả nợ cho bản Xiềng”
Người có uy tín Ngân Thị Hà: “Bây giờ mới có điều kiện để trả nợ cho bản Xiềng”

Trả nợ cho bản

Con đường từ trung tâm huyện về bản Xiềng luôn tấp nập xe cộ. “Người ta đi du lịch Pha Lài đấy” – anh cán bộ văn hoá huyện Con Cuông hãnh diện nói với tôi. Cũng là lời anh cán bộ huyện: Từ ngày có khu du lịch Pha Lài, bản Xiềng đã đổi thay từng ngày. Đêm đêm, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã như mời gọi du khách muôn phương. Những điệu múa, những bài dân ca bản địa cùng với men rượu cần, đã làm du khách phải ngất ngây.

Người có uy tín của bản Xiềng Ngân Thị Hà đón chúng tôi từ đầu bản. Bà Hà có nét mặt rất phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm. Tôi đưa ra nhận xét, chị có giọng nói thế này thì ai mà chả nghe theo. Bà Cười rõ tươi: Tôi nguyên là Chủ tịch xã Môn Sơn, được nghỉ hưu nhưng thấy mình còn có sức khoẻ, xung phong ứng cử chức Chủ tịch Hội người cao tuổi. Rồi năm 2014, bà con lại tin tưởng bầu làm Người có uy tín của bản. Bà con đã tin thì mình phải gắng hết sức để không phụ họ. “Bao nhiêu năm trời, lúc trẻ thì lo học hành, lớn lên được làm cán bộ, tôi chưa có thời gian cống hiến riêng cho bản, nay được nghỉ, tôi muốn dành trọn thời gian còn lại của mình để trả nợ cho bản Xiềng”,  Người có uy tín Ngân Thị Hà tâm sự.

Bà Hà khiêm tốn khi nói về mình: Thực ra, tôi chỉ là người phối hợp để vận động nhân dân thực hiện tốt mọi phong trào của bản, còn công lớn là của chi bộ, ban cán sự và các đoàn thể, nhất là tinh thần của bà con trong bản, đặc biệt là cháu Vi Thị Thắm, người hết lòng vì du lịch Pha Lài. Được cái, mình được học hành, được đi đây đi đó, có nhiều thông tin hơn nên nói năng thuyết phục hơn thôi. Ngay như khi có chủ trương làm du lịch cộng đồng, nhiều gia đình còn rất bỡ ngỡ, họ chưa hiểu homestay là gì; hoặc khi đã làm du lịch cộng đồng thì không chỉ có các chủ hộ homestay, mà cả bản phải cùng đồng lòng, nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường, học cách ứng xử, giao tiếp…

Nghề dệt thổ cẩm đã được phục hồi ở bản Xiềng
Nghề dệt thổ cẩm đã được phục hồi ở bản Xiềng

Mình phải đi từng nhà, dự các cuộc họp để nói cho bà con hiểu. Mà muốn bà con nghe thì và các thành viên gia đình mình phải gương mẫu làm trước. Bất kỳ ai có thắc mắc hoặc cần trợ giúp, mình phải lập tức có mặt. Không là chủ hộ homestay, thì bà con có thể trồng rau sạch, chăn nuôi sạch để cung cấp hậu cần, nam giới thì chèo đò, nữ giới tham gia các đội văn nghệ… “Có lợi ích thiết thực, bà con ta hưởng ứng ngay” – bà Hà tỏ ra rất vui.

Phục hồi làng nghề

Phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm của bản Xiềng đã được bà Hà ấp ủ từ lâu. Ngặt là những người thạo nghề thì hoặc già yếu, hoặc đã qua đời, trong lúc lớp trẻ thì từ lâu đã “tây hoá” về trang phục nên các cháu không còn mặn mà với thổ cẩm. Người có uy tín Ngân Thị Hà lại cùng với các thành viên bản quản trị Hợp tác xã ngược xuôi để tìm các nghệ nhân truyền nghề. Chưa hết, khung dệt ở đâu, ai còn cất giữ “báu vật” ấy? Các mẫu hoa văn, có ai còn nhớ? Rồi màu sắc của từng mẫu hoa, từng sản phẩm, rồi đầu ra của sản phẩm…Đó là chưa kể, các hộ dân có mặn mà với nghề truyền thống của cha ông nữa không? “Phải gỡ từng khâu, từng nút thôi, cứ miệt mài ắt sẽ có kết quả” -Bà Hà quả quyết.

Du lịch cộng đồng ở bản Xiềng đã góp phần nâng cao đời sống của bà con
Du lịch cộng đồng ở bản Xiềng đã góp phần nâng cao đời sống của bà con

Rồi những khăn, những váy, áo, túi thổ cẩm sặc sỡ ra đời. Ngoài khách du lịch mua làm quà lưu niệm, HTX dệt thổ cẩm còn tiếp thị tận Hà Nội và trưng bày sản phẩm trong các phiên chợ Mường Quạ. Bản Xiềng được công nhận là bản có nghề, bà con lại háo hức hơn. “Đêm bản Xiềng rộn rã tiếng dệt vải, ai cũng lâng lâng một niềm vui” – Người có uy tín Ngân Thị Hà nhớ lại. 

Bà Hà lại rất khiêm tốn: Nghề dệt thổ cẩm chưa thể làm cho bản Xiềng trù phú, nhưng đã đem lại cho bà con một khoản thu nhập ổn định trong những ngày nông nhàn, người dân luôn có việc làm, không lãng phí thời gian. Cùng với du lịch, dệt thổ cẩm, đời sống của bà con đã dược nâng lên rõ rệt. Theo chuẩn mới, thì hộ nghèo của bản chỉ còn 25/187 gia đình, và con số này sẽ còn giảm mạnh trong năm sau.

Tiễn chúng tôi ra đến đầu bản, Người có uy tín Ngân Thị Hà không quên khoe: bản Xiềng đã được công nhận làng nghề và là bản nông thôn mới rồi đó.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.