Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Nữ già làng kế tục sợi dây truyền thống ở Pa Tầng

Khánh Ngân - 10:01, 28/04/2022

Khi ở tuổi 67, bà Hồ Thị Phuôn ở bản Pa Tầng, xã Đa Krông (huyện Đa Krông, Quảng Trị) chính thức nhận sợi dây truyền thống kế tục từ người chồng làm già làng. Phần đông người Bru Vân Kiều ở Pa Tầng tín nhiệm bà, nhưng cũng không ít người lo lắng, sợ bà không kham nổi trọng trách này.

Từ ngày bà Hồ Thị Phuôn làm già làng ở Pa Tầng, những ngôi nhà sàn kiên cố được dựng lên ngày một nhiều, nhiều mô hình sản xuất mới cũng được triển khai
Từ ngày bà Hồ Thị Phuôn làm già làng ở Pa Tầng, những ngôi nhà sàn kiên cố được dựng lên ngày một nhiều, nhiều mô hình sản xuất mới cũng được triển khai

Đưa dân bản thoát khỏi hủ tục

Từ xưa đến nay, sợi dây truyền thống kế tục già làng của người Bru Vân Kiều, là sự tiếp nối trong cùng một huyết thống, là cha truyền con nối. Thế nhưng, cách đây 7 năm trong một cuộc họp bàn, người Bru Vân Kiều lại phá lệ chọn bà Hồ Thị Phuôn, kế tục chồng làm già làng, với mong muốn Pa Tầng ngày càng khởi sắc.

Bà Phuôn giới thiệu sợi dây chuyền kế tục già làng từ trước đến nay chỉ trao cho người cùng huyết thống, và là đàn ông đảm nhiệm
Bà Phuôn giới thiệu sợi dây chuyền kế tục già làng từ trước đến nay chỉ trao cho người cùng huyết thống, và là đàn ông đảm nhiệm

Bà Hồ Thị Phuôn kế tục già làng vào đúng dịp tháng 4 âm lịch, năm 2015, khi người Bru Vân Kiều làm lễ cúng thần linh. Sau bao nhiêu năm hỗ trợ chồng là già làng Hồ Văn Thọ (đã qua đời), những nghi lễ cúng Giàng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, người dân làm ăn thuận lợi, sức khỏe bình an như đã ngấm vào máu…nên khi làm lễ, già Phuôn thực hiện một cách bài bản, linh thiêng. Đó là dấu ấn, là niềm tin đầu tiên mà già làng Phuôn gieo vào tâm trí của người Bru Vân Kiều ở Pa Tầng.

Để tăng thêm niềm tin cho người dân, bà Hồ Thị Phuôn lại bền bỉ đi từng nhà vận động các cháu đến trường đúng độ tuổi. Những em bỏ học, được già vận động trở lại trường để học con chữ. 

Trong xây dựng cuộc sống, già còn kiên trì vận động bà con từ bỏ một số thói quen xấu như, uống rượu, cờ bạc, bỏ bê ruộng vườn; Già dùng chính gia đình mình để làm gương, dạy các con cháu đoàn kết, yêu thương nhau, sinh hoạt nền nếp, cố gắng học tập, lao động, đi đầu trong mọi hoạt động, công việc của bản làng... nên bà con đã tin tưởng, nghe lời từ bỏ những thói quen xấu, thay vào đó, người dân tập trung lao động sản xuất nên những triền đồi được phủ đầy ngô sắn.

Trong ngôi nhà sàn sạch sẽ, già Phuôn tâm sự: Ngày mới được bà con tin tưởng giao cho làm già làng, miềng (mình - pv) vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được dân làng tin tưởng, nhưng lo vì trách nhiệm nặng nề làm sao cho bản ngày càng khởi sắc.

Trải qua 7 năm, "cái bụng" trong như nước suối đầu làng, nên tiếng nói của bà Phuôn rất có trọng lượng, dân làng từ già đến trẻ tất thảy đều tin tưởng nghe theo lời bà sống thuận hòa, ấm êm, cùng nhau xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.

Già Phuôn vẫn bền bỉ đi để cùng người Bru Vân Kiều ở Pa Tầng thoát nghèo
Già Phuôn vẫn bền bỉ đến từng nhà để vận động người Bru Vân Kiều ở Pa Tầng thoát nghèo

Cùng người Bru Vân Kiều thoát nghèo

Năm nay, bước sang tuổi 74, đôi chân già làng Hồ Thị Phuôn vẫn nhanh nhẹn để đi khắp bản Pa Tầng để cùng người Bru Vân Kiều trao đổi, tìm cách làm giàu.

Với quan điểm rất đơn giản, trước hết mình phải nói được làm được thì bà con mới tin. Bắt đầu từ những việc làm cụ thể, như phát quang cây cối để mở rộng diện tích đất sản xuất. Chăn nuôi thêm con trâu, con bò... cứ thế, đời sống gia đình bà Phuôn ngày càng no đủ. Gia đình già, cũng là hộ đầu tiên ở Pa Tầng trồng cây lúa nước, có gạo để ăn no nên từ đó mọi thứ tốt lên.

Thấy gia đình già Phuôn lao động sản xuất giỏi, gia đình không có tệ nạn cờ bạc, rượu chè nên gia đình lúc nào cũng đầm ấm. Nhiều gia đình người Bru Vân Kiều cứ thế làm theo. Phong trào trồng trọt, chăn nuôi ở bản Pa Tầng theo đó cũng phát triển mạnh. Nhiều mô hình như nuôi gà, nuôi trâu, bò cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi phục vụ đời sống, người Bru Vân Kiều ở Pa Tầng còn sản xuất để bán.

Ở Pa Tầng có 100 hộ Bru Vân Kiều, thì đến nay đã không còn hộ nào phải thiếu đói, hầu như hộ nào cũng có ti vi, xe máy…

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Krông cho biết:“Xã có 8 thôn nhưng hiện nay ở Pa Tầng là một trong những thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn xã. Đời sống Nhân dân có bước phát triển ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bà Phuôn thực sự là ngọn đuốc dẫn đường của bản Pa Tầng. Người dân địa phương rất tự hào về người nữ già làng này”.

Cùng với già làng Hồ Thị Phuôn, ở Quảng Trị hiện có hơn 190 Người có uy tíntrong đồng bào DTTS, trong đó có nhiều người là nữ. Họ đảm nhận vai trò kết nối khối đoàn kết trong bản làng, trong dòng tộc. Họ Là cầu nối hài hòa giữa luật tục và pháp luật là hạt nhân hòa giải các vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.

Người có uy tín, già làng, trưởng bản, đã phát huy tốt vai trò làm gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động dân làng, dòng tộc, người thân xóa bỏ dần các hủ tục cũng như gìn giữ, trao truyền những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông.