Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Khi U50 đi học “vỡ lòng”

Song An - 16:39, 29/03/2023

Tờ mờ sáng mang gùi lên nương, đêm đến lại tất tưởi sách, bút tới lớp. Hơn nửa cuộc đời “bán mặt” cho cây ngô, cây lúa, giờ đây nhiều bà con người DTTS ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) mới lại bập bẹ học từng chữ cái, âm, vần…

Vợ chồng bà Lò Thị Phượng và ông Tòng Văn Tiên hỗ trợ nhau học chữ.
Vợ chồng bà Lò Thị Phượng và ông Tòng Văn Tiên hỗ trợ nhau học chữ

Vợ chồng đồng lòng học chữ

Rời nương về nhà khi trời đã nhập nhoạng, vợ chồng bà Lò Thị Phượng (56 tuổi), bản Na Cai, xã Luân Giói (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) chỉ kịp ăn vội bát cơm nguội. Cả 2 tất bật chuẩn bị đèn pin, sách, bút rồi cuốc bộ gần 1 km đến lớp học xóa mù chữ tại nhà văn hóa bản.

Bà Phượng và chồng (ông Tòng Văn Tiên) thuộc những người cao tuổi nhất lớp. Ngày đầu đi học, cả 2 phải nhờ thầy giáo cầm tay tập viết bằng bút chì. Đến khi quen nét chữ mới chuyển sang bút bi. Ông Tiên cười bảo: “Tay tôi quen với cái cày, cái cuốc rồi nên mỗi lần cầm bút cứ lóng ngóng. Mới đầu, chữ nghệch ngoạc lắm, giờ thì đỡ hơn nhiều rồi!”.

Ông Lò Văn Nhân - Bí thư Chi bộ bản Na Cai cho biết: Trước đây, do nhiều người dân không biết chữ nên khi triển khai công việc hay văn bản gì đều phải phiên dịch. Xác nhận thủ tục, giấy tờ đa phần là bà con điểm chỉ. Nhưng hiện nay mọi việc đã thuận tiện hơn nhiều. Những học viên tham gia xóa mù chữ từ năm 2022 đều đã tự viết hồ sơ, giấy tờ và ký xác nhận tên mình. Bà con cũng tự đọc được tờ rơi để hiểu nội dung tuyên truyền và thực hành theo.

Cũng theo ông Nhân, trong bản Na Cai có 2 cặp vợ chồng cùng tham gia học xóa mù chữ. Mặc dù họ đều lớn tuổi, song lại chăm chỉ và đúng giờ nhất lớp. Ngoài ra, có nhiều chị em phụ nữ độ tuổi từ 30 - 60 chưa đọc thông, viết thạo cũng tham gia học chữ rất chăm chỉ, nghiêm túc.

Lớp “full” học viên, thầy “cháy” giáo án

Phụ trách lớp tại điểm bản Na Cai là thầy giáo Tòng Văn Thích, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Luân Giói. Trong lớp có gần 30 học viên thuộc 2 bản: Na Cai và Na Ản. Theo thầy Thích chia sẻ, thì lớp học bắt đầu từ 19 giờ 30 phút. Song hôm nào thầy cũng đón những học viên đầu tiên có mặt từ 19 giờ để nhờ thầy kiểm tra, chỉ giúp bài viết, phép tính họ tự thực hiện ở nhà.

Các lớp xóa mù chữ ở Luân Giói luôn thu hút đông đảo học viên tham gia.
Các lớp xóa mù chữ ở Luân Giói luôn thu hút đông đảo học viên tham gia

“Vì học viên đều lớn tuổi nên không thể dạy như học sinh được. Có bác ngồi cả buổi mới viết được 1 bài đọc. Nhiều người lớn tuổi, mắt kém không nhìn rõ chữ trong sách giáo khoa, tôi lại phải viết hết chữ lên bảng để cho mọi người dễ nhìn. Thế nên dù đi sớm về muộn nhưng tôi vẫn thường bị cháy giáo án”, thầy Thích tâm sự.

Cũng theo thầy Thích chia sẻ, những buổi học ở đây thường không bảo đảm sĩ số theo danh sách “cứng”. Hôm nay người này ở nương chưa kịp về, ngày mai gia đình kia lại có việc bận... Vì thế, giáo viên cũng phải linh hoạt trong việc sắp xếp, tổ chức bài dạy cho phù hợp để các học viên đều bảo đảm tiếp thu được kiến thức

"Lịch học diễn ra liên tục từ tối thứ 2 - 6 hằng tuần nên những giáo viên phụ trách các lớp xóa mù chữ đều rất vất vả cân đối, sắp xếp thời gian. Thế nhưng cứ nhìn các cô, chú lớn tuổi háo hức đến lớp mỗi ngày, chúng tôi lại có thêm động lực”.

Cô Trương Thị Tuyết Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Luân Giói

Cô Trương Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Luân Giói cho biết: Lớp học được thực hiện theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, ngày 24/3/2014 của Chính phủ về Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Học viên được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Toàn xã hiện đang có 9 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2, được tổ chức tại 6 bản. 100% số giáo viên do nhà trường phụ trách. Trung bình mỗi lớp có từ 25 - 35 học viên. Tỷ lệ chuyên cần của học viên duy trì trên 80%. Vào mùa nông nhàn thì tỷ lệ chuyên cần lên tới 90 - 95%.

“Để có được kết quả ấy, khi tuyên truyền mở lớp, chúng tôi tập trung tuyên truyền cho bà con hiểu, trong thời đại hôm nay phải biết chữ để sử dụng điện thoại, nắm bắt công nghệ và để hiểu các văn bản, chính sách của Nhà nước liên quan đến quyền lợi của dân bản mình”, cô Tuyết chia sẻ.

Việc huy động học viên ra lớp không quá khó, nhưng theo cô Tuyết, khó khăn nhất hiện nay là công tác tổ chức lớp học xóa mù chữ. Trong bối cảnh nhiều khó khăn đặc thù của trường bán trú khu vực miền núi, nhà trường phải tính toán, cân đối để bố trí cả về nhân lực và vật lực.

Vì đối tượng học viên có đặc thù riêng, nên để bảo đảm chất lượng, mỗi lớp phải sắp xếp 2 giáo viên. Một người đứng lớp chính, người kia trợ giảng và hỗ trợ. Ngoài ra, do địa điểm tổ chức lớp học đều mượn tại cơ sở, nên mỗi năm trường phải trích kinh phí hàng chục triệu đồng để sửa sang cơ sở vật chất, chi trả các khoản phát sinh.

Mặc dù vậy, nhà trường vẫn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để truyền dạy con chữ cho đồng bào. Hạnh phúc của người giáo viên là khi thấy những người lớn tuổi đã biết đọc, biết viết và còn biết nhắn tin trên điện thoại. Đó thực sự là một cuộc cách mạng về nâng cao dân trí cho đồng bào vùng cao.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.