Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Mù Cang Chải (Yên Bái): Học chữ để thay đổi cuộc sống

PV - 08:00, 28/01/2023

Học chữ để thay đổi cuộc sống là nguyện vọng nhiều học viên tại các lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Từ đó, năm 2022, toàn huyện đã mở 7 lớp xóa mù chữ, 7 lớp sau biết chữ và 1 lớp phổ cập THCS từng bước nâng cao trình độ cho người dân.

Giờ học của lớp xóa mù chữ ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có
Giờ học của lớp xóa mù chữ ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh về việc tổ chức mở lớp xóa mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc Mông trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi trên địa bàn huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2020 - 2022, năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp tổ chức được 7 lớp học chữ tại các xã gồm: Nậm Có 2 lớp với 70 học viên tại bản Lùng Cúng; Lao Chải 3 lớp với 51 học viên tại các bản Dào Xa, Dào Cu Nha và Hồ Nhì Pá; Khao Mang 1 lớp với 16 học viên tại bản Nả Dề Thàng; Chế Cu Nha 1 lớp với 20 học viên tại bản Chế Cu Nha.

7 lớp sau biết chữ theo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện gồm: 2 lớp tại Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có cho 60 học viên đến từ bản Có Thái và Có Mông; 2 lớp tại Trường Tiểu học và THCS Dế Xu Phình cho 60 học viên đến từ bản Phình Hồ và bản Háng Cuốn Rùa; 3 lớp tại Trường Tiểu học Nậm Khắt cho 90 học viên đến từ các bản: Làng Sang, Nậm Khắt, Hua Khắt và mở 1 lớp phổ cập THCS cho 34 học viên tại bản Có Thái xã Nậm Có.

Thầy giáo Lù Văn Thức - giáo viên Trường Tiểu học Tà Ghênh, cho biết: "Khi nhà trường mở 2 lớp xóa mù ở bản Lùng Cúng, tôi được phân công lên đứng lớp hơn 3 tháng liên tục. Lùng Cúng cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại không thuận lợi, lớp chủ yếu học tối, lại không có điện thắp sáng nên thầy trò chủ yếu dùng đèn pin, không có sóng điện thoại, vận động học viên đến lớp phải đi từng nhà gọi rất khó khăn nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bà con hiểu được tầm quan trọng của cái chữ đối với đời sống nên các học viên luôn đi học đều, nghiêm túc học tập”.

Ông Chang Sông Của - Trưởng bản Lùng Cúng cho biết: "Tuy Lùng Cúng hiện còn nhiều khó khăn nhưng xét thấy bản là địa phương có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai nên chúng tôi đã động viên bà con đi học là chìa khóa duy nhất để phát triển trong tương lai. Học là được cho chính bà con, nên phải chủ động khắc phục công việc gia đình để tham gia học đầy đủ thì mới nâng cao khả năng nghe, nói tiếng phổ thông, đọc, viết chữ cho bản thân".

Với sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành, nhất là sự nỗ lực của các học viên tham gia học, mỗi khóa học kết thúc, các học viên học xóa mù chữ cũng đều cơ bản có những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người; qua đó, có thêm kiến thức để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Chị Thào Thị La - bản Lùng Cúng tâm sự: "Tôi sinh ra trong gia đình khó khăn nên từ nhỏ không được đi học, không biết chữ, không biết tiếng phổ thông. Hiện nay, tôi nhận được thiếp mời đám cưới, không biết đọc, có người đến mua gà, lợn tôi không tính được, không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, nói họ không hiểu nên tôi quyết tâm đi học. Tới đây, nếu mở thêm lớp nâng cao thì tôi vẫn sẽ tiếp tục đi học để biết nhiều hơn”.

Từ nỗ lực mở các lớp xóa mù chữ, sau biết chữ và phổ cập THCS trên địa bàn những năm qua, hết năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã nâng số địa phương đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 là 3/14 xã, thị trấn và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 là 11/14 xã, thị trấn; người từ 15 - 35 tuổi đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 là 97,57%, đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là 91,36%. Đây là điều kiện tốt để giúp người dân chủ động trong tiếp cận thông tin, khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống trong bối cảnh xã hội đang ngày càng số hóa trong mọi lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.