100% số người chưa biết chữ trong thôn Lùng Chin Thượng đều đã đăng ký đi họcMột lớp học - nhiều cuộc đời
Trời vừa sập tối, sương đã tràn xuống những khoảng rừng sa mộc, quấn quýt quanh các lối mòn đất ướt. Quãng đường từ trung tâm xã Thèn Chu Phìn, Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (cũ), nay là xã Thàng Tín, tỉnh Tuyên Quang lên thôn Lùng Chin Thượng áng chừng 6 cây số, vắt qua nhiều dải núi đang say ngủ. Giữa tiếng nước trời ào ạt chảy từ các khe núi vào những thửa ruộng bậc thang, có tiếng chân người đang rảo bước lên đường tới lớp. Từ đỉnh cao nhất của Lùng Chin Thượng, ánh điện trong lớp học xóa mù chữ bừng qua ô cửa, ngước lên ngỡ như con đom đóm mắc lại giữa thăm thẳm núi rừng...
Cuối tháng 5/2025, lớp học xóa mù chữ ở thôn Lùng Chin Thượng được mở. Ở vùng biên viễn xa xôi này, vì đường xóc, hiểm trở, tay lái xe máy cũng được tính như một “năng lực chuyên môn” quan trọng. Thế nên, thầy giáo Nguyễn Chiến Hào, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Thèn Chu Phìn xung phong làm chủ nhiệm lớp. Trợ giảng là những “thầy giáo” đặc biệt: Trung úy Lăng Thanh Quang, Đại úy Vũ Văn Bắc (Đồn Biên phòng Thàng Tín) và Đại úy Liệu Hồng Quân (Phó Trưởng Công an xã Thàng Tín).
Thầy giáo Nguyễn Chiến Hào, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Thèn Chu Phìn xung phong làm Chủ nhiệm lớpLớp có 26 học viên, phần lớn là các chị, các mẹ đã có tuổi, ngày lên nương, tối tới trường. Một vài người trong số họ có con đang học tại trường bán trú của xã. Vậy là tối về, mẹ học lớp xóa mù, con học lớp chính khóa, có khi mẹ quên nét chữ lại quay sang hỏi con. Hai mẹ con cùng học!
Những ngày đầu lớp học được mở, cán bộ xã, thôn, cùng các thầy, cô giáo phải tất tả xuống từng nhà vận động. Nhiều người khăng khăng: Có tuổi rồi đi học ngại lắm! Thầy cô phải lựa lời thuyết phục, lớp chỉ mở buổi tối, đi học không gặp ai thì sẽ không ngại. Nhiều khi vào thế bí, các thầy cô nhờ luôn học sinh là con em của đồng bào đang học tập tại trường vận động chính phụ huynh, ông bà của mình ra lớp. Nhờ vậy, 100% số người chưa biết chữ trong thôn đều đã đăng ký đi học.
Trong lúc chờ học viên chuẩn bị dụng cụ học tập, thầy giáo Nguyễn Chiến Hào kể, thôn Lùng Chin Thượng, xã biên giới Thàng Tín, tỉnh Tuyên Quang có 105 hộ, với hơn 400 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tại lớp học cũng có những học viên lớn tuổi, các con đều đi làm ăn xa đành phải gửi lại cháu cho ông bà, thế nên cả ông bà cùng các cháu tới lớpTại lớp học cũng có những học viên lớn tuổi, các con đều đi làm ăn xa đành phải gửi lại cháu cho ông bà, thế nên cũng có khi bà địu cháu đến lớp, cháu xem bà đánh vần. Cứ tới 7h tối là cả lớp bắt đầu học. Nhiều lần học viên đi làm nương rồi vào lớp học ngay, tan giờ học mới trở về nhà.
Niềm vui của chị Vàng Thị Pà những ngày tới lớpNửa đời người gùi nặng trên lưng, nay mới được ngồi thẳng để tập tô con chữ, chị Vàng Thị Pà chăm chú dõi theo nét phấn đang vỡ ra thành chữ cái trên bảng, rồi bảo: Quả bí thì dài mà viết tên nó lại ngắn. Vì giá đỗ nó cong nên trên đầu nó có dấu ngã loằng ngoằng!
Cả lớp cười ồ. Thầy giáo cũng cười theo, bảo: Thế mà đúng thật!
Còn với chị Hoàng Thị Dính, suốt mấy chục năm không biết chữ, không biết viết tên, mỗi lần làm giấy tờ lại ngại ngùng, rụt rè xin cán bộ cho lăn tay vào hộp mực đỏ để điểm chỉ. Có dạo cán bộ khuyến nông mang tới cẩm nang mùa vụ, hướng dẫn gieo trồng giống lúa mới, nhưng chị không hiểu trong đó là những gì. Mùa ấy, cứ gieo thôi, còn được mùa hay không thì lại “cầu trời”!
Giờ thì khác rồi, nhìn chị cầm cây bút mà thấy như cầm được một phần cuộc đời mà trước đây chị chỉ biết buông tay.
Người “gieo chữ” - Người gieo niềm tin
Giữ vai trò quan trọng trong lớp, ba “thầy giáo” Lăng Thanh Quang, Vũ Văn Bắc và Liệu Hồng Quân không chỉ hỗ trợ việc học chữ, mà còn là cầu nối để chuyển tải chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến từng học viên bằng cách gần gũi, dễ hiểu nhất.
Trung úy Lăng Thanh Quang, Đại úy Vũ Văn Bắc, Đại úy Liệu Hồng Quân - Ba thầy giáo đặc biệt ở Lùng Chin Thượng.Với người dân của Lùng Chin Thượng, các anh không chỉ là cán bộ Đồn Biên phòng, Công an xã, mà còn như người thân trong nhà - những người kiên nhẫn giảng từng con chữ, lắng nghe từng nỗi lo, chia sẻ từng câu chuyện từ bản làng. Mỗi buổi học vì thế không chỉ là giờ học chữ, mà còn là những giờ sinh hoạt cộng đồng, nơi có chuyện mùa vụ, chuyện giữ rừng, chuyện làm ăn và cả chuyện người tốt, việc tốt ở ngay quanh mình.
Trung úy Lăng Thanh Quang: Bản thân em không chỉ coi đây là nhiệm vụ, mà hơn cả, đó là sự gắn bó chân thành với đồng bào vùng biên. Bởi chúng em là bộ đội mà! Trung úy Lăng Thanh Quang cho biết, xóa nghèo cho người dân vốn đã là nhiệm vụ quan trọng, luôn khiến cán bộ, chiến sĩ của Đồn trăn trở. Nhưng xóa mù chữ cũng không kém phần cấp thiết. Bởi suy cho cùng, chính tình trạng mù chữ là căn nguyên sâu xa dẫn đến cái nghèo. "Khi chưa biết đọc, biết viết, người dân khó nắm bắt chủ trương, chính sách, khó tiếp cận kiến thức sản xuất, càng khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của lạc hậu, mặc cảm và khép mình. Thế nên, bản thân em không chỉ coi đây là nhiệm vụ, mà hơn cả, đó là sự gắn bó chân thành với đồng bào vùng biên. Bởi chúng em là bộ đội mà!", Trung úy Lăng Thanh Quang bày tỏ.
Giữa giờ giải lao, thấy học viên rôm rả chuyện trò, tôi chăm chú lắng nghe. Mọi người cùng bàn, tới ngày lễ tổng kết, để kỷ niệm sẽ tặng các thầy giáo đứng lớp mỗi người chục quả trứng gà!
Biết chữ - Con đường mở ra hy vọng thoát nghèo cho người dân Lùng Chin ThượngĐại úy Vũ Văn Bắc nghe tôi kể, rồi thật thà: Bà con mình ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ gian khó là thừa, nhưng quân và dân biên giới là vậy. Xa gia đình, bám biên cương làm nhiệm vụ, trong mọi hoàn cảnh, chúng em luôn được đồng bào cưu mang, chở che và đùm bọc!
Tôi cũng hiểu ra rằng, món quà kia chính là tấm lòng của thôn bản dành cho những người đang ngày đêm đi giữ thôn bản…
Một lớp học, vài bộ bàn ghế đơn sơ và vài chục con người... nhưng hóa ra, nơi ấy lại chất chứa biết bao nghĩa tình. Ở đó, không chỉ người học mà cả người dạy cũng gửi gắm rất nhiều điều vượt xa những con chữ.
Cung đường tới lớp học của các thầy giáo tại Lùng Chin ThượngRời lớp học, ngang qua con suối nước đã dâng gần nửa bánh xe. Trong lúc chờ mọi người vượt suối, Đại úy Liệu Hồng Quân kết luận: Thêm một người biết chữ là biên cương thêm một lần vững vàng…
Tối hôm sau, tôi trở về Vinh Quang, nơi từng là trung tâm của huyện Hoàng Su Phì trước ngày sáp nhập. Sao khuya đầy trời như mặt bể nổi lân tinh, vòm trời trong vắt in hằn những bóng núi cao ngất ở phía xa mãi. Biết đâu, một trong số những ánh sáng nhấp nháy trên khoảng không vời vợi kia lại có ánh điện của lớp học xóa mù chữ trên đỉnh Lùng Chin Thượng! Tôi nghĩ thế và lấy điện thoại gọi cho thầy giáo Nguyễn Chiến Hào.
Trong làn sóng vô tuyến, thoảng nghe văng vẳng tiếng đánh vần trong lớp học, mà bỗng thấy lòng ấm hơn bếp lửa hồng. Bất giác lại nhớ mấy câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng: Khi ông mặt trời đi ngủ/ Mẹ lên lớp bên ánh đèn/ Bản làng em rộn vang tiếng hát…