Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Khoa học và công nghệ: Làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS

Minh Thu - 11:34, 19/10/2020

Qua 10 năm thực hiện, các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi (2011 - 2020) đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai được một số mô hình đạt hiệu quả. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các hoạt động, đề tài KH&CN.

Sản phẩm KH&CN được trưng bày tại Hội thảo “Vai trò Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030”
Sản phẩm KH&CN được trưng bày tại Hội thảo “Vai trò Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030”

Nhiều mô hình hiệu quả

Từ 3 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có nguồn thu nhập ổn định từ trồng cam vàng. Sau 3 năm đầu tư, áp dụng KH&KT vào sản xuất, 700 gốc cam đã cho 20 tấn quả. Trừ chi phí, công chăm sóc, chị Hà thu về ngót 200 triệu đồng. 

Vườn cam của chị Hà là kết quả từ Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất giống cam V2, CT36 chất lượng cao tại miền núi Thanh Hóa”, do Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn chủ trì. 

Ông Phạm Ngọc Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết: Sau 3 năm triển khai (từ 2017 đến nay), Dự án đã mở rộng diện tích trồng cam tại 3 huyện Như Xuân, Bá Thước, Thọ Xuân từ 120ha lên 200ha, xây dựng được hệ thống nhân giống, cung cấp cây giống mắt ghép chất lượng cao, sạch bệnh.

Tại Lâm Đồng, Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà” được triển khai từ năm 2017 đã xây dựng được vườn nhân chồi giống cà phê vối mới, quy mô 50.000 cây (đã cho thu hoạch 150.000 chồi). Dự án đã chuyển giao hàng chục quy trình kỹ thuật về canh tác cà phê trên đất dốc, sơ chế và bảo quản cà phê… “Nhờ áp dụng KH&KT vào sản xuất, thu nhập của người dân tham gia dự án tăng 10%, chất lượng cà phê tăng 10 - 15% so với trước”, ông Đỗ Minh Ngọc, Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết.

Qua 10 năm thực hiện, các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình KH&CN thúc đẩy phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đã có trên 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN được hình thành, phát huy hiệu quả. Hỗ trợ, tạo việc làm cho trên 12 ngàn lao động; chuyển giao trên 2.300 lượt công nghệ mới, tiên tiến. Từ đây, đã có một số mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao.

Những nút thắt cần tháo gỡ 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc duy trì, phát huy các mô hình ứng dụng KH&CN ở các địa phương còn tồn tại một số bất cập. Ông Phạm Ngọc Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn chia sẻ: Thời gian qua, vì nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên nhiều hoạt động KH&CN chưa thể triển khai, nhân rộng.. 

Để hoạt động KH&CN đi vào thực chất, hiệu quả, trong giai đoạn tới “Cần có những nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu, đánh giá chất lượng các đề tài KH&CN cho sát với thực tiễn. Ưu tiên phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN. Cần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối “4 nhà” trong hoạt động KH&CN. Tập trung nhiều hơn cho hoạt động khoa học ứng dụng, sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Lấy thước đo là mức sống, thu nhập của người dân, tạo được sức mạnh của khu vực miền núi trong kinh tế thị trường”, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định.