Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chống diễn biến hòa bình

Khoác áo “Công đoàn độc lập” để mưu đồ chống phá

PV - 15:37, 26/04/2021

Với việc thành lập không chính danh, không thực hiện theo quy định pháp luật, cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp. Thực chất, đó là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Cảnh giác với âm mưu thành lập Công đoàn độc lập để chống phá đất nước
Cảnh giác với âm mưu thành lập Công đoàn độc lập để chống phá đất nước

Vấn đề thành lập, tham gia hoạt động của tổ chức tại doanh nghiệp

Để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định mậu dịch tự do, trong đó có Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Lao động, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Đây là một quyền không mới do đã được pháp luật về lao động của Việt Nam ghi nhận cho người lao động từ lâu.

Bên cạnh đó, khoản 2 điều này bổ sung quy định cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp. Quy định về gia nhập, tham gia tổ chức này là rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống.

Bộ luật Lao động cũng quy định, cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền lập hội, nếu các hội ấy thực sự vì quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tuân thủ quy định pháp luật. Điều 25, Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, Nhà nước ta ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân nhưng việc thực hiện quyền này phải tuân thủ các quy định luật pháp.

Hiện quy định về lập hội được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957; Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005; Luật Tổ chức Chính phủ; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định rõ: “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoat động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

Cũng theo quy định của Nghị định thì các hội lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố phải được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn; nếu hội hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn.

Âm mưu của việc thành lập “Công đoàn độc lập”

Trên thực tế, một số đối tượng tổ chức khởi xướng và tự xưng “Công đoàn độc lập Việt Nam” lại không đăng ký, không tiến hành các thủ tục xin phép thành lập và cũng không có kế hoạch, xu hướng xin phép thành lập, điều đó thể hiện sự coi thường pháp luật, hoạt động trái với quy định pháp luật.

Về động cơ, mục đích, những người khởi xướng cho hội nhóm này đã tuyên bố trên các diễn đàn, mạng xã hội, cho thấy động cơ, ý đồ tiêu cực và họ biết những tổ chức, hội nhóm như vậy sẽ bị chính người lao động lên án nên không dám công khai, minh bạch, không tuân thủ các quy định luật pháp mà chọn theo hình thức âm thầm, tự phát.

Mặt khác, trong vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, lâu nay chúng ta có hệ thống Công đoàn các cấp, mà cơ quan lãnh đạo cao nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công đoàn Việt Nam là thành viên của hệ thống chính trị và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là trung tâm tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân, lao động.

Trong đại dịch COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều hoạt động ở các mức độ khác nhau đồng hành, giúp đỡ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh. Từ đó, đời sống và kinh tế của người lao động phần nào vẫn được cải thiện.

Thực tế cho thấy, bản thân các hội, nhóm nghề nghiệp thành lập hợp pháp ở nước ta rất nhiều, những hội, nhóm này ở các mức độ khác nhau đã đóng góp nhất định cho sự phát triển xã hội. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ là động cơ, mục đích và cách thức hoạt động, những người trong các hội, nhóm đó có năng lực để biểu đạt, thực hiện trên tinh thần xây dựng, vì sự tiến bộ và đời sống cán bộ, công nhân viên hay không.

Ngược lại, lấy danh nghĩa thành lập tổ chức, hội nhóm với cái mác “độc lập” để thực hiệm âm mưu, ý đồ chống phá đất nước, gây hại cho nhân dân thì đó là hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa trái với đạo lý người Việt, không thể nhân danh các tổ chức xã hội dân sự để chống lại quê hương, đất nước mình.

Với việc thành lập không chính danh, không thực hiện theo quy định pháp luật, cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp. Thực chất, đó là cái cớ mà các thế lực thù địch, các đối tượng chống đối muốn lập ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.

Trong thời gian qua, xuất hiện một số tổ chức tự xưng mang mũ “độc lập", “dân chủ”, “nhân quyền”, như: Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Hội anh em dân chủ...

Mục đích chung của các tổ chức này là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc, bóp méo chế độ chính trị; tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta. Về thành phần tham gia những hội, nhóm như trên, nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, có các hành vi chống phá bị xử lý hình sự, hành chính.

Với “Công đoàn độc lập”, mặc dù đang trong quá trình vận động thành lập một cách bất hợp pháp nhưng tổ chức này cũng giống các tổ chức kể trên, đó là xuyên tạc, chống phá chế độ, tiến hành các hoạt động đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị, đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các thành viên khởi xướng thành lập đã thể hiện rõ quan điểm, ý đồ lập ra nhằm thay thế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thật khôi hài, một tổ chức thành lập bất hợp pháp, do một nhóm người (trong đó có những đối tượng từng bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật) dựng ra mà lại đòi “đồng hành”, “đại diện” cho công chức, viên chức, người lao động, lại muốn thay thế, đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức chính trị được thành lập từ năm 1929 với bề dày lịch sử vững chắc, có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, một tổ chức mà vị trí, vai trò được ghi nhận rõ trong Hiến pháp và pháp luật.

Rõ ràng, những người khởi xướng trào lưu thành lập cái gọi là “Công đoàn độc lập Việt Nam” theo xu hướng tự do, thoát ly đều nhận thức đây là tổ chức bất hợp pháp, không được phép tồn tại nhưng họ vẫn cố tình kêu gọi, vận động người dân tham gia với dụng ý xấu. Đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Thời gian qua, người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Plei Kần, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) liên tiếp chịu cảnh nước dâng ngập hoa màu, đất đai sạt lở. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Việc chậm trễ này đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.