Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khởi nghiệp

Khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi - Cần trợ lực để đi được đường xa: Những tín hiệu tích cực (Bài 1)

T.Nhân - CTV - 16:44, 26/05/2023

Với khát vọng làm giàu trên chính quê hương, phong trào khởi nghiệp của thanh niên DTTS tỉnh Quảng Ngãi đang diễn ra sôi động. Đã có không ít mô hình khởi nghiệp thành công, làm đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân, là chìa khóa để những mô hình kinh tế mới, cách làm mới từng bước lan tỏa tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, khơi dậy ý chí thoát nghèo, mạnh dạn vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, gia đình chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân đã khởi nghiệp với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo từ gạo lúa rẫy
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, gia đình chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân đã khởi nghiệp với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo từ gạo lúa rẫy

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhiều sản phẩm đặc thù địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ mạnh dạn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công.

Gạo lúa rẫy được xem là “sản vật” của miền núi vì đây là một trong những loại gạo vừa sạch (không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác), vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao, được đồng bào DTTS trồng nhiều trên các sườn đồi, núi. Song, bao năm qua, người dân chủ yếu trồng để ăn trong gia đình, chưa phát triển thành hàng hóa hoặc có giải pháp để nâng cao giá trị cho nông sản.

Có thể khẳng định, khởi nghiệp là hành trình đầy khó khăn, thử thách, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, các bạn trẻ đã vượt qua những khó khăn, tận dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đã mạnh dạn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Sau một thời gian suy nghĩ, vợ chồng chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân, đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để khởi nghiệp, với mô hình nuôi Đông trùng hạ thảo từ gạo lúa rẫy.

Theo lời chị Ý, Đông trùng hạ thảo được nuôi trồng bằng giá thể từ gạo lúa rẫy cho hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với nuôi trồng bằng các giá thể khác. Sau một thời gian triển khai, hiện tại mô hình đã thu về kết quả nhất định, với sản lượng xuất bán bình quân mỗi tháng khoảng hơn 2 kg nấm Đông trùng hạ thảo khô.

Ngoài ra, vợ chồng chị Ý còn sản xuất các sản phẩm rượu Đông trùng hạ thảo, Đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... Thu nhập hằng tháng mà vợ chồng chị Ý thu được từ các sản phẩm đông trùng hạ thảo dao động từ 70 - 80 triệu đồng.

Xã Long Hiệp, huyện Minh Long, là nơi có hàng trăm héc ta cây chè xanh - một loại chè bản địa rất được thị trường ưa chuộng. Song, do đầu ra của cây chè xanh không ổn định, nên nhiều hộ dân địa phương dần thu hẹp diện tích trồng chè.

Chứng kiến sản phẩm đặc trưng của quê hương gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, anh Đinh Văn Khó (34 tuổi), đã lên ý tưởng và tập hợp nhiều thanh niên địa phương cùng lập nên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, liên kết cùng các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu và chủ động đầu ra cho cây chè xanh.

Anh Đinh Văn Khó chia sẻ: Năm 2021, khi mới thành lập, HTX chủ động được đầu ra cho gần 20 ha chè xanh. Đến nay, con số này đã lên hơn 40 ha. HTX đi vào hoạt động không chỉ giải quyết được bài toán thị trường cho sản phẩm chè xanh của 17 thành viên HTX, mà còn liên kết, bao tiêu được đầu ra cho cây chè của người dân địa phương. Thu nhập của các hộ dân trồng chè xanh ở Long Hiệp dần ổn định hơn, bởi giá thu mua của HTX luôn cao hơn thương lái 15 - 20%.

Miền núi Quảng Ngãi với nhiều sản phẩm địa phương giúp các bạn trẻ khởi nghiệp
Miền núi Quảng Ngãi với nhiều sản phẩm địa phương giúp các bạn trẻ khởi nghiệp

Còn tại làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, mô hình khởi nghiệp của cô sơn nữ người H’re Phạm Thị Y Hòa, cũng được xem là mô hình thành công, góp phần giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với niềm đam mê và khiếu thẩm mỹ, trên chất liệu vải và hoa văn thổ cẩm của người H’re, Y Hòa tự tay thiết kế nhiều trang phục cách tân độc đáo. 

Các sản phẩm được Y Hòa giới thiệu trên mạng xã hội được người tiêu dùng chú ý, đặt hàng. Từ đó, Y Hòa đã huy động các mẹ, các chị em trong làng tham gia dệt, thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm làng Teng, cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 sản phẩm mỗi năm.

Theo đó, sản phẩm thổ cẩm của Y Hoà và phụ nữ làng Teng đã được các nhà thiết kế trong nước chú ý, đặt hàng, chọn làm trang phục trình diễn tại sàn diễn thời trang quốc tế. Tháng 10/2021, sản phẩm thổ cẩm của làng Teng lần đầu tiên được giới thiệu ở Triển lãm Thế giới - EXPO 2020 diễn ra tại Dubai, Ấn Độ. Trước đó, năm 2019, nghề dệt thổ cẩm của người H’re ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi thanh niên với một cách làm khác nhau, nhưng để thành công trong xây dựng cuộc sống, điểm chung nhất của lớp trẻ là sự mạnh dạn, táo bạo. Ông Trần Văn Mẫn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: Các bạn trẻ mang trong mình sự khát khao được khởi nghiệp và dám nghĩ, dám làm nên đã có được thành công ban đầu. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình để ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh, khởi nghiệp ở các địa phương miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới thành lập mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong

Ngày 15/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II, năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.