Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Khôi phục nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn - Việc cần làm ngay

Mỹ Dung - 21:34, 01/10/2024

Cơn bão số 3 làm cho không ít người nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) gần như mất trắng tài sản. Đây là bài toán đặt ra cho các cấp, các ngành cần sớm triển khai các gói hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới với lãi suất thấp, bảo đảm cho họ có thể vực dậy trong thời gian ngắn nhất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều ô lồng nuôi cá của người dân Vân Đồn bị bão đánh tan hoang
Nhiều ô lồng nuôi cá của người dân Vân Đồn bị bão đánh tan hoang

Cả cơ nghiệp gần như mất trắng!

Ông Phạm Văn Long, một người dân của thị trấn Cái Rồng có 200 ô lồng nuôi cá lồng bè đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Thế mà, cơn bão số 3 đổ bộ đã khiến cho gần 100 ô lồng nuôi cá của gia đình ông bị sóng, gió đánh vỡ, toàn bộ số lượng cá trong những ô lồng này đều đổ ra biển. Ông Long vẫn còn chưa hết xót xa khi mà lồng bè nào bị phá hủy thì cá ra hết, lồng nào không bị thủng thì cá va đập vào nhau cũng chết hàng loạt, khiến ông mất trắng tay.

“Các dây nuôi hàu gần như bị mất hết, tài sản tích góp cả đời của chúng tôi gần như bị mất sạch chỉ sau vài giờ bão quét qua. Giờ để ngành kinh tế này có thể khôi phục trở lại thì có lẽ phải mất nhiều năm”, ông Long ngậm ngùi.

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Trung nam là 1 trong 6 đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển giai đoạn 2020 - 2050. Anh Ngô Nam Trung - Giám đốc HTX cho biết, cơn bão số 3 vừa rồi đã khiến 800 đường hàu, tương ứng với 8 vạn quả phao, đầu tư hết hơn 7 tỷ đồng, bị bão đánh tan tác hết. Hàu đang độ lớn, khoảng tầm 1 tháng nữa sẽ thu, khoảng 27 - 28 tỷ đồng rồi. Chưa kể tiền đầu tư lồng bè, tiền trả nhân công. Bây giờ tay trắng hết!

Anh Trung buồn rầu: “Nhà nào nuôi nhiều mất nhiều, nhà nuôi ít mất ít nhưng cơ bản là mất sạch sẽ. Bình quân một hộ gia đình ở Vân Đồn có khoảng 20 - 25 dây hàu, nếu không bị ảnh hưởng của bão, mỗi dây khoảng 5 tấn, nhưng tỷ lệ hàu sống sót chắc chỉ họa hoằn khoảng 0,1%”.

Cần thiết trợ lực tích cực, kịp thời

Huyện Vân Đồn địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3. Toàn bộ 1.120 cơ sở nuôi nhuyễn thể với 3.680 ha; 218 cơ sở nuôi cá với 280 ha; 318 nhà bè bị bị thiệt hại, ước tính đến hơn 2.200 tỷ đồng. 

Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão số 3 với thiệt hại lên đến hơn 2.200 tỷ đồng
Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão số 3 với thiệt hại lên đến hơn 2.200 tỷ đồng

Đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để khắc phục hậu quả bão số 3. UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các ngân hàng có các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp...

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã trực tiếp gặp mặt lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để từ đó có hướng giải quyết, hỗ trợ phù hợp nhất.

 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy gặp mặt, động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Vân Đồn
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy gặp mặt, động viên, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Vân Đồn

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, hiện nay đã có 5 ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Ngoại thương Việt Nam (VCB); Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Bản Việt (BVBank) triển khai các chính sách hỗ trợ, như: Điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm; miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh - Nguyễn Đức Hiển cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục cập nhật, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để báo cáo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đồng thời, có chương trình tín dụng cho vay mới với lãi suất hợp lý, trong đó cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão để có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Sớm khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn là rất cấp thiết. Việc trước mắt cần làm lúc này là các cấp, các ngành cần sớm triển khai các gói hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nuôi trồng thủy sản được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; Đồng thời rút gọn thủ tục, thời gian giao, cho thuê mặt biển và định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nuôi trồng thủy sản.

Tin cùng chuyên mục
Cử tri huyện Lắk kiến nghị đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS

Cử tri huyện Lắk kiến nghị đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS

Sáng 4/10, Tổ công tác số 1 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk do Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr làm Tổ tưởng, cùng các đại biểu, đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại huyện Lắk. Dự hội nghị tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà; lãnh đạo các sở, ngành và cử tri của 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.