Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Quảng Ninh: Giải quyết khó khăn cho người trồng rừng sau cơn bão số 3

Mỹ Dung - 14:56, 24/09/2024

Bão số 3 đi qua, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xót xa, bởi sự tàn phá của thiên nhiên đã kéo theo cả cơ nghiệp bao năm lao động của gia đình. Xây dựng cơ chế, chính sách để khôi phục sản xuất lâm nghiệp là một trong những vấn đề cấp thiết mà tỉnh Quảng Ninh đang quan tâm thực hiện.

Nhiều cánh rừng bị “xóa sổ” sau bão
Nhiều cánh rừng bị “xóa sổ” sau bão

Nhiều cánh rừng bị “xóa sổ” sau bão

Là xã vùng cao của thành phố Hạ Long với 92% là người DTTS sinh sống, Tân Dân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Ông Trịnh Hồng Quyết, dân tộc Dao trồng hơn 8 nghìn ha keo và gần 4 ha cây bạch đàn. Bão số 3 khiến diện tích lớn keo gần như mất trắng, diện tích cây bạch đàn cũng gày, đổ rất nhiều. Theo ông Quyết: Hộ ít thì thiệt hại 1 đến 2 ha, mất vài chục triệu đồng, hộ nhiều thì hàng chục ha, mất cả chục tỷ đồng.

"Hiện giá keo đang giảm theo từng ngày, từng giờ. Giờ giá chỉ đủ trả chi phí thuê nhân công, vận tải, dọn nương,...còn chủ rừng gần như trắng tay. Không những vậy, giá cây giống cũng tăng nhanh chóng mặt”, ông Quyết buồn bã cho biết.

Nhiều chủ rừng gần như mất trắng
Nhiều chủ rừng gần như mất trắng

Theo ông Nguyễn Bá Trượng, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Hoành Bồ, cơn bão số 3 cũng đã tàn phá toàn bộ 85%, trong tổng số diện tích 3.600ha rừng sản xuất của công ty, với tổng thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.

“Hiện đơn vị bố trí nhân lực đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại và lên phương án xử lý thực bì. Đơn vị mong muốn tỉnh có cơ chế để giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của bão”, ông Trượng nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn huyện bị thiệt hại trên 18.613 ha cây lâm nghiệp. Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, diện tích cây lâm nghiệp bị gẫy đổ chủ yếu là keo, tuổi từ 2 đến 6 năm tuổi.

Do mưa, bão cây gẫy đổ đi lại khó khăn, địa bàn rộng, mức độ ảnh hưởng lớn, hiện nay các xã, thị trấn đang tập trung huy động lực lượng kiểm tra, thống kê chi tiết thiệt hại.

Cơn bão số 3 làm thiệt hại gần 120 ha rừng trên địa bàn Quảng Ninh, ước tính thiệt hại trên 500 tỷ đồng
Cơn bão số 3 làm thiệt hại gần 120 ha rừng trên địa bàn Quảng Ninh, ước tính thiệt hại trên 500 tỷ đồng

Tạo động lực để khôi phục sản xuất lâm nghiệp

Hiện tỉnh Quảng Ninh có trên 434.000 ha rừng và đất lâm nghiệp chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Cơn bão số 3 có sức tàn phá lớn, khiến gần 120 ha rừng trong tỉnh bị hư hỏng, thiệt hại do cây gãy đổ, chủ yếu là rừng sản xuất, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

Thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) có 44 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Sán Chỉ sinh sống bằng nghề nông - lâm nghiệp. Cơn bão số 3 làm cho rất nhiều hộ gia đình bị thiệt hại lớn về rừng. Ông Bế Sinh Nghiệp, Người có uy tín thôn Ngàn Vàng Dưới, cho biết: “Chúng tôi rất mong các cơ quan hỗ trợ tìm đầu ra cho cây gỗ keo của người dân bị thiệt hại sau bão với giá cả hợp lý; chính sách hỗ trợ nguồn cây giống, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất để tái trồng rừng”.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp... Đây sẽ là động lực mới để người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh (đứng thứ 2 từ trái sang) kiểm tra diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh (đứng thứ 2 từ trái sang) kiểm tra diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về nội dung này, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho hay: Để khôi phục ngành lâm nghiệp, trước tiên phải xuất phát từ giải quyết những khó khăn của người trồng rừng thông qua việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ. 

"Hiện nay, Sở đang được UBND tỉnh Quảng Ninh giao xây dựng đề án khôi phục, phát triển ngành nông nghiệp sau bão số 3, trọng tâm là hai ngành lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, việc khôi phục hậu quả do bão số 3 để lại đối với ngành nông nghiệp, là cực lớn và không thể trong thời gian ngắn được mà phải ổn định lâu dài”, ông Văn cho hay

Vừa qua ngày 19/9/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp, bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy, khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy yêu cầu, các địa phương thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu theo các quy định của Chính phủ và tỉnh; làm việc với các lực lượng phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom cho các hộ trồng rừng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa; bố trí các bãi tạm chứa để Nhân dân tập kết gỗ khi khai thác mà chưa vận chuyển, tiêu thụ được; các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản cần thống nhất, công khai mức giá...

"Để tiếp tục phục hồi về rừng, cần nghiên cứu, đề xuất cơ cấu lại cây trồng; các đơn vị kinh doanh cần tạo điều kiện tối đa để Nhân dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiêu thụ lâm sản; lực lượng chức năng tạo điều kiện để phương tiện vận chuyển lâm sản được thuận lợi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Krông Ana (Đắk Lắk): Nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa

Krông Ana (Đắk Lắk): Nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa

Ngày 24/9, UBND huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn huyện năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo huyện, các phòng ban, hội đoàn thể và 6 đội thi đến từ các xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.