Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Khởi sắc ở Canh Liên...

T.Nhân-H.Trường - 09:43, 14/03/2024

Xã Canh Liên, huyện Vân Canh được mệnh danh là “cổng trời” của tỉnh Bình Định; là nơi tập trung sinh sống lâu đời của đồng bào Ba Na. Những năm về trước, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy, các nhu cầu thiết yếu như điện- đường-nước sạch vẫn thiếu thốn. Thế nhưng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ được sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, đặc biệt từ khi có điện lưới quốc gia được kéo về các làng xa nhất của xã, đời sống của người dân ở xã vùng cao đã phát triển rõ rệt.

Từ một vùng đất khó, người dân đã vươn lên làm giàu
Từ một vùng đất khó, người dân đã vươn lên làm giàu

Đến nay, tại hai làng xa nhất của xã Canh Liên là làng Cát và Kà Bông đã có những thay đổi vượt bậc, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, hệ thống điện-đường-trường-trạm đã được đầu tư kỹ lưỡng, các làng đã xuất hiện nhiều “triệu phú” nông dân.

Những ngày đầu tháng 3, có dịp theo chân đoàn công tác của UBND huyện Vân Canh, chúng tôi về các làng vùng cao Canh Liên. Đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà mới, khang trang vừa được xây; những căn “biệt thự” mini nằm san sát nhau cạnh những ngôi nhà sàn cũ. Hệ thống đường giao thông trải dài đến những ngõ ngách xa nhất của các làng, các công trình trường học, nhà văn hoá được xây mới đẹp mắt cũng được đầu tư, hệ thống nước sạch được đấu nối tới nhà từng hộ dân.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng tắp vừa mới hoàn thành ở làng Cát, ông Sô Lan Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, nói: Nhờ được đầu tư hệ thống đường giao thông, việc đi lại của người dân được thuận lợi. Cũng từ những con đường này, việc vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng cũng dễ dàng, thuận tiện hơn, nhờ đó những căn nhà hoành tráng cũng đã được xây dựng trong thời gian gần đây.

“Cách đây hơn 5 năm, đường sá ở đây rất lầy lội. Mùa nắng thì bụi tung tứ phía, mùa mưa thì lầy lội, đất đỏ nhão nhẹt. Mỗi bận đi khảo sát hoặc tìm hiểu đời sống người dân trong làng trở ra, quần áo chẳng khác nào… trâu lăn vũng bùn. Người dân đi lại rất khó khăn, tội nhất là các em học sinh có khi đến trường mà quần áo lấm lem bùn đất. Thế nhưng, sau gần 3 năm kể từ khi điện về làng, đường sá được sửa sang, mọi thứ đã thay đổi một cách nhanh chóng”, ông Sô Lan Tài nhớ lại.

Chỉ tay vào căn nhà khang trang trước mặt, ông Tài cho biết: Vài năm trước, hộ gia đình này vẫn nằm trong diện cận nghèo, nhưng nhờ phấn đấu làm ăn nên đã có được cơ ngơi tiền tỉ. Thật vậy, năm 2007, ông Đinh Văn Óc (44 tuổi, làng Cát) vẫn hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không quanh năm lận đận với mấy sào lúa nước vụ được vụ mất. Nhưng nhờ sự đầu tư của Nhà nước, cùng với sự nổ lực của bản thân, ông Óc đã mạnh dạn vay tiền để đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo, trồng sầu riêng…với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Từ một hộ không có đủ cái ăn qua ngày, nay gia đình ông đã xây được căn nhà mới hơn 1,1 tỉ đồng.

Công trình Nhà văn hoá đang được xây dựng với hơn 1,2 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Công trình Nhà văn hoá đang được xây dựng với hơn 1,2 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Còn anh Đinh Văn Tưởng, một người dân địa phương, cho hay: Từ khi có ánh điện về như mở ra một trang mới cho vùng đất khó này. Nhiều hàng quán trong làng được mở ra. Người dân có điều kiện tiếp xúc với internet để học hỏi thêm những kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Ngày trước, không có điện, việc sinh hoạt và nhất là tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Từ lúc có điện về, người dân sắm sửa máy bơm về tưới cho cây trồng thuận lợi, nhờ đó kinh tế cũng đỡ hơn rất nhiều.

Không chỉ có làng Cát, diện mạo làng Kà Bông cũng khởi sắc hơn nhiều so với hơn 2 năm về trước, thời điểm trước khi mạng lưới điện quốc gia được kéo về. Già Đinh Văn Thảo (64 tuổi) hồ hởi đón chúng tôi trong căn nhà mới xây dựng cuối năm ngoái, với hơn 1 tỉ đồng. Già bảo, nhờ có chính sách tốt của Đảng, Nhà nước mà làng Kà Bông nay đã khang trang hơn, đẹp hơn rất nhiều. Đồng bào Ba Na đã tiếp cận được nhiều cách làm hay, học được nhiều mô hình làm kinh tế mới để vươn lên thoát nghèo.

Từ những hộ khó khăn, người dân đã vươn lên làm giàu và trở thành những “triệu phú” nông dân, xây được nhà tiền tỉ
Người dân Canh Liên đang vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu

“Mấy năm trước, ở đây đường xá đi lại khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nương rẫy, trồng củ mì. Nhưng từ được cán bộ phổ biến về mô hình chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ con giống, kinh tế của người dân đã thay đổi rất nhanh. 5 năm trước, làng hiếm lắm mới có được một căn nhà đổ bê tông chắc chắn, nhưng nay đa số người dân trong làng đã “lên” nhà mái thái, nhà gạch men ngói đỏ sáng choang”, già Thảo nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên, cho biết: Dự án cấp điện lưới quốc gia cho 3 làng xa nhất của xã Canh Liên, huyện Vân Canh, gồm: làng Cát, làng Chồm và làng Kà Bông) được đưa vào vận hành từ đầu tháng 2/2021, đã giúp cuộc sống của hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Ba Na nơi đây có những đổi thay tích cực. Cùng với đó, từ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và các cấp trong tỉnh, cơ sở hạ tầng về đường sá, trường học, nhà văn…hoá cũng đang được đầu tư xây dựng bài bản.

Bên cạnh việc tuyên truyền vận động bà con áp dụng các mô hình kinh tế mới để cải thiện kinh tế, chính quyền địa phương còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, truyền đạt các kỹ thuật chăn nuôi và trồng cây đến với người dân. "Hiện nay, từ các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vốn chính sách từ tỉnh và huyện..., xã đang quyết liệt triển khai các công trình, dự án dân sinh, các mô hình sinh kế cho người dân nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất mệnh danh “cổng trời” này”, ông Lợi chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.