Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khởi sắc ở vùng đồng bào Khmer

N.Tâm - 08:49, 01/05/2023

Ngày 10/1/2018, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về “Tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới”. Với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW, cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực.

Đồng bào Khmer đến chùa Thứ Năm (huyện An Biên - Kiên Giang) thực hiện nghi lễ cầu siêu nhân Tết cổ truyền Chôl Chăm Thmây 2023
Đồng bào Khmer đến chùa Thứ Năm (huyện An Biên - Kiên Giang) thực hiện nghi lễ cầu siêu nhân Tết cổ truyền Chôl Chăm Thmây 2023

Tập trung đầu tư cho vùng đồng bào Khmer

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) 53 DTTS do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2019, dân tộc Khmer có 1.319.652 người, với khoảng 330 nghìn hộ gia đình. Trước đó, năm 2009, dân tộc Khmer có 1.260.640 người; bình quân tăng dân số trong giai đoạn 2009 - 2019 là 0,46%/năm.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, với việc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư khóa VI về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tính đến năm 2018 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW) vẫn còn một bộ phận đồng bào Khmer thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; tái mù chữ có chiều hướng gia tăng. Kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, dân tộc Khmer có khoảng 302.664 hộ (hơn 1.393.547 người) thì số hộ nghèo chiếm 13,1%; 23,32% người Khmer không biết đọc, viết chữ phổ thông…

Để tập trung đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, ngày 10/1/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, các địa phương đã cân đối nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và tập trung triển khai các chương trình, dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Riêng tại Sóc Trăng - địa phương có đông đồng bào Khmer nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến năm 2020, với kinh phí đầu tư hơn 430,1 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 399 công trình hạ tầng; duy tu, bảo dưỡng 207 công trình. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 26.885 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở các xã, ấp, khóm đặc biệt khó khăn với kinh phí gần 491 tỷ đồng…

Còn tại Kiên Giang, triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW, tỉnh đã tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu, vùng xa. Từ nguồn vốn của các chương trình (giảm nghèo bền vững, chương trình 135…), tỉnh đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng 68 công trình gồm: cầu, đường giao thông; nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học…; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7.582 hộ đồng bào Khmer với kinh phí gần 9,9 tỷ đồng; nâng cấp mở rộng 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng…

Đồng bào Khmer gói bánh tét tại chùa mừng Tết cổ truyền Chôl Chăm Thmây 2023
Đồng bào Khmer gói bánh tét tại chùa mừng Tết cổ truyền Chôl Chăm Thmây 2023

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, vùng đồng bào Khmer đã có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về giảm nghèo. Tại Sóc Trăng, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn tỉnh giảm được 3.031 hộ nghèo người Khmer (giảm 3,01%) và giảm 1.353 hộ cận nghèo người Khmer (giảm 1,36%). Còn tại Kiên Giang, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm…

"Thời gian tới, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer cần tiếp tục được quan tâm thực hiện, trước mắt là triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Mặc dù Chương trình mới được triển khai gần 2 năm nhưng, nhiều dự án của Chương trình đã tạo “cú hích” để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của các địa phương trong khu vực”.

Lê Sơn HảiThứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, cùng với phát triển kinh tế, công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 5 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm: Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, Nghệ thuật sân khấu Rô Băm, Múa Rom Vong (hay múa lâm thôn) nhạc Ngũ Âm, Lễ hội đua ghe ngo); 47 di tích đã được xếp hạng (8 di tích cấp quốc gia và 39 di tích cấp tỉnh), trong đó có 10 di tích của dân tộc Khmer.

Còn theo ông Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang, từ khi Chỉ thị số 19-CT/TW được ban hành đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách, các chương trình, dự án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Khmer, từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Công tác chăm sóc sức khỏe được thực hiện tốt, đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục ổn định.

Bên cạnh đó, các vị sư, chức sắc các chùa và Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò hướng dẫn đồng bào Khmer sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Những kết quả trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định và phát triển của tỉnh Kiên Giang.

Cùng đánh giá và ghi nhận việc triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, trong những năm gần đây, diện mạo của vùng đồng bào Khmer ngày càng đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; trình độ dân trí được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; hệ thống chính trị trong vùng dân tộc Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đặc biệt, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải nhấn mạnh: “Thời gian tới, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer cần tiếp tục được quan tâm thực hiện, trước mắt là triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025. Mặc dù Chương trình mới được triển khai gần 2 năm, nhưng nhiều dự án của Chương trình đã tạo “cú hích” để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của các địa phương trong khu vực”.

Tin cùng chuyên mục