Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi sắc trên vùng biên A Vao

Mạnh Cường- Tiêu Dao - 15:15, 02/10/2023

Chúng tôi đến A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào một buổi chiều Thu. Bắt gặp ở đây một màu xanh bạt ngàn của những đồi sắn, chuối; những con đường bê tông phẳng phiu chạy đến từng thôn xóm... Sức sống mới đang hiển hiện trên vùng biên viễn vốn nhiều khó khăn cách trở ngày nào.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao tặng cờ Tổ quốc cho người dân vùng biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao tặng cờ Tổ quốc cho người dân vùng biên giới.

Đồng lòng phát triển vùng biên

A Vao là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị 70km. Toàn xã có 6 thôn với 741 hộ 3.496 khẩu; 98% dân cư là người Pa Cô; có 3 thôn giáp với nước bạn Lào. Cách đây hơn 5 năm, đường vào xã A Vao rất gập gềnh, khó đi, nhiều đoạn xe ô tô không thể di chuyển được. Vào mùa mưa bão, đường lầy lội, người dân muốn bán nông, lâm sản đều phải tự vận chuyển ra gần UBND xã. Việc này vừa tốn kém công vận chuyển của người dân, vừa bị các thương lái ép giá.

Từ khi tỉnh Quảng Trị triển khai việc huy động nguồn lực, vận động người dân đóng góp, tạo nên sự kết nối giao thông thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã và vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, A Vao từ đó cũng "thay da đổi thịt". 

Ông Hồ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã A Vao chia sẻ, nhờ sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ mà bà con vùng biên A Vao đã có đường giao thông đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, nông sản thuận lợi hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện nhiều.

Mô hình trồng chuối lùn tại thôn Pa Ling đã đẹm lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Pa Cô.
Mô hình trồng chuối lùn tại thôn Pa Ling đã đẹm lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào Pa Cô.

Xác định kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi là thế mạnh, các cấp chính quyền huyện Đăk Rông đã định hướng cho người dân đầu tư, mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền các chính sách của Ðảng và Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG 1719, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững… qua đó giúp người dân tích cực hưởng ứng, tham gia áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia các phong trào xóa đói, giảm nghèo. Đã có nhiều chương trình, đề án phát triển sản xuất được bà con tích cực triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Toàn xã hiện có diện tích trồng sắn hằng năm khoảng 85 ha, 74 ha rừng trồng và vùng trồng dứa tập trung khá lớn. Tổng đàn gia súc gần 4.300 con, đàn gia cầm trên 2.300 con. Việc phát triển kinh tế nông thôn được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ, kết hợp với nguồn lực từ các chương trình MTQG là bệ đỡ cho người dân vươn lên phát triển.

Trên đồi rừng trồng chuối và sắn (mì) của đồng bào Pa Cô vùng biên giới A Vao
Trên đồi rừng trồng chuối và sắn (mì) của đồng bào Pa Cô vùng biên giới A Vao

Đến nay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm của xã A Vao cơ bản hoàn thiện; đời sống, vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 16.400.000đồng/người/năm, tăng 4.400.000đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 5%; phong trào xây dựng nông thôn mới được duy trì; 6/6 thôn đều được UBND huyện ĐăkRông công nhận thôn văn hoá cấp huyện; 3 năm liền, Huyện uỷ đánh giá, xếp loại Đảng bộ xã A Vao “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Tiếp thêm động lực

Năm 2022, Đồn Biên phòng A Vao đã phối hợp với Đoàn xã A Vao triển khai mô hình trồng chuối lùn tại thôn Pa Ling. Mô hình được đơn vị hỗ trợ nguồn giống, với hơn 1.000 gốc được trồng thí điểm tại thôn Pa Ling. Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình “trồng chuối lùn” bước đầu đã mang lại năng suất, hiệu quả. Với hơn 1.000 gốc chuối ban đầu, nay đã có hơn 1.400 gốc trên diện tích gần 2 ha. Thành phẩm là những nải chuối to, sạch, đảm bảo chất lượng, được vận chuyển đến thành phố, thị xã để tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập cho bà con.

Những nải chuối to, đảm bảo chất lượng được vận chuyển về xuôi để tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Những nải chuối to, đảm bảo chất lượng được vận chuyển về xuôi để tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao hỗ trợ cây, con giống và xây sửa nhà cửa. Như trường hợp của bà Hồ Thị Lũy (40 tuổi, người Pa Cô ở thôn A Vao, xã A Vao) thuộc diện khó khăn, neo đơn. Bà sống trong căn nhà sàn xuống cấp có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao đã đến giúp bà sửa chữa lại nhà ở, xây hầm vệ sinh. Nhờ có bộ đội mà căn nhà của bà nay đã chắc chắn, không còn lo đổ sập khi mưa bão nữa.

Hay trường hợp của gia đình chị Hồ Thị Diệp (thôn A Vao, xã A Vao) đã vay vốn đầu tư sản xuất. Được sự giúp đỡ của cán bộ xã và Đồn Biên phòng A Vao, vợ chồng chị Diệp đầu tư 1 ha trồng chuối, 7 ha trồng tràm và cây bời lời. Hiện cây trồng đang phát triển tốt, cho thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Sau đó, chị trả nợ và tiếp tục vay vốn đầu tư mua bò, làm chuồng trại nuôi dê và heo nái. Đến nay đã có đàn bò 20 con, đàn heo nái 40 con, đàn dê 47 con. Thu nhập bình quân của gia đình đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.

Hội nghị giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa bản Ra Ró (xã A Vao, huyện Đăk Rông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và bản Ro Ró (Cụm II, huyện Sa Muội, tỉnh SaLaVan, Lào).
Hội nghị giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa bản Ra Ró (xã A Vao, huyện Đăk Rông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và bản Ro Ró (Cụm II, huyện Sa Muội, tỉnh SaLaVan, Lào).

Không chỉ hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng A Vao còn hỗ trợ người dân hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa nhằm thắt chặt tình đoàn kết. Vào ngày 11/8/2023 vừa qua, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức Hội nghị giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa bản Ra Ró (xã A Vao, huyện ĐăkRông) và bản Ro Ró (Cụm II, huyện Sa Muội, tỉnh SaLaVan, Lào). Hai bên đã đề xuất các chủ trương, giải pháp để thực hiện tốt hơn Chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; tiếp tục giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho Nhân dân; tăng cường phát huy sức mạnh của quần chúng Nhân dân, cùng nhau bảo vệ, quản lý, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giải quyết các vấn đề phát sinh, không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt của đồng bào hai bên biên giới Việt Nam – Lào.

Người dân Pa Cô và cán bộ, chiến sĩ biên phòng A Vao cùng chung sức phát triển cho vùng biên này.
Đồng bào Pa Cô và cán bộ, chiến sĩ biên phòng A Vao cùng chung sức phát triển vùng biên


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.