Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Chuyện về người giàu ở bản Tà Lao

Minh Thu - 11:39, 04/02/2020

Khi nhắc đến anh Lê Xuân Hải ở bản Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đăkrông (Quảng Trị), người dân trong bản đều tỏ lòng quý trọng và nể phục bởi tấm lòng thơm thảo, luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ người nghèo của anh. Gia đình anh Lê Xuân Hải cũng là một điển hình làm kinh tế giỏi để bà con trong vùng học tập, làm theo.

Từ phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia đình anh Lê Xuân Hải có điều kiện giúp đỡ các hộ khó khăn trong bản vươn lên thoát nghèo.
Từ phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia đình anh Lê Xuân Hải có điều kiện giúp đỡ các hộ khó khăn trong bản vươn lên thoát nghèo

“Mạnh thường quân” của bản

Từ TP. Đông Hà, chúng tôi ngược rừng lên Tà Lao, bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực III Tà Long, huyện Đăkrông. Không khó để hỏi thăm nhà anh Lê Xuân Hải, dân tộc Tà Ôi, bởi gia đình anh Hải thuộc diện có điều kiện kinh tế khá nhất bản. Nhưng trên hết, ai cũng biết anh Hải bởi anh là “mạnh thường quân” nức tiếng cả xã, cả huyện.

Chúng tôi gặp được anh Hải khi trời đã về chiều. Trong ngôi nhà sàn khang trang, ngoài chúng tôi còn có vài người hàng xóm sang chơi khi thấy anh Hải có khách dưới xuôi lên.

Anh Hồ Văn Rục, nhà đối diện nhà anh Hải dường như rất phấn khích khi biết chúng tôi là nhà báo. Anh bảo: “Hải nó tốt lắm, cần phải nêu gương để có thêm nhiều người tốt như nó nữa”. Cái lý của anh Rục cũng đơn giản. Lâu nay, gia đình anh cùng nhiều hộ khác ở Tà Lao vẫn thường xuyên được anh Hải giúp đỡ, chia sẻ những lúc khó khăn.

Anh Rục mãi không quên những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Năm đó mất mùa, cũng như bao gia đình khác ở bản Tà Lao, 7 miệng ăn trong gia đình anh chưa biết trông chờ vào đâu. Hải đã bảo vợ lấy 10 bao thóc (mỗi bao 45kg) mang sang tận nhà đưa cho anh Rục.

“Mình cũng ngại, nhưng Hải bảo cho mượn, khi nào có thì trả. Hải thuyết phục mãi nên mình nhận. Nhiều gia đình trong bản cũng được Hải giúp đỡ như vậy. Đó không chỉ là gạo mà là ân tình”, anh Rục nói.

Tiếp lời anh Rục, anh Hồ Văn Thăm, một người dân của bản Tà Lao cho biết thêm, không chỉ giúp đỡ bà con khi gặp khó khăn mà anh Hải còn tạo điều kiện giúp vốn cho các hộ nghèo phát triển kinh tế với việc chăn nuôi trâu, bò, dê. Như việc anh Hải giúp hộ anh Hồ Văn Môn vay 8 triệu đồng không lấy lãi và tư vấn kỹ thuật trồng cây keo.

Gia đình anh Môn vốn là hộ nghèo “bền vững” của bản nên việc anh Hải cho vay tiền cũng có ý kiến ra ý kiến vào. Nhưng anh Hải vẫn “quyết”. Với sự giúp đỡ tận tình của anh Hải, từ một hộ nghèo, nay gia đình anh Môn đã trở thành hộ khá của bản Tà Lao.

Hay mới đây thôi, tháng 5/2019, biết được hoàn cảnh khó khăn của 3 hộ gia đình neo đơn, không nơi nương tựa ở xã Đakrông, anh Hải đã quyết định hỗ trợ 7 triệu đồng để mua 60 tấm lợp phibro xi măng giúp họ dựng nhà mới.

Anh Lê Xuân Hải trao tặng tấm lợp cho bà Pi Lâm (bìa trái), ngụ xã Đakrông, huyện Đakrông (tháng 5/2019).
Anh Lê Xuân Hải trao tặng tấm lợp cho bà Pi Lâm (bìa trái), ngụ xã Đakrông, huyện Đakrông (tháng 5/2019)

Mình giàu thì mới giúp được người nghèo

Trong câu chuyện, chúng tôi cứ thắc mắc không biết anh Hải lấy đâu ra nhiều tiền để làm được “mạnh thường quân” như thế. Bởi anh đang là cán bộ Tư pháp xã-mà đồng lương của cán bộ xã thì chắc hẳn ai cũng biết là không hề nhiều.

Đem điều này “chất vấn” anh Hải, anh cười, rồi bảo: “Hải trồng rừng từ hồi chưa ai ở bản này biết trồng rừng. Rồi nuôi lợn, trâu, bò, cấy lúa nước… Thế nên gia đình có kinh tế thôi!”.

Anh Hải kể, những năm 1993 - 1994, anh cùng bố khai hoang đất ở dưới để trồng lúa nước, đào ao hồ cạnh đó để nuôi cá; làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò và dê theo hình thức thả rông. Vụ đầu, gia đình thu hoạch được hơn 1 tấn lúa từ 0,5ha ruộng nước, xuất bán lứa trâu, bò, dê đầu tiên thu được gần 1 tỷ đồng. Có vốn, gia đình anh đầu tư trồng 10ha rừng tràm; 5 năm sau, khai thác vụ đầu tiên, gia đình anh đã thu được hơn 3 tỷ đồng.

Chia tay anh Hải, rời Tà Lao, chúng tôi theo con đường bê tông từ bản ra trung tâm xã. Đem câu chuyện của anh Lê Xuân Hải trao đổi với ông Hồ Văn Diên, Chủ tịch UBND xã Tà Long, chúng tôi có thêm những thông tin đầy bất ngờ.

Ông Diên bảo, con đường nối từ trung tâm xã vào bản Tà Lao là do anh Hải trực tiếp xin chủ trương, kinh phí của xã, của huyện đấy. Thấy bà con trong thôn đi lại vất vả, giao thương khó khăn, anh đề xuất với lãnh đạo xã làm tờ trình đề nghị huyện bổ sung dự án làm đường vào Tà Lao.

Có con đường, việc đi lại, thông thương hàng hóa của bản Tà Lao với bên ngoài trở lên thuận tiện hơn trước. Chưa dừng ở đó, năm 2018, bằng nguồn kinh phí tự vận động, anh Hải và thanh niên bản Tà Lao đã làm được một cây cầu treo bằng gỗ bắc qua suối để tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của bà con trong bản.

“Tà Lao là bản đặc biệt khó khăn, cả bản có 89 hộ thì còn 45 hộ nghèo. Cũng như bản Tà Lao, giữa rừng Trường Sơn này vẫn còn nhiều bản làng khó khăn như vậy nên rất cần những tấm lòng thơm thảo như anh Lê Xuân Hải”, Chủ tịch UBND xã Tà Long nói trong cái bắt tay thật chặt khi chia tay chúng tôi. 


Tin cùng chuyên mục
Điều tra viên Rơ Mah H’De “ Đi từng ngõ, gõ từng nhà” điều tra, thu thập thông tin 53 DTTS ở xã biên giới

Điều tra viên Rơ Mah H’De “ Đi từng ngõ, gõ từng nhà” điều tra, thu thập thông tin 53 DTTS ở xã biên giới

Với sự am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào và địa bàn được phân công thực hiện điều tra, chị Rơ Mah H’De - Điều tra viên xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ, Gia Lai) đã phát huy tinh thần trách nhiệm, vận động bà con thực hiện cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, bảo đảm tiến độ, chất lượng cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế-xã hội 53 DTTS lần thứ 3, năm 2024.