Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chương trình 1719

Khởi sắc vùng DTTS Nghệ An nhìn từ hạ tầng cơ sở

An Yên - 14:46, 22/10/2024

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã dành nhiều tỷ đồng, đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng cơ sở vùng DTTS Nghệ An. Nhờ thế, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, đồng bào được thụ hưởng tốt hơn những lợi ích từ các dự án mang lại.

Anh Cụt Văn Chờ ở bản Na Nhù, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (ở giữa) kể về nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình MTQG 1719 giúp anh xây dựng được nhà ở chắc chắn
Anh Cụt Văn Chờ ở bản Na Nhù, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (ở giữa) kể về nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 giúp anh xây dựng được nhà ở chắc chắn

Hàng trăm dự án được đầu tư

Thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, tại Nghệ An, tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương đã giao từ năm 2022 đến năm 2024 là hơn 1.923 tỷ đồng; đến nay giải ngân hơn 1.294 tỷ đồng, đạt 67,3% kế hoạch.

Qua tổng hợp từ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương hỗ trợ đã được cân đối để thực hiện hỗ trợ đất ở đối với 31 hộ, hỗ trợ nhà ở đối với 580 hộ, hỗ trợ đất sản xuất đối với 725 hộ; đầu tư xây dựng 497 dự án, công trình gồm: 4 dự án định canh định cư, 171 công trình giao thông nông thôn, 96 công trình giáo dục và đào tạo, 57 công trình nước sinh hoạt tập trung, 2 trung tâm y tế huyện và 15 trạm y tế xã, 21 công trình thủy lợi, 3 công trình điện, 116 công trình thiết chế văn hóa, 2 đài phát thanh, 10 chợ nông thôn.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các địa phương cũng đã tập trung phân bổ, triển khai theo danh mục các dự án đã được phê duyệt.

Nhìn từ huyện Kỳ Sơn, trong rất nhiều những dự án được đầu tư, thì việc đầu tư nhiều tuyến đường giao thông quan trọng sau khi được triển khai, đã góp phần xóa thế bế tắc của những vùng đất, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội rất lớn cho người dân vùng miền núi. Điển hình như dự án xây dựng đường giao thông từ bản La Ngan, xã Chiêu Lưu đến bản Hín Pèn, xã Bảo Nam; xây dựng đường giao thông từ ngã ba xã Huồi Tụ -Keng Đu đến xã Na Loi; xây dựng công trình đường giao thông từ bản Huồi Phong, xã Mường Ải đến khu tái định cư Vàng Pao, xã Mường Típ; xây dựng đường giao thông từ bản Kẹo Lực 1, xã Phà Đánh đi bản Xốp Thạng, xã Hữu Lập…

Trường mầm non thị trấn Tân Lạc đang gấp rút hoàn thiện
Trường mầm non thị trấn Tân Lạc đang gấp rút hoàn thiện

Còn ở huyện Quỳ Châu, nhiều dự án hạ tầng cơ sở như trường học, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, nhà văn hóa, chợ… cũng đang gấp rút được thi công. Cuối tháng 8/2024 khi chúng tôi đi thực tế tại các bản làng ở huyện, thì hầu hết các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện; như trường mầm non Châu Tiến, hội trường UBND xã Châu Thắng, chợ xã Châu Hạnh, trường mầm non Châu Hội, các hạng mục thuộc trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Quỳ Châu…

Ở thời điểm hiện tại, khắp các bản làng miền Tây xứ Nghệ như một đại công trường, ngổn ngang những công trình đang thi công dang dở. Hiện nay, nguồn vốn kéo dài, nguồn vốn chuyển tiếp từ các năm trước đang được các địa phương bố trí, gấp rút chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện. Nguyên nhân là do giai đoạn 1 của chương trình MTQG 1719 sắp kết thúc, vì thế, những nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện kế hoạch là rất cần thiết.

Người dân là đối tượng được hưởng lợi lớn

Chúng tôi đã đi qua nhiều bản làng nơi miền Tây xứ Nghệ, gặp gỡ nhiều con người trên vùng đất ấy, đâu đâu cũng cảm nhận được niềm phấn khởi lớn lao khi trước những công trình, những dự án đang được triển khai nơi vùng đất họ sinh sống.

Ông Sầm Văn Bằng, người dân bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) hồ hởi: Bà con bản Hoa Tiến chúng tôi rất vui mừng vì cây cầu bắc qua sông Hạt được xây dựng hiện đại, kiên cố giúp người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa giao thương được mở rộng đến các vùng miền và đặc biệt không còn cảnh thấp thỏm, lo sợ khi qua điểm tràn sông Hạt vào mùa mưa lũ như trước đây.

Khắp các bản làng miền biên viễn, những mái mới xinh tươi vừa mọc lên. Đó là những căn nhà được dựng lên để người dân yên tâm định cư, đó là những phòng học khang trang vừa mới hoàn thiện đáp ứng nhu cầu dạy và học, đó là những nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản vừa đưa vào sử dụng…

Anh Cụt Văn Chờ ở bản Na Nhù, xã Tà Cạ huyện Kỳ Sơn vừa từ rẫy về, áo quần hãy còn lấm lem nhưng mắt thì lấp lánh khi nói về căn nhà mới của mình. Anh Chờ bảo: Được cấp trên hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình rất vui. Giờ thì rất yên tâm mỗi khi mưa gió rồi. Hai vợ chồng đang bàn nhau cố gắng làm ăn mong thoát cái nghèo, đuổi cái khổ đi.

Cầu Châu Kim, huyện Quế Phong nối quốc lộ 48 vào các bản làng vùng tả ngạn sẽ giúp bà con dễ dàng thông thương khi có mưa lũ
Cầu Châu Kim, huyện Quế Phong nối Quốc lộ 48 vào các bản làng vùng tả ngạn sẽ giúp bà con dễ dàng thông thương khi có mưa lũ

Rảo bước trên những cung đường mới được dựng xây trên miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi cũng vui lây, mang một niềm khấp khởi như chính cư dân sinh sống nơi ấy. Không vui sao được, khi những cung đường mới mở, đưa vào sử dụng sẽ góp phần xóa thế bế tắc, ngõ cụt của vùng đất; để từ đó mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng đất giàu tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn, vất vả.

Xin được dẫn lời Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền để kết thúc bài viết này, như thêm một lần nữa khẳng định cho hiệu quả của những dự án được đầu tư trên địa bàn, từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG 1719: Bộ mặt bản làng đổi thay hơn trước rất nhiều nhờ những đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Trong những đổi thay ấy, thì đổi thay từ cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp… sẽ là những tác động không nhỏ để người dân vùng miền núi phấn chấn, tiếp thêm niềm tin yêu vào cuộc sống. Từ những đầu tư của hạ tầng cơ sở, chất lượng dịch vụ cuộc sống người dân được nâng lên rất nhiều.

Rồi cũng chính lời ông Hiền nhấn mạnh thêm, để bảo đảm tiến độ các dự án và chất lượng công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn, huyện tiếp tục giám sát, chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản; chỉ đạo đơn vị chuyên môn chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án, khảo sát, thiết kế, công tác đấu thầu, chỉ định thầu bảo đảm công khai, minh bạch; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tích cực vận động người dân đồng thuận chủ trương, thực hiện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của Nhân dân…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.