Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế: Nghịch lý trồng rừng nhưng lại phá rừng tự nhiên (Bài 1)

Khánh Thi - CĐ - 11:35, 28/10/2021

Yêu cầu gắn công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được đặt ra từ lâu. Nhưng vì lợi ích kinh tế, không ít địa phương sẵn sàng đánh đổi, đặt cược tính mạng, tài sản của người dân trước những cơn thịnh nộ của tự nhiên. Những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong thời gian qua róng riết lên hồi chuông khẩn thiết, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

 Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng) làm mất 257ha rừng, phải bồi thường thiệt hại gần 19 tỷ đồng. (Ảnh TL)
Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng) làm mất 257ha rừng, phải bồi thường thiệt hại gần 19 tỷ đồng. (Ảnh TL)

Ở một số tỉnh miền núi, chỉ tiêu trồng rừng luôn được tô điểm bằng những con số hấp dẫn, nhưng lại cấp phép cho những đại dự án triển khai ở ngay lõi rừng. Nếu nghịch lý này không chấm dứt thì sẽ tiếp tục xảy ra những sự cố thiên tai khó lường trước, hậu quả còn tiếp tục nặng nề.

Càng trồng càng mất!

Cuối tháng 4/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát động Chương trình trồng mới 50 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025; mục tiêu của tỉnh là nâng độ che phủ lên trên 55%. Trước đó, trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai chiến dịch trồng rừng mỗi năm, có năm trồng đến 18.600 ha.

Ấy thế nhưng, diện tích rừng của Lâm Đồng lại có xu hướng giảm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận, tổng diện tích rừng tại tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2009 – 2019 giảm từ 602.000 ha xuống còn 539.400 ha. Còn tính giai đoạn 2010 – 2020, độ che phủ của rừng ở tỉnh Lâm Đồng giảm từ 61% xuống còn khoảng 54%.

Một trong những nguyên nhân khiến một diện tích rừng rất lớn của Lâm Đồng bị “khai tử” là do triển khai các dự án phát triển kinh tế. Chưa nói đến những dự án đem lại hiệu quả thực thì có hàng trăm dự án được cấp phép chỉ để… phá rừng!.

Báo cáo số 104/BC-SNN ngày 26/4/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng có nêu, từ năm 2005 đến nay, Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi 200 dự án quản lý 31.760 ha rừng trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân thu hồi chủ yếu là do rừng bị phá, lấn chiếm trái phép,…

Nhưng biện pháp xử lý hậu quả làm mất rừng cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Trong 200 dự án sử dụng đất rừng bị thu hồi thì có 128 dự án phải bồi thường thiệt hại do để mất tới 1.959 ha rừng; sau khi tính toán, Sở Tài chính tỉnh này “chốt” số tiền phải bồi thường là gần 336 tỉ đồng.

Gần đây nhất là “siêu dự án” khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng Đại Ninh (trên địa bàn huyện Đức Trọng), có tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Dự án này được cơ quan chức năng xác định làm mất 257ha đất rừng, nhưng cũng chỉ phải thực hiện đền bù gần 19 tỷ đồng.

Cũng theo báo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 488 dự án với 473 doanh nghiệp có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Sau khi hàng trăm dự án bị thu hồi nêu trên, toàn tỉnh hiện còn 324 dự án với 309 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất, thuê rừng để đầu tư phát triển dự án với tổng diện tích 52.859 ha.

Phải cạo trọc đồi núi để xây một trụ điện gió ở miền Tây Quảng Trị.
Phải cạo trọc đồi núi để xây một trụ điện gió ở miền Tây Quảng Trị.

Hệ lụy khó lường

Nằm ở cao nguyên nhưng những năm gần đây, Lâm Đồng thường xuyên xảy ra ngập lụt. Gần đây nhất, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 8 đến rạng sáng 9/7/2021 đã gây ngập úng trên diện rộng tại TP. Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương,..

Đợt lũ lịch sử này gây thiệt hại nặng về hoa màu, hệ thống giao thông, hệ thống điện và ngập lụt hàng trăm nhà ở của người dân ở Lâm Đồng. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã phải ban hành thông báo khẩn cấp gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Lâm Đồng để ứng phó.

Trước đó, năm 2020, tỉnh này xảy ra 17 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 18 đợt lốc xoáy, 4 vụ sét đánh, 1 đợt sương muối, 4 vụ sạt lở đất. Thiên tai đã làm 5 người chết, 3 người bị thương, 208 căn nhà bị thiệt hại. Thiên tai cũng khiến 477ha hoa màu, 456ha cây lâu năm, 12 con gia súc, 38ha nhà kính và nhà lưới bị hư hỏng.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lâm Đồng, cũng trong năm 2020, một số điểm trường, trụ sở cơ quan nhà nước của tỉnh cũng bị hư hỏng do thiên tai gây nên. Nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông, bờ sông suối, ta luy đường… bị sạt lở, hư hỏng; tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.

Mối liên hệ giữa thiên tai và tình trạng mất rừng tự nhiên cần được UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận, đánh giá cụ thể. Bởi cần nhìn ra Quảng Trị, một địa phương cũng đang như “ngồi trên đống lửa” trước nguy cơ gia tăng thiên tai từ các dự án điện gió đã và đang được triển khai ở khu vực miền núi của tỉnh này.

Theo thống kê, khu vực miền núi Quảng Trị gồm các huyện Hướng Hóa, Đakrông có đến 31 dự án điện gió đang đồng loạt thi công, với tổng công suất 1.177MW. Để triển khai dự án, nhà đầu tư đã huy động nhân lực, máy móc san đường, bạt núi… Để triển khia các dự án điện gió, hàng tram ha rừng đã bị “khai tử”; chỉ riêng dự án nhà máy điện gió Tân Hợp (huyện Hướng Hóa) đã có hơn 10ha rừng phải thu hồi.

Nguy cơ sạt lở đất ở địa bàn triển khai dự án điện gió luôn thường trực.
Nguy cơ sạt lở đất ở địa bàn triển khai dự án điện gió luôn thường trực.

Chia sẻ với báo chí, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho hay, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá, nhận diện, khoanh vùng trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại địa bàn 13 thôn, bản, khối phố/7 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Riêng ở huyện Hướng Hóa, trong tổng số có 12 xã, thị trấn có công trình điện gió đang triển khai thi công thì có 1 thôn và 7 xã với 147/670 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng các dự án điện gió.

“Sở đã xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai, đưa ra phương án sơ tán, di dời các hộ dân nói trên", ông Hòe cho biết.

Tại Hội nghị PCTT, sạt lở đất ở khu vực miền núi vào cuối tháng 8/2021, tỉnh Quảng Trị đã dành nhiều thời gian đánh giá tác động của các dự án điện gió. Đồng thời mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đã yêu cầu yêu cầu UBND tỉnh tập trung rà soát, khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, đánh giá tổng thể tác động môi trường của các dự án điện gió. Điều này cho thấy, nguy cơ gia tăng thiên tai từ các dự án điện gió là rất đáng lo ngại, được tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, đánh giá thực tế.

Không chỉ riêng Lâm Đồng, Quảng Trị mà các địa phương miền núi, có rừng cũng cần nghiêm túc đánh giá lại sự cần thiết khi cấp phép cho các dự án phát triển kinh tế liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Bởi thực tế, mất rừng và suy kiệt tài nguyên rừng đang là một trong 8 nguy cơ về môi trường đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế cần được các địa phương quán triệt. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 30 xã, thị trấn nằm trong diện nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, chủ yếu ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Tỉnh này cũng có 27 xã, thị trấn đang đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, đất đá. Trong khi đó, hầu hết các dự án điện gió đều nằm trên núi cao, dễ xảy ra sạt lở, đe dọa cuộc sống của người dân.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.