Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hàng chục bản làng của đồng bào DTTS ở Quảng Trị đang đối diện với hiểm nguy vì điện gió

Nguyễn Thanh (CĐ) - 12:16, 10/10/2021

Báo Dân tộc và Phát triển đã có nhiều bài viết cảnh báo những tác động xấu của các dự án điện gió ở Quảng Trị. Nay, hệ lụy ấy đã thành hiện thực, khi dưới chân những trụ điện gió là các bản làng, là công trình dân sinh đang đối mặt với nỗi lo bị sạt lở. Hiện tỉnh Quảng Trị đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân từ các dự án năng lượng này.

Nguy cơ sạt lở cao từ các dự án điện gió
Nguy cơ sạt lở cao từ các dự án điện gió

Bất an…

Những ngọn núi đang thay hình đổi dạng, những cánh rừng đã mất đi nhanh chóng khi vùng miền núi Quảng Trị gồm, các huyện Hướng Hóa, Đakrông có đến 31 dự án điện gió đang đồng loạt thi công. Theo báo cáo, 31 dự án điện gió có tổng công suất 1.177MW. Để triển khai dự án, nhà đầu tư đã huy động nhân lực, máy móc san đường, bạt núi. Cả vùng núi rộng lớn phía Tây tỉnh này, biến thành đại công trường, ầm ào xe máy gầm rú ngày đêm.

Dưới những ngọn núi được đào, xẻ để thi công dự án năng lượng sạch, là bao bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số đang đối mặt với nỗi lo sạt lở. Hiện tại, các công trình phụ trợ như, đường công vụ vận chuyển thiết bị máy móc, nhà đầu tư thực hiện mở đường, bạt taluy dương, đắp nền đường tạo taluy âm... xuất hiện nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc, thanh thải đất đá gây thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước.

Đặc biệt, trong quá trình thi công dựng các trụ tuabin điện gió phải bạt đồi, đào đắp một khối lượng đất lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, thay đổi địa hình. Không ít trụ điện gió và các công trình phụ trợ được xây dựng trên cao, bên dưới là khu dân cư. Quá trình xây dựng tạo ra các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao, gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy, có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét bồi lấp đất sản xuất, gây hư hỏng các công trình dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận, nguy cơ sạt lở tại nhiều tuyến đường, taluy, bãi thải... của các dự án điện gió là hiện hữu.

Trước thực tế này, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức khoanh vùng trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại địa bàn 13 thôn, bản, khối phố thuộc 7 xã, thị trấn của hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Ước tính, có khoảng 150 hộ, với khoảng 700 nhân khẩu bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa cho biết: Địa phương cũng có 2 trụ điện gió thu hồi đất làm dự án. Nguy cơ sạt lở là có, địa phương đã có văn bản đề nghị huyện yêu cầu đơn vị thi công cần sớm có phương án gia cố các điểm đào đất, đắp đất… khi mùa mưa bão đang đến gần.

Một số dự án điện gió đang tiến hành trồng lại cây thay thế
Một số dự án điện gió đang tiến hành trồng lại cây thay thế

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại các xã có dự án điện gió như Tân Long, Hướng Tân, Hướng Phùng, Húc…, người dân và chính quyền địa phương cho rằng, tỉnh Quảng Trị cần có đánh giá một cách khoa học về những nguy cơ của các dự án điện gió đang xây dựng, để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ sắp đến. Một người dân xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa nói: Nhớ lại các đợt mưa lũ, sạt lở năm ngoái mà rùng mình. Chúng tôi cảm thấy rất bất an, mong cấp trên quan tâm để có các giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân.

Khẩn cấp chống sạt lở

Mới đây, tại Hội nghị phòng, chống thiên tai, sạt lở đất ở khu vực miền núi vào cuối tháng 8/2021, tỉnh Quảng Trị cũng đã dành nhiều thời lượng, để đánh giá tác động của các dự án điện gió. Từ đó càng khẳng định thêm rằng, nguy cơ sạt lở từ các dự án điện gió ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, đến các công trình dân sinh là rất đáng lo ngại.

Hiện tại, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã kịp thời chỉ đạo các chủ đầu tư cần phải có các giải pháp cụ thể, nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thất về người và tài sản. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng vị trí thi công; thực hiện đúng cam kết về thời gian bàn giao diện tích đất sử dụng tạm thời; triển khai nhanh phương án trồng rừng, trong đó ưu tiên những diện tích đất trống, đồi trọc, những địa điểm xung yếu. Việc trồng rừng, cần chú trọng thực hiện trồng các loại cây bản địa có sản phẩm lâm nghiệp để tạo sinh kế bền vững, quan tâm tạo việc làm, tích cực hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn.

Tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị, các đơn vị thi công xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chống sạt lở đất của các dự án điện gió; xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão, có giải pháp bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án điện gió.

Những vách núi bị san ủi thi công điện gió đang được xây dựng kè chống sạt lở
Những vách núi bị san ủi thi công điện gió đang được xây dựng kè chống sạt lở

Ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị  cho hay: trước nguy cơ sạt lở đất từ các điện gió, cần hạ thấp các bãi thải có nguy cơ sạt trượt, lu lèn bảo đảm độ chặt trước khi tiếp tục đổ thải; khơi thông các lòng sông, suối bị bồi lấp do việc thanh thải trong quá trình thi công, tránh nguy cơ lũ quét cho vùng hạ du; lắp hệ thống camera theo dõi tại các vị trí bãi thãi có nguy cơ sạt trượt cao, ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư để có phương án theo dõi, giám sát từ xa nhằm xử lý kịp thời khi có dấu hiệu xảy ra sự cố.

Về lâu dài, ông Hòe nhấn mạnh: Cần phải rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án điện gió. Đồng thời, xây dựng phương án di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt đối với vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng từ các dự án điện gió...

"Tất cả các chủ đầu tư dự án điện gió, phải thực hiện nghiêm đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường từng dự án, đồng thời sẽ xử lý các chủ đầu tư không thực hiện yêu cầu trên", ông  Võ Văn Hưng, Chủ tịch tỉnh cũng đã nhấn mạnh chỉ đạo này nhiều lần.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, các chủ đầu tư nên thực hiện thêm các giải pháp phi công trình như trồng cây xanh kèm rải lưới dưới gốc cây để giữ đất; kè bê tông, trồng cỏ để phủ xanh diện tích đất nhằm hoàn thổ, trả lại hiện trạng mặt bằng như trước khi thực hiện dự án.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.