Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chống diễn biến hòa bình

Không đâu bằng quê hương: Viễn cảnh sau “làn mây mù” (Bài 2)

PV - 10:45, 14/08/2020

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân khi tuyên truyền về cái gọi là “Nhà nước Mông”, kẻ xấu đã vẽ ra “bức tranh vô thực” về một nơi nào đó con người “không làm cũng có ăn”, ở đó “bông lúa to như đuôi trâu”, “hạt thóc to như hạt ngô”, người không cần học cũng được bố trí làm cán bộ...

Anh Tráng A C tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
Anh Tráng A C tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Tỉnh mộng vẫn chưa muộn

Anh Tráng A C ở bản 6 Vành, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, Lào Cai nhấp ngụm trà xanh, mắt hướng ra cánh rừng quế trước mặt đang vào kỳ khép tán, rồi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian mù quáng của mình.

Đó là năm 2007, vợ chồng anh C nghe một số người rủ “về xuôi” tìm một nơi “đất rộng bao la, muốn canh tác bao nhiêu có bấy nhiêu, đất tốt đến nỗi chỉ cần trồng cây không cần chăm bón”. Anh C quyết định bán toàn bộ đất sản xuất và nhà ở để lấy 20 triệu đồng rồi đưa cả gia đình gồm 7 người di cư về “miền đất trong mơ”. Đi cùng gia đình anh C còn có nhiều hộ người Mông khác từ các địa phương trong tỉnh, tất cả đều được hướng dẫn đi liền trong 3 ngày, 3 đêm bằng xe ô tô. Xe đông khách đến nỗi nhà xe phải tháo các hàng ghế để nhồi nhét thêm người, “chuyến đi bão táp” ấy khiến một số người già, trẻ nhỏ vì quá mệt mà đổ bệnh, niềm háo hức của họ bắt đầu phai dần.

Miền đất hứa của kẻ xấu nói chính là một nơi tại tỉnh Đăk Nông. Khi tới đây, anh C không có đất sản xuất, phải mượn một mảnh nhỏ để canh tác. Số tiền bán đất tại quê hương chỉ đủ để gia đình trang trải chi phí trên đường đi và đảm bảo cuộc sống trong thời gian ngắn, khó khăn cứ thế nối tiếp nhau.

Cũng cách đây khoảng hơn chục năm, anh Cư Seo P. ở thôn Tòng Già, thị trấn nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng từng lầm đường khi theo đối tượng xấu di cư sang nước Lào. Hoặc trường hợp như anh Giàng Seo H ở bản 5 Thâu, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên cũng trở thành nạn nhân của trò lừa bịp, dụ dỗ khi bán hết tài sản để tìm đến miền đất hứa ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Hoàn cảnh chung của những người trót tin lời kẻ xấu là đều có cuộc sống khó khăn. Khi tỉnh mộng, họ bắt đầu nghĩ đến con đường trở về.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng Seo D ở bản 6 Vành, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên đúng dịp gia đình đang hoàn thiện ngôi nhà mới. Tròn 10 năm trở về từ miền đất hứa, anh D đã có thể xây ngôi nhà khang trang, to đẹp và vững chãi. Anh D cười tươi bảo: “Đất do chính quyền cấp, còn việc xây nhà được anh em trong thôn đến giúp, mình vui lắm!”.

Khi nhớ lại những tháng ngày rời bỏ quê hương vì kẻ xấu dụ dỗ, dấu ấn thời gian khó khăn ấy vẫn ám ảnh trong tâm trí anh D “ Ở nơi mới, vì không có giấy tờ tùy thân, con tôi phải học lại từ lớp 1, gia đình cũng không được vay vốn đầu tư sản xuất và làm nhà ở. Vợ chồng tôi phải làm quần quật cả năm mà vẫn đói. Suy nghĩ kỹ, tôi quyết định trở về quê hương để các con tiếp tục được đi học, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và gia đình được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Giờ có cho tiền tỷ, tôi cũng không đi đâu cả” - anh D trải lòng.

Tương tự, anh Giàng Seo H ở bản 5 Thâu, xã Xuân Thượng, sau nhiều đêm thức trắng nghĩ về tương lai của các con khi đến tuổi đi học, về tuổi già của bố mẹ nơi đất khách, anh quyết định đưa gia đình trở về quê cũ. Khi trở về, gia đình anh được sự đùm bọc, yêu thương của người thân, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương nên nhanh chóng ổn định cuộc sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế…

Nỗ lực đấu tranh với cái xấu

9 năm đã trôi qua nhưng với Trung tá Thào Páo, Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh vẫn nhớ như in khoảnh khắc gặp lại đồng bào mình tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Khi ấy, anh Páo được giao nhiệm vụ đến huyện Mường Nhé vận động và đón đồng bào đang bị kẻ xấu lôi kéo, tụ tập về đây để thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”. Anh Páo bảo, gặp lại đồng bào mình tại Mường Nhé, anh không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến cuộc sống đói khổ, lay lắt của bà con.

Theo tài liệu của cơ quan chức năng, tại Lào Cai, từ năm 2006 đến năm 2013, một số tổ chức phản động đã ráo riết thực hiện hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và kêu gọi thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”. Để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, Công an tỉnh Lào Cai và công an một số tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu các nhóm, tổ chức đang có âm mưu hoạt động vũ trang chống chính quyền Nhân dân. Với bản lĩnh vững vàng, sự mưu trí và dũng cảm, Công an tỉnh Lào Cai đã lật tẩy nhiều âm mưu của kẻ xấu, đấu tranh, bóc gỡ, ngăn chặn, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”. 

Tiêu biểu như việc thành lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng người Mông từ nước ngoài lợi dụng danh nghĩa du lịch nhập cảnh vào địa bàn Lào Cai để tuyên truyền, hậu thuẫn cho các đối tượng hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”; vụ đấu tranh với đối tượng Cư Seo Sáng, Hạng Seo Pùa ở thôn Tòng Già, thị trấn nông trường Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) lôi kéo đồng bào sang Lào tham gia hoạt động phỉ; vụ các đối tượng ở Sa Pa và các đối tượng ở tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên trốn sang Lào tham gia “bộ đội Mông” dưới sự hậu thuẫn tài chính của một số tổ chức phản động tại Mỹ; vụ đấu tranh với các đối tượng ở các tỉnh Đắk Nông, Điện Biên đến Lào Cai mở lớp dạy võ thuật cho một số thanh niên với âm mưu phục vụ hoạt động “Nhà nước Mông”...

Công an tỉnh Lào Cai còn phát hiện và bóc gỡ hàng loạt nhóm hoạt động thành lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật chứa nội dung tuyên truyền phản động, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vu khống chính quyền, bóp méo, xuyên tạc lịch sử.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Công an tỉnh Lào Cai).

Bài 3: Ðường về rộng mở

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Thời gian qua, người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Plei Kần, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) liên tiếp chịu cảnh nước dâng ngập hoa màu, đất đai sạt lở. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Việc chậm trễ này đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.