Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Không hẹn ở Xín Mần...

Thanh Hải - 20:52, 12/09/2023

Một chợ phiên đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, một cao nguyên Suối Thầu hoang sơ và hấp dẫn, những ngôi nhà tường trình chất chứa bao giọt mồ hôi mặn chát ngày vợ cùng chồng cõng đá, nhào đất… Chúng tôi đã không hẹn mà gặp ở Xín Mần (Hà Giang) những hình ảnh như thế và còn hơn thế.

Những khúc cua trên hành trình vào Xín Mần
Những khúc cua trên hành trình vào Xín Mần

Có gì ở Xín Mần

Xín Mần với những dãy núi như trải dài, bất tận. Mở mắt ra đã thấy núi, điệp trùng đến không ngừng. Người Mông, Tày, Nùng, Dao… ở Xín Mần làm nhà trên núi, sản xuất trên núi, sinh sống trên núi. Con người nương tựa vào núi để sinh tồn như thế suốt bao năm qua. Thượng tá, Trưởng công an huyện Xín Mần Bùi Đình Tiến ví von: Nếu đứng trên đỉnh núi ở Cốc Pài, ném quả bóng thì chẳng biết sẽ lăn đến đâu. 

Xín Mần độ này, lúa đang thì con gái, mơn mởn giữa đại ngàn. Chúng tôi đã đi qua biết bao rẫy lúa, ruộng lúa bậc thang nhấp nhô, trải dài theo triền núi. Còn ngô, hễ có vùng đất thuận lợi, hạt cũng được người dân trỉa xuống; qua nắng gió, sương sa mà nảy mầm, vươn mình.

Đến vùng đất biên viễn đúng ngày Chủ nhật, du khách sẽ được hoà mình vào không khí nhộn nhịp của chợ phiên ở thị trấn Cốc Pài. Này nhé, khi sương núi còn giăng giăng, trên khắp các ngả đường đổ về Cốc Pài đã rộn rã những bước chân. Những bà mẹ địu rau, ngô, bí, dưa… từ rẫy xuống. Những ông bố chở theo mấy trẻ nhỏ, không quên kèm chặt phía trước con lợn mươi cân. Đấy còn là ớt, rau rừng, gừng, nghệ, mèn mén, thảo quả, mác khẻn… bày bán khắp các dãy phố.

Sắc màu chợ phiên Cốc Pài
Sắc màu chợ phiên Cốc Pài

Những sản vật ấy, không chỉ là những tảo tần, khó nhọc của vùng đất biên thùy; mà hơn hết là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Ngày phiên xuống chợ, là đủ trang phục sặc sỡ của đồng bào Mông, Tày, Nùng, Dao… Ấy là sắc áo xanh của người Nùng từ Thèn Phàng, Chí Cà, Tả Nhìu, Cốc Rế; sắc áo đen của người Dao ở Xín Mần; còn người Mông xuống chợ với sắc màu lộng lẫy nhất, ngập tràn màu đỏ, màu hồng. Ði trong chợ phiên, cứ ngỡ như đang đi trong cảnh sinh hoạt của ngày hội văn hóa đa sắc tộc. Vừa cá tính và độc đáo; vừa sum vầy và ấm áp; vừa cuốn hút và mời gọi…

Mấy chị bạn ở Thanh tra Bộ Công an cùng trong chuyến công tác lên Xín Mần xuýt xoa: đẹp quá, thích quá. Và rồi, đáp lại những biểu cảm ấy, họ đã khuân về thành thị nào măng, ớt, dưa, chanh, mác khẻn, thảo quả… khiến cho chuyến xe ngày hôm sau trở ra không còn là cảm nhận mà hơn thế là đủ đầy những sản vật núi rừng.

Chúng tôi cũng đã có những khoảnh khắc khó quên ở cao nguyên Suối Thầu nằm cách thị trấn Cốc Pài 5km. Mùa thu, sắc vàng của nắng ấm cùng những làn gió mát dịu trườn qua bao thung lũng đổ về, khiến du khách mê đắm. Trong gió, tôi nghe như có tiếng khèn Mông dìu dặt và tiếng sáo La Chí réo rắt gọi bạn tình.

Sức hút hấp dẫn của cao nguyên Suối Thầu
Sức hút hấp dẫn của cao nguyên Suối Thầu

Còn mây, cứ từng đợt, từng đợt sà xuống, rồi lướt qua. Có lúc, cả Suối Thầu chìm trong mây, nhưng rồi lại nắng ửng liền ngay đó thôi. Từ trên cao nguyên Suối Thầu nhìn xuống, dòng sông Chảy nhỏ như sợi chỉ chảy ngoằn ngoèo giữa những dãy núi cao vời vợi.

Trước khi đến Suối Thầu, chúng tôi đã rất thích thú khi ngắm nhìn những ngôi nhà tường trình ở xã Nàn La. Những ngôi nhà được đắp bằng đất với bức tường dày chừng 30-40cm trông rất vững chãi. Màu thời gian hiện rõ không chỉ qua từng tấm Fibro xi măng hay cọng lá lợp mái mà còn hiện hình ngay trên mỗi bức tường đất bạc thếch. Giàng Seo Sử, chủ nhân một ngôi nhà tường trình nằm sát bên con đường bê tông dẫn đến Suối Thầu kể: vợ chồng ta làm cả thôi. Đất được lấy từ núi mà, rồi nhào nặn nhiều ngày để xây đó. Nhà tường trình là nét văn hóa của dân tộc ta đó.

Trên con đường đổ vào Cốc Pài, tôi mường tượng đến lời anh bạn thời đại học, nay là phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Giang, đã từng nói trong đêm rượu mèn mén hôm trước: Sẽ đi qua bãi đá cổ, thác tiên đèo gió đấy. Đẹp lắm, tranh thủ mà ghé nhé. Ông ở Xín Mần lâu chút, còn có cơ hội đi di tích lịch sử Nàn Ma, suối khoáng Nậm Choong, cửa khẩu Xín Mần…

Bãi đá Nấm Dẫn với vô số những tảng đá kì thú, hằn sâu dấu vết thời gian
Bãi đá Nấm Dẫn với vô số những tảng đá kì thú, hằn sâu dấu vết thời gian

Quần thể văn hóa đá cổ Nấm Dẫn gắn liền với đời sống văn hóa của người Nùng. Đó là tám phiến đá lớn có nhiều hình khắc cổ, nằm rải rác trên diện tích 8ha. Ngay như ở phiến đá lớn hình mai rùa, các nhà khoa học đã phát hiện 79 hình vẽ, trong đó có 40 hình tròn, hai hình chữ nhật, một hình vuông, sáu hình hồi văn, năm hình biểu tượng sinh thực khí phụ nữ, hai hình bàn chân người... Nét khắc chìm thô sơ trực tiếp vào bề mặt đá có niên đại hơn một nghìn năm.

Những điểm trừ

Ở một huyện vùng cao biên giới như thế, Xín Mần rõ ràng là rất giàu tiềm năng và lợi thế để “hái tiền” từ du lịch trải nghiệm. Nhưng, đường đến Xín Mần còn là cả vấn đề lớn khiến không ít du khách “một lần đi không trở lại”. “Xín Mần” theo tiếng Hán có nghĩa là “Cửa mở”. Nhưng, đường giao thông thì “chưa mở” tí nào. Chỉ mỗi 90km từ Quang Bình vào Cốc Pài đã ê ẩm cả người sau non một buổi ngồi xe thì mấy ai còn hứng thú cho những cảnh đẹp mời gọi phía trước. Trên Tỉnh lộ 178, hàng chục km đường đầy ổ voi và lởm chởm đất đá khiến cho hành trình vào Xín Mần thêm dài hơn.

Vào Xín Mần còn có con đường từ Hoàng Su Phì, nhưng nghe nói con đường ấy cũng đã rất khó đi. Còn nếu đi từ Bắc Hà (Lào Cai) sang Xín Mần, và muốn đi tiếp các địa danh ở Hà Giang như Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên… thì chắc chắn phải đi trên con đường “khổ ải” mà chúng tôi đã từng đi.

Những thửa ruộng bậc thang ở Xín Mần
Những thửa ruộng bậc thang ở Xín Mần

Lại nói về Suối Thầu. Đã có một con đường bê tông đủ một làn xe, vừa được đầu tư. Ngoại trừ điều ấy thì ở Suối Thầu gần như “chưa có gì”. Ở đây, phải hiểu là thiếu nhà chờ, vị trí tạm trú mưa, nắng, hay các khu dịch vụ hỗ trợ khác. Cả một cao nguyên Suối Thầu mênh mông nắng, gió, núi, mây… nhưng chỉ vài cái kiốt, quán lèo tèo cho du khách thuê đồ chụp ảnh. Thành ra, chúng tôi vẫn cảm giác như đang thiêu thiếu một điều gì.

Nhiều người cũng đã nức nở khi đề cập đến đèo gió. Nhưng, chính con đường khó nhọc trên hành trình đã khiến đèo mây lãng mạn “mất điểm”. Nói thế là bởi, khách trên xe cứ mãi lắc lư qua từng ổ voi với nền đường lởm chởm, thành ra quên mất cái lãng mạn, hấp dẫn của đèo mây lúc nào. Ngay bản thân chúng tôi, cũng đi ngang đèo mây đầy vô tình đó thôi.

Trong xu thế phát triển hiện nay, những ngôi nhà tường trình đang dần biến mất theo thời gian. Một giải pháp tổng thể để bảo vệ nhà tường trình gắn với du lịch mang tính dài hơi cũng cần phải được làm quyết liệt. Muốn vậy, phải có kinh phí để hỗ trợ người dân tu sửa, làm mới, hay bảo vệ và phục dựng… Còn chợ phiên, hãy nâng tầm lên để chợ Cốc Pài có một nét riêng của vùng đất ấy, không thể trộn lẫn. Nên chăng, chính quyền Xín Mần cần tư duy để có một biển chỉ dẫn “chợ phiên Cốc Pài”; trong đó có đủ thông tin về ngày họp, đặc sắc văn hóa và sản vật… của phiên chợ.

Tác giả bên ngôi nhà tường trình ở Nàn La, gần cao nguyên Suối Thầu
Tác giả bên ngôi nhà tường trình ở Nàn La, gần cao nguyên Suối Thầu

Điều đặc biệt là những địa điểm du lịch ở Xín Mần vẫn còn hoang sơ, bình dị và khung cảnh thiên nhiên yên bình, hùng vĩ. Cũng bởi hoang sơ nên dường như chưa có sự đầu tư nào đáng kể. Hãy hướng dẫn người dân để họ cùng làm du lịch thông qua hướng dẫn viên, mở các homestay, mở nhà hàng phục vụ ăn uống và bán hàng lưu niệm, đặc sản tại khu du lịch… quy củ hơn.

Xín Mần nằm trong cung đường phát triển du lịch phía Tây của tỉnh Hà Giang, nối với huyện Hoàng Su Phì và Quang Bình. Huyện có vị trí đắc địa, tiếp giáp với tỉnh Lào Cai, dễ dàng trong việc kết nối tuor, tuyến và phát triển du lịch với điểm du lịch Sa Pa. Riêng cao nguyên Suối Thầu đã là địa điểm “check in” cực kỳ lý tưởng đối với tất cả những du khách thích trải nghiệm. Vậy thì, nên chăng, Xín Mần hãy làm du lịch bằng tiềm năng ở cao nguyên Suối Thầu và xem đó là điểm nhấn quan trọng nhất. Mà muốn vậy, ngay từ bây giờ, hãy khắc phục ngay các “điểm trừ” về giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, hay đơn giản hơn là chỗ đỗ xe, quay đầu xe trên cao nguyên Suối Thầu.

Tin cùng chuyên mục
“Hạt giống đỏ” ở bản làng La Hủ

“Hạt giống đỏ” ở bản làng La Hủ

Ẩn mình dưới những tán rừng tại khu vực biên giới tỉnh Lai Châu là bản làng của người La Hủ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, bản làng của bà con La Hủ nơi đây đã có những nét đổi thay, đời sống của đồng bào đã được cải thiện. Kết quả này là nhờ có những người con của bản làng được ví là những “hạt giống đỏ” ở vùng đất biên giới này.