Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chống diễn biến hòa bình

Không thể phủ nhận bản chất, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám đối với lịch sử dân tộc

PV - 15:05, 19/08/2023

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từ đây chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Cuộc cách mạng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Thành quả và ý nghĩa đó là sự thật hiển nhiên của lịch sử. Tuy nhiên, hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch, phản động lại giở chiêu viết lại lịch sử, bóp méo sự thật, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc.

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Một trong những chiêu trò mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và các đối tượng chống đối trong và ngoài nước thường sử dụng để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là phủ nhận ý nghĩa, giá trị của những thành quả, thắng lợi, nhất là các thắng lợi có ý nghĩa lịch sử mà các quốc gia ấy đã giành được. Đối với cách mạng Việt Nam, những kẻ cố tình không nhìn ra thành quả, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám lập luận rằng, đó không phải là thành quả có được dưới sự lãnh đạo của Đảng mà là “một sự ăn may”!

Họ biện minh, vào đầu năm 1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945, Nhật đã hất cẳng Pháp và khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Họ cho rằng, khi xuất hiện “khoảng trống quyền lực” thì không chỉ với Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, cách mạng cứ nổ ra là giành thắng lợi, không cần ai phải “dày công lãnh đạo”.

Từ cách nhìn phiến diện và đơn giản ấy, họ cho rằng Cách mạng tháng Tám của Việt Nam thành công “là một sự ăn may” và phủ nhận vai trò của Đảng, phủ nhận quá trình chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở, khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa của cách mạng Việt Nam.

Các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong và đối tượng chống đối xuyên tạc rằng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng. Thậm chí, họ còn xuyên tạc lịch sử rằng “dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu là do Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra”. Thậm chí, có kẻ còn trắng trợn “kết tội” rằng, thành quả Cách mạng tháng Tám nhanh chóng rơi vào tay Đảng Cộng sản và đây là nguyên nhân khiến dân tộc Việt Nam rơi vào “thảm họa” chiến tranh, đất nước bị tàn phá, dân tộc phân ly và ngày nay tiếp tục tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Đồng thời suy diễn, nếu không đi theo con đường cách mạng vô sản, Việt Nam vẫn có độc lập mà tránh được chiến tranh, đi theo con đường của nước tư bản phát triển tới phồn vinh (!)...

Những luận điệu sai trái, bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử nói trên của các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong và đối tượng chống đối hòng hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ thấp, coi nhẹ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận vai trò và giá trị thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Việc phủ nhận thành quả, tầm vóc, ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám còn gây tâm lý mơ hồ, hoài nghi trong xã hội, nhất là trong giới trẻ để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngăn trở hòa hợp dân tộc, đẩy một bộ phận nhân dân xa rời Đảng, Nhà nước, hướng lái dân tộc Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa… Do đó, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác để tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Thực tiễn lịch sử ngày càng minh chứng giá trị, ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đối với toàn thể dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi, tạo ra cơ hội “nghìn năm có một” thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cách mạng tháng Tám thành công là minh chứng khẳng định, Đảng ta đã nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể đất nước, tình thế cách mạng để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lựa chọn phương pháp cách mạng phù hợp. Từ những nguyên nhân làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám, các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định rõ rằng: Cách mạng tháng Tám thành công hoàn toàn không phải là "một sự ăn may" mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả có ý nghĩa trọng đại đó.

Lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã chứng minh, để Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi trong mùa thu lịch sử năm 1945, bằng nghệ thuật lãnh đạo sáng suốt, tài tình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng trải qua quãng thời gian 15 năm gian khổ với 3 cao trào cách mạng vô cùng cam go, khốc liệt, đó là: Cao trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 – 1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 – 1945). Ngay từ năm 1939, Đảng ta đã chuẩn bị cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8/1945 đã tạo ra “thời cơ vàng” để dân tộc Việt Nam đứng lên thực hiện một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Đó là thời điểm mà quân Nhật đã thất bại và tuyên bố đầu hàng đồng minh vào ngày 15/8/1945. Trong thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”.

Người nhấn mạnh “Đây là một thời cơ quý và hiếm, nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”. Giá trị lịch sử và thời đại vô cùng to lớn của Cách mạng tháng Tám cũng có ý nghĩa to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn là ngọn cờ đầu của các dân tộc, thuộc địa bị áp bức đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành quả của sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không quản ngại hy sinh, mất mát của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chính xác về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng căn cứ địa cách mạng; về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa. Đó là kết tinh sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta.

Thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách mạng tháng Tám càng lan tỏa. Trách nhiệm của những người Việt Nam yêu nước trước hết là hiểu đúng, nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng tháng Tám. Mặt khác, mỗi người dân phải luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác, nhận rõ những âm mưu và hành động thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo, nhất là trên không gian mạng.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Kon Tum: Dân “khổ” vì thủy điện

Thời gian qua, người dân sinh sống, sản xuất quanh khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Psi 6, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà và lòng hồ thủy điện Plei Kần, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) liên tiếp chịu cảnh nước dâng ngập hoa màu, đất đai sạt lở. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Việc chậm trễ này đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.