Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Săn sóng” học online mùa dịch

Hồng Phúc - 12:06, 13/04/2020

Điều kiện kết nối mạng internet tại nhiều địa phương miền núi, vùng cao còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến việc học online của nhiều sinh viên DTTS trong mùa dịch Covid - 19. Để theo kịp chương trình, nhiều em đã dựng lán trên đồi, thậm chí ở những nơi cheo leo nhất để “hứng sóng” học online.

Lầu Mí Xá dựng lán bên ven đường để có sóng học online
Lầu Mí Xá dựng lán bên ven đường để có sóng học online

Nhìn hình ảnh cậu sinh viên người Mông chăm chú học bài trong cái lán cheo leo bên vệ đường giữa sương mù bao phủ ai đi ngang qua cũng xúc động và khâm phục tinh thần học tập của em. Em là Lầu Mí Xá, sinh năm 1999, ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xá hiện là sinh viên của lớp Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia (Hà Nội).

Gia đình Lầu Mí Xá thuộc diện hộ nghèo của xã Sủng Trái, nhưng chưa bao giờ Xá nguôi ước mơ được học đại học. Với bao nỗ lực, Xá đã đỗ Học viện Hành chính Quốc gia, đăng ký ngành Quản lý công.

Xá chia sẻ rằng, ước mơ của em là học xong để về địa phương góp sức nhỏ bé để xây dựng quê hương phát triển. 

Do dịch bệnh Covid – 19 bùng phát nên cũng như các sinh viên khác, Lầu Mí Xá phải ở nhà, học online qua mạng internet. Nhưng điểm internet duy nhất của thôn hiện đang trở thành khu cách ly tập trung, còn cột sóng gần nhất cách nhà 20 km.

Không chịu "bó tay", Lầu Mí Xá quyết đi “săn sóng” trên những ngọn núi cao sau nhà. Nhưng sóng cũng chập chờn, kết nối bị ngắt quãng khiến việc học online của Xá rất khó khăn.

“Tình cờ, mình bắt được 4G khi qua đoạn đường liên thôn, do đó mình quyết định dựng lán để học. Mình thấy vẫn còn may mắn lắm”, Xá chia sẻ.

Căn lán của Xá rộng 15m2, làm từ 12 thanh gỗ, trên phủ bạt, nằm cheo leo bên vệ đường liên thôn trở thành “lớp học” của Lầu Mí Xá, nơi có thể giúp cậu kết nối với các bạn và tham gia học trực tuyến để không bị ngắt quãng học kỳ của mình. Xá sử dụng 2 chiếc điện thoại, một chiếc để bắt 4G rồi chia sẻ kết nối mạng sang chiếc còn lại để học bài.

Cũng như Lầu Mí Xá, gần một tuần qua, hai bạn học sinh người Vân Kiều là Hồ Thị Tăm và Hồ Thị Sương (lớp 12, Trường THPT Đakrông, Quảng Trị) học trực tuyến trong căn lều do cha mẹ dựng lên trên đỉnh đồi. Lều của Tăm và Sương khá đơn sơ, chỉ gồm mấy cây keo tràm, cây tre làm cột và tấm bạt nilông phủ lên.

E Hồ Thị Sương và Hồ Thị Tăm học trực tuyến trong căn lều dựng trên đồi vì ở bản không có sóng 4G
E Hồ Thị Sương và Hồ Thị Tăm học trực tuyến trong căn lều dựng trên đồi vì ở bản không có sóng 4G

Bàn học của hai em ban đầu tận dụng chiếc loa hỏng và một khúc cây được đặt miếng ván gỗ lên. Học được hai ngày thì sim 4G...hết tiền. Cả hai phải nghỉ học một buổi, lên rẫy làm thuê kiếm tiền mua sim khác.

Không chỉ có những trường hợp trên, khắp nơi trên cả nước, hàng nghìn học sinh miền núi cũng đang miệt mài cố gắng học tập thực hiện ước mơ, thay đổi cuộc sống. Khó khăn đủ đường cho học trò vùng cao trong giáo dục là câu chuyện mà chúng ta vẫn thường đề cập. Với các em, ăn no cái bụng, có đủ sách vở, đường không trơn trượt để đến trường đã là một mong ước lớn lao.

Thế nhưng, thật đáng mừng vì ý chí vươn lên của các em vẫn rất mạnh mẽ, dù gian nan đủ đường nhưng các em vẫn tìm cách khắc phục chứ không bỏ cuộc trong hành trình theo đuổi con chữ. Trong mùa dịch, các em là gam màu tươi sáng giúp chúng ta lạc quan hơn vào cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.