Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Kì tích ở những huyện 30a nơi biên viễn...

Thanh Hải - 09:12, 10/12/2020

Không ai nghĩ những huyện nghèo 30a ở Nghệ An sẽ bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) từ đâu; càng không dám nghĩ đến ngày sẽ có đơn vị đạt chuẩn danh hiệu ấy. Nhưng, đồng bào các DTTS nơi đây đã viết nên kì tích trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Phía sau danh hiệu là cuộc sống mới no ấm, đủ đầy, văn minh ở các bản làng vùng cao.


Một góc xã NTM Tam Đình, huyện Tương Dương
Một góc xã NTM Tam Đình, huyện Tương Dương

Những ngày đầu gian khó

10 năm trước, những địa phương như: Kì Sơn, Tương Dương, Quế Phong… (Nghệ An) mỗi khi nhắc đến đã khiến nhiều người ái ngại. Mang tiếng là quốc lộ nhưng đường chật, nền lởm chởm đất đá và bụi cuốn mù mịt; rồi đèo cao, dốc ngặt… Đến trung tâm các huyện đã vậy, đường về các xã còn ngán gấp bội phần. Thời điểm 10 năm trước, đường giao thông được rải nhựa từ trung tâm huyện về các xã còn là điều “trong mơ”. Cán bộ huyện nơi đây, một thời từng “ái ngại” đi công tác về các bản làng, bởi hầu hết chỉ là con đường mòn chạy vắt qua những ngọn núi mà mùa mưa trở thành “tứ tắc”.

Rồi các công trình cơ sở hạ tầng, “nhếch nhác” và thiếu thốn trăm bề. Nhiều địa phương, đến cái trụ sở làm việc, cái nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng… cũng “thiếu trước hụt sau”. Thậm chí ở nhiều bản làng, mỗi khi tổ chức hội họp, phải mượn tạm nhà dân làm địa điểm.

Giữa cảnh “đường chưa ra đường, nhà chưa ra nhà” ấy, dẫu không nói thì cũng hình dung được cuộc sống người dân nơi đây đang ở mức nào. Một thập kỉ trước, tỉ lệ hộ nghèo các huyện 30a của Nghệ An cao khủng khiếp. “Đội sổ” trong số này, là huyện rẻo cao Kì Sơn, với hơn 80%, tiếp đó là Tương Dương hơn 71% và Quế Phong khoảng 60%. Nghèo đói thường đi liền với lạc hậu, nhận thức hạn chế.

Đường giao thông nội bản ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong được đổ bê tông sạch đẹp
Đường giao thông nội bản ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong được đổ bê tông sạch đẹp

Để phá vỡ “bức tường thành” về nhận thức, suy nghĩ của đồng bào; làm cho mọi người hiểu, rồi tin theo chủ trương xây dựng NTM là điều không hề dễ, không thể thực hiện ngay. Làm sao để “vén bức màn” ấy, “kéo” đồng bào vào công cuộc xây dựng NTM quả là câu hỏi rất khó.

Giữ chức Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn từ năm 2013, hẳn ông Vi Hòe rất “thấm” câu chuyện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân thế nào. Ông Hòe trải lòng: Việc tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia xây dựng NTM trong những ngày đầu rất khó khăn. Bởi cái khó nhất là làm sao để dân hiểu, dân tin và bắt tay cùng thực hiện.

Nhưng “mưa dầm thấm lâu”, bằng rất nhiều cách khác nhau, bà con đã hiểu, rồi tin vào chủ trương lớn. Và, không ai bảo ai, mọi người đã xắn tay vào công cuộc xây dựng NTM chỉ với một suy nghĩ giản đơn rằng, sẽ làm cho cuộc sống của gia đình, bản làng thêm no ấm, văn minh.

Mô hình chăn nuôi bền vững ở xã NTM Tam Quang, huyện Tương Dương
Mô hình chăn nuôi bền vững ở xã NTM Tam Quang, huyện Tương Dương

Một cuộc “cách mạng” trên các bản làng vùng cao Nghệ An thực sự bắt đầu. Đi đâu, đến đâu cũng chỉ nghe bàn chuyện xây dựng NTM như thế nào, làm cách nào… Người có tiền góp tiền, người có đất hiến đất, người không có điều kiện thì góp công… khí thế hồ hởi ấy khiến cho rất nhiều người đã không thể ở ngoài cuộc. Và tôi đã không bất ngờ trước danh sách ngày càng dài thêm của những người dân bản Thái ở Quế Phong đã hồ hởi hiến đất mở đường, hiến đất xây trường... 

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cười rõ tươi: Khi bà con đã ưng cái bụng thì mọi việc rất dễ. Bởi, chúng tôi xác định người dân là chủ thể của phong trào, được đóng góp ý kiến, tự luận bàn và quyết định thực hiện.

Đổi thay nơi miền biên viễn

So với vùng đồng bằng, huyện nghèo 30a bắt tay xây dựng NTM khó khăn gấp trăm lần. Nhiều địa phương nơi đây “xắn tay” xây dựng NTM từ điểm xuất phát quá thấp, khi mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Chúng tôi đã dành thời gian đi, lắng nghe, cảm nhận và thấy rằng, cách bà con “vươn” đến đích NTM là cả một nỗ lực khó để đo đếm.

Hãy nhìn từ Thạch Giám, xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện 30a Tương Dương, sẽ thấy rõ những chồng chất khó khăn đến mức nào. Thạch Giám bắt tay xây dựng NTM khi mà hàng chục xã thuộc 3 huyện 30a là Kì Sơn, Tương Dương, Quế Phong chưa có xã nào về đích. Thiếu ví dụ để rút kinh nghiệm, thiếu mô hình để học tập… nhưng bà con bản Thái ở Thạch Giám vẫn viết nên kì tích khi là xã đầu tiên của các huyện 30a về đích NTM năm 2017. 

Mô hình sản xuất rau sạch ở xã NTM Hữu Kiệm, huyện Kì Sơn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương
Mô hình sản xuất rau sạch ở xã NTM Hữu Kiệm, huyện Kì Sơn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương

Ông Vi Văn Líp, người dân bản Chắn, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương tự hào: Chúng tôi xây dựng bản NTM trước, trên cơ sở chọn những tiêu chí dễ làm trước, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Chúng tôi nhận thấy, sự đoàn kết, đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng Nhân dân là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng NTM thành công.

Hiện, trên địa bàn các huyện 30a đã có 7 xã đạt chuẩn NTM; các xã chưa đạt chuẩn NTM cũng đã nâng từ 2-5 tiêu chí. Đó là kì tích của sự chung sức, đồng lòng sau một thập kỉ nỗ lực vượt khó. Đặc biệt, các tiêu chí khó như giao thông, thu nhập, việc làm… đã được cải thiện đáng kể.

10 năm xây dựng NTM, đã góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn miền núi. Những trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học được dựng lên khang trang, sạch đẹp, lấp lóa sau những màu xanh ngút ngát của cây rừng. Những con đường được rải nhựa phẳng lì đã khiến cho quãng đường đến các bản làng trở nên gần hơn. Rồi điện thắp sáng, internet… cũng đã được kéo về tận bản. 10 năm trước, đường vào trung tâm xã, xe ô tô còn phải “đánh vật” cả ngày, thì nay chỉ phải mất một thời gian ngắn.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ ở Tương Dương
Nuôi cá lồng trên lòng hồ ở Tương Dương

Nhưng, điều thực sự phấn khởi hơn, là đời sống của bà con dân bản đã khấm khá, đổi thay rất nhanh. Nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá lồng, trồng cây dược liệu… xuất hiện cho thu nhập khá và ổn định. 

Xin được dẫn chứng một số số liệu sau 10 năm xây dựng NTM ở huyện 30a nghèo nhất xứ Nghệ - Kì Sơn, để khẳng định cho điều vừa nói: hơn 90% nhà văn hóa được kiên cố, thu nhập bình quân đã nâng từ 10 triệu đến gần 21 triệu/người/năm, 100% lao động trong độ tuổi có việc làm, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 80% xuống còn gần 51%, 18/20 xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo, hơn 92% người dân tham gia bảo hiểm y tế, hệ thống đường từ trung tâm huyện đến các xã cơ bản được nhựa hóa và cứng hóa…

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư huyện ủy Tương Dương chia sẻ chắc nịch rằng, về đích NTM chỉ mới là kết quả ban đầu, đang còn nhiều phần việc cần tập trung để xây dựng xã đạt chuẩn các tiêu chí một cách bền vững. Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài không có đích, không được chủ quan. Huyện sẽ tiếp tục tập trung cao các nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tới, quan tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí để đạt hiệu quả bền vững.


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.