Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Giấc mơ tre...

Phạm Việt Thắng - 20:12, 07/12/2020

Châu Khê, Con Cuông (Nghệ An)- “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” ấy vẫn ngút ngàn tre xanh. Tre trên rừng, tre trong vườn… đâu đâu cũng một màu xanh của tre. Tre với người quanh năm vất vả. Tre từng cùng ta đánh giặc, tre cùng ta ruộng đồng – “cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc”. Nay, tre lại cùng ta xoá nghèo, tre cùng ta làm giàu, và tre cùng ta sống xanh…

Gian hàng tre của Công ty TNHH Trà Lân tại Hội chợ Công thương Bắc Trung bộ - 2020
Gian hàng tre của Công ty TNHH Trà Lân tại Hội chợ Công thương Bắc Trung bộ - 2020

Hồn tre

Tại Hội chợ Công thương vùng Bắc Trung bộ - 2020, diễn ra từ ngày 3/12, có một gian hàng mà sản phẩm được làm từ cây tre thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Hai nhân viên bán hàng, kiêm giới thiệu sản phẩm cũng chính là những người thợ đã tạo ra các sản phẩm ấy. Những bình trà, cốc chén, khay nước, hộp tăm… thật gần gũi, thân thiện. Với chất giọng Con Cuông đặc sệt, Dũng, hướng dẫn viên không chuyên, rất mộc mạc: Bình trà, bình hoa được làm từ gốc tre, li, chén được làm từ thân, còn những cán gáo múc rượu kia được làm từ tay tre (cành). Cây tre gần như được chúng tôi sử dụng hết, chỉ trừ mỗi lá. À mà quên, lá được dùng để nhen lửa, luộc tre…

Chị Hà, ở phường Hưng Bình, TP.Vinh đã không ngần ngại “quyết” luôn bộ bình trà với giá 1.200.000 đồng. Chị nói với mọi người, bình trà này còn nguyên bộ rễ trên nắp, thú vị quá. Chắc chắn ông xã tôi sẽ ưng ý. Đoạn chị “tâm tình”, con gái tôi thường nói với bố mẹ về sống xanh, nó cổ vũ cả nhà phải sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hôm nay thấy bộ bình trà này, tôi ưng liền.

Lời của chị Hà đã thôi thúc tôi vượt hơn 200 km, lên ngay Con Cuông, gặp bằng được chàng trai trẻ miền sơn cước mê tre-Thái Đăng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trà Lân. Mới hay, để thực hiện được giấc mơ tre, Tiến đã phải lăn lộn đủ nghề, thất bại không biết bao nhiêu mà kể. Xong phổ thông, Tiến khăn gói đi học trung cấp nghề cơ khí. Học cơ khí, nhưng Tiến  ấp ủ một ngày được cắt gọt thân tre thay vì mùi khét và ánh lửa hàn của sắt thép. Những gốc tre với hình thù quái dị, những vòng tiện ngọt ngào, mùi tre thoang thoảng thơm cứ chập chờn trong giấc ngủ của Tiến. Lại nữa, hình ảnh cha mẹ và bà con nai lưng đốn cả rừng tre mà giá bán chẳng đáng là bao, càng thôi thúc Tiến gắn bó với cây tre.

Nhưng, tiền đâu?

“Học xong trung cấp nghề, em chọn đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền làm vốn”, Tiến tâm sự. Không như mong đợi, hai năm làm việc ở Đài Loan không mang lại cho Tiến được bao nhiêu. Bù lại chàng trai ấy đã học được cung cách làm việc, nhất là kỷ luật lao động và cả lối sống thân thiện, trách nhiệm với môi trường của họ. Nhìn đồ vật trong gia đình của người Đài Loan thân thiện với môi trường, Tiến lại càng háo hức ngày về với tre, mét quê nhà.

Thái Đăng Tiến gới thiệu về sản phẩm tre của công ty
Thái Đăng Tiến gới thiệu về sản phẩm tre của công ty

Ngày trở về, Tiến bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi về nghề mỹ nghệ. Vừa sửa chữa xe máy, vừa dành thời gian thiết kế mẫu mã sản phẩm. Thỉnh thoảng, cậu lại đóng cửa hàng đi các tỉnh phía Bắc để học nghề. “Ai cũng nghĩ em lười, đóng cửa đi chơi, cho đến khi máy móc được chuyển về thì mới được “giải oan”, Tiến cười hiền lành.

Những người thợ đặc biệt

Xưởng mỹ nghệ của Tiến nằm ở thôn Khe Choăng, xã Châu Khê. Lúc cao điểm xưởng thu hút 15 lao động, còn bình thường thì có 7 thợ lành nghề. Tiến cho biết: “Nghề này tỉ mẩn lắm, phải có đam mê, có tâm hồn mới làm được”. Và, để làm ra một sản phẩm từ tre quả không hề đơn giản. Xử lí nguyên liệu là khâu kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Tre mua về phải luộc với muối trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Mục đích của việc này là diệt khuẩn và triệt tiêu lượng đường trong cây tre để chống mối mọt. Sau khi vệ sinh lại phải sấy khô. Tiếp đến là tạo hình sản phẩm. Rồi lại tiếp tục sấy khô, làm sao để độ ẩm của sản phẩm giảm về 5%.

 Trước khi sấy lần hai, phải vệ sinh phần trong của sản phẩm. Tiến cho biết, đây là bí quyết mà không ở đâu dạy cả, ai cũng giấu nghề. “Em đã thất bại không biết bao nhiêu lần, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho công đoạn này. Cuối cùng thì đã tìm ra kỹ thuật sử dụng áp lực hơi để phun cát làm sạch sản phẩm”,Tiến hớn hở nói.

Điều làm Tiến vui hơn cả là, người phụ trách công đoạn làm sạch ấy là em Lương Văn Bằng. Nhà Bằng ở bản Bãi Gạo, từ nhỏ em đã không lành lặn về trí tuệ, không giao tiếp với người ngoài. Tiến đã đón em về, bày vẽ tỉ mẩn từng tí một. Nay Bằng đã chịu mở lời, dù còn rất hạn chế. Và cậu ấy đã thành thạo với kỹ thuật phun cát bằng áp lực hơi. “Cháu đã có việc làm, có tiền giúp bố mẹ, cháu vui lắm”, Bằng chậm rãi từng tiếng.

Trong khi đó, một buổi làm việc của Nguyễn Văn Hùng bắt đầu bằng việc xếp đặt đôi nạng gỗ ngay ngắn, làm sao cho thuận lợi nhất khi đứng lên. Gốc tre quay tít khi Hùng bật công tắc máy. Đôi bàn tay điệu nghệ của Hùng dí chặt mũi dao theo từng vòng quay của máy. Một chiếc bình hoa đã thành hình. Mất đi một bên chân trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cộng với việc hiếm muộn con cái, Hùng cứ muốn chết quách cho xong. 

Hùng tâm sự: “Từ ngày về với Tiến, em đã tìm lại được chính mình. Trước em học văn hoá nghệ thuật, nay được Tiến chỉ dạy tận tình, em tha hồ mà sáng tạo, vừa có việc làm, vừa thoả đam mê, không mong gì hơn nữa”. Hùng cũng mách nhỏ, Tiến hứa tới đây sẽ cho vợ em vào làm công ty luôn, vợ chồng được gần nhau, chúng em lại có thêm niềm vui mới.

Nguyễn Văn Hùng, đang tạo hình cho sản phẩm
Nguyễn Văn Hùng đang tạo hình cho sản phẩm

Và chú Trọng, một con người hết sức đặc biệt. Chú suốt ngày lang thang, lầm lì, ai thuê gì làm nấy, trả tiền cũng được, cho cơm ăn cũng xong. Tội nghiệp cho chú quá, Tiến đã hết sức kiên trì để dạy chú từng mũi khoan, đường tiện. Có việc, có tiền, không còn phải lang thang nữa, chú Trọng rất vui.

Tôi hỏi về dự định tiếp theo, Hùng hồ hởi: Hiện em đang xúc tiến để thành lập Hợp tác xã tre, đã có gần 10 thành viên đăng ký tham gia. Phải thành lập HTX, thì bà con mới có kỹ thuật trồng và thu hoạch tre đúng cách, bảo vệ tốt môi trường. Ví như, hiện công ty em đang thu mua tre cao hơn giá thị trường 5000 đồng/ cây. Ngoài ra, bà con có thể khai thác gốc tre, cành tre để bán tiếp cho công ty, tính ra giá cả cũng kha khá. Nếu thành lập HTX, ngoài việc bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, chắc chắn thu nhập từ cây tre của bà con cũng sẽ tăng lên.

“Em vững tin, một ngày không xa, các sản phẩm từ tre của miền Trà Lân sẽ có mặt khắp mọi miền và nhiều quốc gia”, Tiến rất tự tin!

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.