Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kịch bản nào sau những cuộc giải cứu nông sản “từ thiện”?

Hồng Phúc - 11:47, 08/03/2021

Những ngày qua, người dân trên mọi miền đất nước đều hướng về Hải Dương – nơi tâm dịch của đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 với nhiều hành động thiết thực giải cứu nông sản cho nông dân. Nhưng đã hơn một năm sống chung với dịch, Hải Dương cũng không phải địa phương duy nhất bị phong toả, mà nông sản Việt vẫn “long đong”, không biết đi về đâu?

Một cuộc giải cứu nông sản mùa Covid-19
Một cuộc giải cứu nông sản mùa Covid-19

Giải cứu hoặc vứt bỏ 

Là vùng cung cấp nguồn rau, củ, quả trọng điểm của Hà Nội, nhiều ruộng cà chua, củ cải ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đang bị vứt đỏ đầy đồng vì giá quá rẻ. Đại diện Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) cho biết, tổng diện tích dư thừa vào khoảng 30 - 50ha, sản lượng khoảng 100 tấn cà chua, 200 tấn củ cải.

1000 đồng 3 kg cà chua, người dân ở thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) không buồn hái, vứt đỏ ruộng. Trên cánh đồng rau củ quả tại nhiều địa phương, nông dân ngấn lệ, ngán ngẩm đào bỏ rau, củ, quả ế ẩm mang về làm thức ăn cho gia súc hoặc phơi khô đốt cháy chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trong khi đó, nhiều địa phương lại phong toả, ngăn cấm khiến tiêu thụ, nhất là hàng xuất khẩu càng khó, như câu chuyện Hải Phòng với Hải Dương hồi cuối tháng 2, “chính ta tự hại ta”, bởi nông sản có tính thời vụ rất cao, toàn hàng ngắn ngày nhưng khi ùn ứ thì nhiều bộ ngành, địa phương cứ “công văn lên xuống, qua lại”.

Vậy nên, những cuộc giải cứu vừa qua dù phần nào hiệu quả, nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế. Khi nông sản đồng loạt “khóc ròng”, dù có muốn nhưng chúng ta cũng không thể đủ sức giải cứu được mãi. Dịch Covid -19 đã xuất hiện hơn một năm, nhưng nông sản vẫn chưa hề có kịch bản dài hơi.

Theo quy luật cung cầu, khủng hoảng thừa trong sản xuất, kinh doanh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không chỉ tại dịch Covid-19, một số sản phẩm năm nào đến mùa thu hoạch cũng lâm vào khủng hoảng thừa như dưa hấu, thanh long, cà phê…rồi lại phải hô hào cộng đồng “giải cứu”, còn nông dân thì lặp đi lặp lại chu trình “chặt - trồng”, “trồng - chặt” như ở nước ta, thì lại là điều bất thường. Dịch Covid-19 chỉ như cú đấm bồi cho hiện trạng nông sản vốn đang có những bất cập.

TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, việc dịch Covid-19 dẫn tới nhiều mặt hàng nông sản bị ùn ứ, phải kêu gọi "giải cứu" lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tổ chức lại sản xuất và phân phối, mở rộng thị trường.

Khi nào mới bền vững?

Theo thống kê, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 41,3 tỷ USD, thị trường Trung Quốc chiếm 27,8%. Do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, hàng loạt cửa khẩu phải đóng cửa, khiến thị trường tiêu thụ nông sản của người Việt chao đảo. Thế nên, việc đa dạng hóa thị trường là bước đi sống còn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong và sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, cũng cần phải tập trung đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Đặc biệt, lúc này chính là thời điểm phải liên kết chặt chẽ những doanh nghiệp chế biến, với những vùng nguyên liệu để trên cơ sở đó, chúng ta đưa vào công tác chế biến nhằm giảm bớt xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô, giảm bớt khối lượng...

Không thể tiêu thụ do dịch Covid-19, nông sản ở Hải Dương bị vứt bỏ đầy ruộng hồi tháng 2. Ảnh Thủy Nguyên
Không thể tiêu thụ do dịch Covid-19, nông sản ở Hải Dương bị vứt bỏ đầy ruộng hồi tháng 2. Ảnh Thủy Nguyên

Thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra tình trạng "giải cứu" nông sản, trách nhiệm cũng một phần thuộc về chính người nông dân, khi hầu hết mọi người vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chậm ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ít quan tâm đến thông tin thị trường nên nhiều người sản xuất, nuôi trồng ồ ạt. 

Việc chạy đua sản xuất một số loại rau quả, dẫn đến phá vỡ quy hoạch là cực kỳ rủi ro nếu xảy ra sự cố. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất và liên kết giữa đơn vị sản xuất với tiêu thụ là việc cần phải làm quyết liệt, chứ không thể nói mãi. Để làm được, phải cần sự vào cuộc trách nhiệm hơn nữa của cơ quan chuyên ngành; đặc biệt là sự thay đổi thực sự từ chính người nông dân.

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng được hệ sinh thái nông nghiệp; và chuỗi giá trị phải đặt trong hệ sinh thái đó để nuôi dưỡng doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và nông hộ. Quy hoạch vùng nguyên liệu là quy hoạch tích hợp, dựa trên lợi thế sinh thái tự nhiên, kèm theo đầu tư hạ tầng nông nghiệp bảo đảm kết nối vận chuyển, dịch vụ hậu cần (logistics), thì mới hạ giá thành nông sản, tăng tính cạnh tranh.

 “Vấn đề xây dựng chuỗi đã nói nhiều, nhưng chúng ta vẫn đang thiếu nhiều thứ. Nên nhớ, chuỗi giá trị nông sản không chỉ riêng nông nghiệp mà phải có cả hệ thống dịch vụ hậu cần, hệ sinh thái”, ông Hiệp nói.

Khi có quy trình, cấp độ, các phương án khác nhau và mang tính dài hơi để phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các loại thiên tai khác sẽ giải quyết được triệt để các vấn đề vướng mắc cho nông sản Việt.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.