Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Ninh: Hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản

Nghĩa Hiệp - 14:59, 25/02/2021

Dịch Covid-19 quay trở lại vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán, gây ra rất nhiều khó khăn cho người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản. Nhờ việc phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương cùng các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã giúp người nông dân vượt qua khó khăn, bảo toàn vốn và tái sản xuất nông nghiệp.

Nông sản tại tỉnh Quảng Ninh được nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ, giúp người nông dân thu hồi vốn, tái sản xuất nông nghiệp.
Nông sản tại tỉnh Quảng Ninh được nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ, giúp người nông dân thu hồi vốn, tái sản xuất nông nghiệp.

Ngày 30/1/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 542/UBND-NLN1 về việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông dân, các hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các địa phương rà soát, thống kê hàng hoá, nông sản, hoa màu... do Nhân dân trong tỉnh nuôi, trồng đến thời điểm thu hoạch để xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ cho Nhân dân.

Thị xã Đông Triều, là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19, đã ngay lập tức được hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đây cũng là địa phương trồng nhiều loại nông sản như: khoai tây, su hào, và hoa. Ông Phạm Văn Thành, Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều cho biết: Chuyến hàng đầu tiên của nông dân xã Bình Dương (thị xã Đông Triều) đã được Sở Công Thương kết nối tiêu thụ thành công. Theo đó, 17 tấn khoai tây vừa đúng vụ thu hoạch của nông dân Đông Triều được chuyển đến các đơn vị ngành Than, Chợ Hạ Long và các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cũng thanh toán trực tiếp sau khi nhận hàng, giúp người dân thu hồi vốn.

Nhân viên kiểm dịch khử khuẩn các chuyến hàng
Nhân viên kiểm dịch khử khuẩn các chuyến hàng

Cũng tại thị xã Đông Triều, có khoảng 205ha trồng hoa, cây cảnh, rau củ quả các loại tập trung ở các xã, phường: Bình Khê, An Sinh, Bình Dương, Việt Dân, Hồng Phong, Đức Chính. Trong đó, xã Bình Khê là địa phương có diện tích trồng hoa, rau củ nhiều nhất. Ông Đinh Văn Vượng, nông dân xã Bình Khê cho biết: “Đến nay, sau 2 đợt được hỗ trợ tiêu thụ nông sản trước và sau Tết, 90% hoa và rau củ của nông dân đã được bán hết. Chúng tôi đang trong quá trình quay lại chuẩn bị cho vụ mùa mới”.

Không chỉ giúp người dân tiêu thụ về cây trồng, đối với các địa phương vùng miền núi, có thế mạnh về chăn nuôi như huyện Tiên Yên, với sản vật nổi tiếng là gà, hay cá song của huyện Vân Đồn đã có nhiều giải pháp tiêu thụ. Gần 1.000 con gà Tiên Yên cùng với 0,5 tấn cá song đã được Công ty Xăng dầu B12 mua tặng cho cán bộ, công nhân viên dịp Tết vừa qua, tổng giá trị lên đến hơn 500 triệu đồng. 

 Dịp Tết Nguyên đán, Thành Đoàn Hạ Long cũng đã hỗ trợ tiêu thụ 2 tấn ngô cho người dân xã Dân Chủ, TP. Hạ Long và 1.000 con gà cho người dân xã Tân Dân, TP. Hạ Long, với tổng trị giá trên 280 triệu đồng…

Các mặt hàng được đưa vào siêu thị, kết nối trực tiếp với người dân trên địa bàn tỉnh.
Các mặt hàng được đưa vào siêu thị, kết nối trực tiếp với người dân trên địa bàn tỉnh.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cùng các đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã giúp đỡ người nông dân tiêu thụ phần lớn các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đỡ người nông dân thu hồi vốn, hướng tới tái sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, vùng nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm hải sản. Theo thống kê, Vân Đồn còn hơn 12.500 tấn nhuyễn thể và cá song đang rất cần được hỗ trợ tiêu thụ. Đối với mặt hàng nhuyễn thể (hầu, hà, ngao…), đang đứng trước nhiều nguy cơ mất trắng nếu không tìm được đầu ra kịp thời.

Trong thời gian tới đây, tỉnh Quảng Ninh sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản thông qua việc đưa nông sản vào các bữa ăn tại các đơn vị, cơ quan, gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh thống kê các mặt hàng nông sản tồn đọng số lượng lớn, kết nối tiêu thụ, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, tận dụng tối đa thị trường ngoài tỉnh…