Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Kiểm soát mất cân bằng giới tính ở Quảng Ninh: Tập trung thay đổi nhận thức cho người dân

Nghĩa Hiệp - 16:46, 18/05/2021

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có chênh lệnh giới tính khi sinh cao, với chỉ số trung bình toàn tỉnh là 115 trẻ em nam/100 nữ, cá biệt, có địa phương vượt mức trung bình cả tỉnh với 118,4 trẻ em nam/100 nữ. Nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào thay đổi nhận thức của người dân trong quan niệm về con trai, con gái...

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh khiến tye lệ nam giới luôn cao hơn nữ giới
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh khiến tỷ lệ nam giới luôn cao hơn nữ giới

Triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn

TP. Hạ Long là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Ninh, có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao. Theo số liệu năm 2020, tổng số trẻ em sinh ra trên địa bàn là 3.448 trẻ, trong đó số trẻ em nam là 1.869, số trẻ em nữ là 1.579 trẻ, tương đương với tỷ số giới tính khi sinh là 118,4 trẻ nam/100 trẻ nữ. Còn tại các huyện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỉ lệ chênh lệch giới tính ở mức 111 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ em trai sinh ra còn sống vượt trên ngưỡng bình thường so với 100 trẻ em gái sinh ra còn sống (Từ 110 trẻ em nam/100 trẻ em nữ trở lên) trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 01 năm) tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh.

Nhằm can thiệp và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sớm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức cân bằng tự nhiên, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung quan tâm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đa dạng, phong phú và thông qua nhiều hình thức, nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai sâu rộng trong Nhân dân. 

Trong các mô hình ấy, mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, tập trung chủ yếu vào thay đổi nhận thức của người dân về giới tính trẻ khi sinh đang được cán bộ dân số toàn tỉnh triển khai rộng rãi. Công tác truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã được các cán bộ dân số tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân các địa phương. 

Chị Hoàng Thị Vàng, cán bộ dân số xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu chia sẻ: “Với đặc thù vùng DTTS, để nói được người dân nghe, chúng tôi phải thường xuyên đến tận các hộ gia đình tuyên truyền, truyền thông trực tiếp, khuyên nhủ, dặn dò các gia đình không phân biệt đối xử. Đồng thời, thường xuyên theo dõi các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con, sinh con một bề, vận động các hộ không đẻ con thứ 3.”

Theo chị Vàng, thông qua mô hình, đã từng bước làm thay đổi nhận thức của các hộ gia đình, các cặp vợ chồng trong việc “sinh con nối dõi tông đường”; nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đồng thời, cũng thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức; khuyến khích và hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con một bề gái.

Chị Vi Thị Lường, dân tộc Tày, thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu bộc bạch: “Khi tôi mang bầu con thứ 2, nhiều người cũng khuyên tôi đi siêu âm xem con trai hay con gái, nhưng khi được cán bộ dân số tuyên truyền, tôi thấy rằng dù là con gái hay con trai đều được, miễn sao sinh ra con được khỏe mạnh”.

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2023 giảm tỉ tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh toàn tỉnh xuống dưới 109 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2023 giảm tỉ tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh toàn tỉnh xuống dưới 109 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Hướng tới những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao. 

Bà Tạ Thị Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sau 4 năm triển khai thực hiện mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, năm 2017, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh giữa nam và nữ là 115/100, đến nay đã giảm xuống còn 112/100. 

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2023, đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh dưới mức 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Theo đó, công tác tuyên truyền vận động sẽ tập trung vào những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao. 

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật, về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các cán bộ y tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật tại các bệnh viện, trung tâm y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến chẩn đoán giới tính thai nhi, đồng thời đưa vào chương trình giáo dục trong và ngoài trường học… từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục