Trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, chỉ với một thiết bị ghi hình hay chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể trở thành người làm Video với những nội dung tùy thích. Chính vì vậy, trên mạng xã hội mới tràn lan các nội dung nhảm nhí, vô bổ.
Một số người nghĩ rằng, ở một nền tảng sáng tạo Video rồi kiếm tiền như YouTube thì dù có xây dựng hình tượng khác biệt với xã hội, lệch lạc, tục tĩu hay quái gở cũng không sao. Chỉ là cần kiếm ra tiền là được.
Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác hại của những nội dung này, nhưng chúng ta đều có thể thấy, chúng ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng, đặc biệt là trẻ em, đối tượng đang trong độ tuổi phát triển tâm sinh lý. Nếu trẻ em làm theo, không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng tiêu cực, lệch lạc đến phát triển tư duy, nhân cách của các em.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được ban hành nhằm khắc phục một phần những vướng mắc về mặt pháp luật. Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, số tiền phạt 10 - 30 triệu đồng quá ít so với thu nhập “khủng” hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mà họ có được từ việc đăng tải, đưa truyền, phát tán những Video Clip gây sốc nêu trên.
Thế nên, chúng ta vẫn phải nhắc đến ý thức mỗi cá nhân khi làm Video. Kiếm tiền bằng nghề YouTube không có gì sai trái, nhưng hãy biết tôn trọng khán giả và kiếm tiền một cách văn minh.