Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thông tin sai lệch về đồng bào DTTS trên mạng xã hội: Sự nghèo nàn về văn hóa của những người làm chương trình

Hồng Minh - 21:08, 18/09/2020

Thời gian gần đây, dư luận đang có nhiều phản ứng về việc các trang mạng xã hội xuyên tạc những món ăn truyền thống của đồng bào DTTS. Trên nền tảng YouTube, không khó để tìm thấy những Video mô tả cảnh ăn uống ghê rợn được “gắn mác” là của đồng bào người Thái trên các kênh Sa Pa TV, Nhịp sống Tây Bắc, Duy Thao, Hoa Ban Tây Bắc... Sự “gắn mác” đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cộng đồng DTTS, khiến người xem có cái nhìn sai lệch về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào.

Ẩm thực của dân tộc Thái được chế biến rất cầu kỳ và tinh tế. (Ảnh minh họa)
Ẩm thực của dân tộc Thái được chế biến rất cầu kỳ và tinh tế. (Ảnh minh họa)

Bản sắc văn hóa qua những món ăn

Trước những thông tin thiếu kiểm chứng, cố tình phản ánh sai lệch về bản sắc văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Thái nói riêng, chúng tôi đã tìm gặp Nghệ nhân Tòng Văn Hân, một người con dân tộc Thái, đồng thời là một nhà nghiên cứu về văn hóa ẩm thực dân tộc Thái ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ông Hân cho biết, ẩm thực của người Thái rất cầu kỳ, trong đó cá nhảy là một món ăn phổ biến và được chế biến rất tinh tế. Đầu tiên người ta sẽ chọn những con cá nhỏ, thường phải là cá ở suối nước trong và sạch, ít tiếp xúc với bùn. Sau đó về thả vào chậu nước 1 - 2 ngày để ngâm cá và thay nước liên tục cho cá phun hết bùn. Trong nước ngâm cá không thể thiếu nước măng chua đã cô đặc để khử hết mùi tanh cũng như tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong cá. Trước khi ăn phải chuẩn bị pha chế nước chấm. Bên cạnh đó, không thể thiếu các loại lá gia vị và lá cuốn để chống tanh, chống đau bụng, giun sán. Khi ăn người ta sẽ thả cá vào bát nước măng chua để ngấm, sau đó cuốn cá cùng các loại lá rồi chấm vào đồ chấm đã chuẩn bị sẵn.

Tuy nhiên, trong Video ăn cá sống của Sa Pa TV lại đưa lên những hình ảnh nói đồng bào Thái ăn cá sống to bằng 3 ngón tay trở lên, thậm chí to như bắp chân được vớt từ ao lên. Không cần qua khâu xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm mà ăn tươi nuốt sống cả con như thế. “Hình ảnh này đã thể hiện sự thiếu hiểu biết về bản sắc văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái chúng tôi. Thật ghê rợn, phản cảm. Rõ ràng, với những nội dung như thế sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh cộng đồng người DTTS trong suy nghĩ của xã hội. Đồng thời còn làm ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách người nước ngoài, trong lúc chúng ta đang xây dựng một hình ảnh đẹp về bản sắc, văn hóa con người Việt Nam”, nghệ nhân Tòng Văn Hân chia sẻ.

Ngoài món cá nhảy, người Thái còn có món pịa cũng rất ngon và hấp dẫn. Pịa được lấy từ một đoạn không phải ruột già, càng không phải dạ dày của con bò, con dê. Pịa được lấy từ phần ruột non nhất trong đoạn ruột non đã chuyển hóa thành chất dinh dưỡng, không phải là chất thải, không có ký sinh trùng. Sau đó pịa được ướp đủ các gia vị như: Mắc khén, húng quế, lá chanh, tỏi, ớt... nấu chín để đặc sệt, tạo thành một món chấm có mùi thơm rất đặc trưng, hấp dẫn trong món ăn của người Thái Tây Bắc. Ăn pịa lúc đầu thấy hơi đắng một chút, nhưng sau sẽ nghiện vì rất ngon, tốt cho sức khỏe. Người dân tộc Thái thường chỉ làm pịa trâu, bò, dê, chứ không phải vật nuôi nào cũng dùng làm pịa được.

Nói như vậy để thấy, văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Thái nói riêng rất tinh tế, độc đáo và hấp dẫn. Những Video phản cảm về hình ảnh đồng bào Thái ăn cá sống chỉ là một trong rất nhiều Video được đăng tải trên YouTube dù vô tình hay cố ý đều ảnh hưởng không tốt đến những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Trước đó (tháng 4 - 5/2020), Báo Dân tộc và Phát triển cũng đã có loạt bài phản ánh về việc kênh YouTobe đã sử dụng sai lệnh hình ảnh của đồng bào DTTS để làm trò gây cười. Việc làm này đã thể hiện sự nghèo nàn về văn hoá và đạo đức của những người sản xuất ra những Video đó.

Đồng bào DTTS cần một lời xin lỗi

Tại buổi công bố các hành vi sai phạm trên nền tảng YouTube, Google do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 7/6/2019 cho thấy, trên YouTube có khoảng 55.000 Video Clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật nhưng mới gỡ bỏ được 8.000 Video. Mỗi phút trên YouTube có khoảng 400 giờ Video mới được đăng tải. Lượng người xem càng nhiều, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu được quảng cáo càng lớn. Vì lợi nhuận, không ít người sẵn sàng sản xuất, đăng tải những nội dung phản cảm, dung tục, sai trái...

Điều đáng lo ngại đó là việc đăng tải các nội dung thông tin trên YouTube hiện nay vô cùng thoải mái, tự do, không có sự kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng nào. Ai cũng có thể là chủ nhân của một kênh trên YouTube chỉ bằng vài bước Click chuột rồi tha hồ “tung hoành”. Đáng chú ý, đa số khán giả của các kênh nội dung này đều là giới trẻ với lượng theo dõi và tương tác rất lớn.

Theo các chuyên gia văn hóa, các Video nói trên không chỉ chứa đựng những nội dung độc hại, phản văn hóa, mà nghiêm trọng hơn, chúng còn truyền bá cái nhìn lệch lạc về bản sắc văn hóa và phẩm chất, nhân cách của đồng bào các DTTS. Từ đó, tạo nên những hiểu lầm, đánh giá sai lệch và cả những định kiến xã hội, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình đẳng của các dân tộc và sự thịnh vượng chung.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Là cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, chúng tôi cho rằng, những nội dung trong các Video là không thể chấp nhận được. Nói đến ăn đồ ăn sống thì không chỉ có người DTTS mà người Việt Nam nói chung, hay người Nhật Bản cũng rất ưa chuộng món ăn này. Đây là món ăn gắn với ẩm thực truyền thống, mà còn tinh tế, khoa học và bảo đảm sức khỏe.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh cũng cho biết: “Với vai trò là lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, đồng thời cũng là người DTTS, tôi kịch liệt phản đối các nội dung trong Video trên kênh YouTube. Ủy ban Dân tộc sẽ đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương phải truy xuất ra các đối tượng dựng Video đó để xử lý theo đúng pháp luật. Đồng thời phải xin lỗi đồng bào DTTS”.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.