Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Kiên Giang: Hội nghị giao ban các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer đối với những huyện có đông đồng bào Khmer

Như Tâm - 07:10, 23/04/2024

Ngày 19/4, tại Kiên Giang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị giao ban các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer đối với các huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống gồm Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao.

Hơn 200 đại biểu tham dự Hội nghị giao ban các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức
Hơn 200 đại biểu tham dự Hội nghị giao ban các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức

Tham dự, chứng minh có Hoà thượng Danh Đổng - Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Kiên Giang, cùng Thường trực Ban Trị sự, Hội ĐKSSYN tỉnh, trụ trì, achar các Chùa trên đại bàn huyện Châu Thành, Gò Quao và Giồng Riềng.

Phía chính quyền có các ông: Nguyễn Văn Phích, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại diện các ban, ngành tỉnh, các huyện và gần 200 đại biểu là các chức sắc, sư sãi, Người có uy tín và đồng bào phật tử tiêu biểu.

Năm 2023, hoạt động phật sự của Ban Trị sự và Hội ĐKSSYN các huyện Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riêng đạt được nhiều kết quả khích lệ; tiêu biểu là hoạt động an sinh xã hội, công tác giáo dục và tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các vị đã vận động nhà hảo tâm thực hiện công tác an sinh xã hội gần 10 tỷ đồng; gần 100 lớp dạy chữ Khmer với hàng ngàn tăng sinh, học sinh theo học...được mở tại các chùa.

Đại biểu là sư sãi trong Hội ĐKSSYN tỉnh Kiên Giang có ý kiến tham gia tại tại hội nghị
Đại biểu là sư sãi trong Hội ĐKSSYN tỉnh Kiên Giang có ý kiến tham gia tại tại hội nghị

Tại hội nghị đã có hơn 10 ý kiến, kiến nghị của chư tăng và phật tử liên quan đến công tác giáo dục, cấp giấy quyền sử dụng đất và dạy tiếng Khmer... Cụ thể như: Ban Quản trị chùa Khlang Ong (Châu Thành) kiến nghị các ngành cấp tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ chùa trong việc cấp giấy quyền sử dụng đất của chùa. Chư tăng, Ban Quản trị chùa Xà Xiêm Mới (Châu Thành), chùa Sóc Sâu (Gò Quao), chùa Đây Ông (Giồng Riềng) kiến nghị tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí cho giáo viên dạy chữ Khmer hè tại chùa; hỗ trợ thêm sách giáo khoa chữ Khmer để công tác giáo dục của chùa đạt được nhiều kết quả...

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của chư tăng, đồng bào phật tử được lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  tỉnh, lãnh đạo các huyện trả lời theo thẩm quyền. 

Phát biểu tại hội nghị, Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer. Điều đó được thể hiện thông qua nhiều quyết sách và chương trình dành cho đồng bào, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới...

Tỉnh đã tập trung đầu tư và thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Khmer, nhờ đó, kết cấu hạ tầng vùng dân tộc được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ; đời sống Nhân dân được nâng lên. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 2,40% (Năm 2022 là 3,68%); hộ nghèo dân tộc Khmer còn 2,68%; hộ cận nghèo dân tộc Khmer còn 4,08%.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang có ý kiến phúc đáp đến các đại biểu
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang có ý kiến phúc đáp đến các đại biểu

Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được duy trì và phát triển, giáo dục dân tộc được các cấp các ngành quan tâm thực hiện, ưu tiên đầu tư vùng đồng bào DTTS, chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú ngày càng được nâng lên. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khó khăn nhất định đối công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn. “Với chức năng là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực dân tộc, tôi xin tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị chức sắc, Người có uy tín và đồng bào phật tử nêu hôm nay để tổng hợp, nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp xác với tình hình thực tế tại địa phương, nhằm cụ thể hoá Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư và các chương trình, dự án chính sách dân tộc tiếp tục phát huy hiệu quả trong vủng đồng bào DTTS”,  ông Phúc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Phích, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Văn Phích, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị

Hội nghị giao ban các tự viện Phật giáo Nam tông Khmer được tổ chức lần đầu tiên, nhưng đã tạo được cầu nối quan trọng giữa chính quyền địa phương với các vị chức sắc, sư sãi và phật tử dân tộc Khmer. 

Ông Nguyễn Văn Phích,Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhận định: Đây là dịp để các cấp, các ngành lắng nghe được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phật sự cũng như thế sự trên địa bàn các huyện. Thông qua hội nghị sẽ góp phần cũng cố được tinh thần đoàn kết của Phật giáo Nam tông và Phật giáo tỉnh ngày càng phát triển ổn định. “Các vị Chức sắc, Ban Quản trị các chùa tiếp tục vận động đồng bào phật tử thực hiện, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia cùng chính quyền địa phương vận động đồng bào phật tử phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt các hiến chương của Giáo hội; tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”, Ông Phích mong muốn.