Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Kiên Giang: Người có uy tín tích cực tham gia phòng chống dịch Covid – 19

N. Tâm – H. Diễm - 19:15, 03/07/2021

Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã tích cực cùng chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền cho các vị là Người có uy tín tại huyện biên giới Giang Thành
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang trao đổi thông tin về công tác phòng chống dịch với Người có uy tín tại huyện biên giới Giang Thành

Tuyên truyền đi đôi với hỗ trợ vật chất

Gò Quao là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang, có hơn 32% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, công tác phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện tốt, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ Người có uy tín.

Theo ông Danh Liễu, Người có uy tín ở ấp An Hòa, xã Định An, để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh, trong các cuộc họp, ông đã cùng với cán bộ mặt trận địa phương thông tin đến người dân. Do đặc thù xã Định An có gần 70% là người dân tộc Khmer nên mỗi khi cán bộ xã tuyên truyền bằng tiếng Việt, ông Liễu sẽ dịch lại tiếng Khmer để tuyên truyền cho bà con hiểu. 

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho đồng bào về các quy định phòng chống dịch bệnh, như: không tập trung đông người, hạn chế đi lễ chùa... Đặc biệt, khi phát hiện người lạ hay có người đi làm xa về là phải báo chính quyền”, ông Danh Liễu cho biết.

Cũng như ông Danh Liễu, thời gian qua, Đại đức Danh Hạnh, Trụ trì chùa Sóc Ven Mới, rất  tích cực tham gia tuyên truyền đến các phật tử về các quy định phòng dịch. Trong những ngày rằm và lễ trọng của đồng bào Khmer, sư đã khuyên mọi người hạn chế đến chùa, không tụ tập đông người, không tổ chức đám tiệc, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang khi tiếp xúc, có ý thức khai báo y tế. 

"Nhà chùa còn vận động phật tử quyên góp hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng chia sẻ để vượt qua đại dịch”, Đại đức Danh Hạnh chia sẻ.

Tham gia ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm tại các vùng biên giới là rất cao, vì thế lực lượng biên phòng đã kết hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt là các vị sư sãi, acha, Người có uy tín trong khu vực cùng thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống Covid - 19 và xuất nhập cảnh trái phép.”

Nhờ có sự giúp sức từ các vị sư sãi, acha, Người có uy tín ở địa phương phong trào được tuyên truyền rộng rãi đến từng phun, sóc, từng gia đình được thực hiện dễ dàng hơn. Nhiều vị đã hiểu và đồng ý ký cam kết cùng đồn Biên phòng và chính quyền địa phương chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 300 Người có uy tín ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống Covid - 19 và xuất nhập cảnh trái phép". Từ nguồn tin tố giác và thông qua nhiều biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã bắt giữ hơn 40 vụ, gần 200 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

Đại tá Huỳnh Văn ĐôngChính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang

Đại đức En Thunh, Trụ trì chùa Giồng Kè, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành cho biết, với cương vị là Đại đức chùa Giồng Kè, chùa nằm trên địa bàn biên giới, được Đồn Biên phòng Phú Mỹ đến tuyên truyền về phòng chống Covid -19 và chống xuất nhập cảnh trái phép, nhà chùa đã vận động bà con phật tử chấp hành tốt các quy định. 

Nhà chùa cũng là nơi tiếp nhận thông tin về người lạ có mặt trên địa bàn, để kịp thời cùng chính quyền địa phương ngăn chặn. 

"Tôi cũng vận động các mạnh thường quân, các chùa ngoài tỉnh chung tay đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để tặng cho phật tử nghèo và lực lượng phòng chống dịch”, Đại đức En Thunh cho hay.

Theo Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), sự phối hợp với đội ngũ Người có uy tín trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đồng bào dân tộc vùng biên giới không nghe được tiếng Việt, các vị sẵn sàng hướng dẫn bằng tiếng Khmer. 

"Các sư còn đi vận động khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng cho phật tử; gia đình nào thiếu ăn các sư còn mang gạo và mì tôm đến hỗ trợ…", Trung tá Danh Tâm cho biết. 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.