Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Các Chương trình mục tiêu quốc gia

Kiên Giang: Nhiều thành quả quan trọng từ thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại hội các DTTS lần thứ III

Tào Đạt - Như Tâm - 17:27, 28/10/2024

Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Kiên Giang lần thứ III, năm 2019, trong 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Nhờ đó đến nay, diện mạo nông thôn, đô thị của Kiên Giang đã có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống của Nhân dân được nâng lên.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS tỉnh Kiên Giang từng bước được cải thiện
Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS tỉnh Kiên Giang từng bước được cải thiện

Nhìn từ kết quả thực hiện chính sách dân tộc

Tỉnh Kiên Giang có 12/15 huyện, thành phố, với 49/144 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào DTTS sinh sống; trong đó, 46 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, 1 xã khu vực II và 2 xã khu vực III; có 15 ấp đặc biệt khó khăn.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: Trên địa bàn có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Đông nhất là 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Đồng bào DTTS chiếm khoảng 14,94% dân số của tỉnh, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 13,19%, dân tộc Hoa chiếm 1,69%; các DTTS khác chiếm 0,06%.

Theo ông Danh Phúc, những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn xác định, việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; được triển khai một cách tích cực và toàn diện và được triển khai trên cơ sở “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển".

Trong giai đoạn 2019 - 2024, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn, qua các nguồn và hình thức đầu tư, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng trên địa bàn xã ĐBKK, thôn ĐBKK. 

Với tổng kinh phí trên 446.628 triệu đồng được phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ đất ở cho 31 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 603 hộ; nâng cấp, mở rộng 21 công trình nước sinh hoạt tập trung; xây dựng 62 công trình đường giao thông; xây dựng mới, sửa chữa 22 cây cầu; sửa chữa 4 điểm trường học; xây dựng mới, sửa chữa 15 nhà văn hóa ấp, 34 thiết chế văn hoá thể thao; nâng cấp, sửa chữa 5 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở...

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tặng Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Giồng Riềng lần thứ IV năm 2024
Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang tặng Giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Giồng Riềng lần thứ IV, năm 2024

Trong giai đoạn 2019-2024, với nguồn vốn thực hiện 361.872 triệu đồng đến từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng thêm nhiều các công trình đường giao thông, cầu, nạo vét kênh thủy lợi, hệ thống điện, công trình nước sạch… tập trung triển khai 113 dự án, hỗ trợ 808 hộ, trong đó 254 hộ DTTS phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Cũng trong 5 năm qua, thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, với tổng nguồn vốn được phân bổ là 340,157 tỷ đồng, tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, có 103 công trình (cầu, đường, nhà văn hóa) đã hoàn thành đưa vào sử dụng; thực hiện trên 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, cho 309 hộ. Hỗ trợ vay vốn cho 4.854 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 150,395 tỷ đồng…

Nhờ vậy, giai đoạn 2019 - 2024, kinh tế - xã hội của Kiên Giang tiếp tục ổn định và có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 63 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm 0,4-1%, đến nay có 7/9 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đồng thời, toàn tỉnh hiện đã có 37/41 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận là xã nông thôn mới, trong đó 6 xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Các Sư, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã cẩn thận lưu trữ báo Dân tộc và Phát triển được cấp không thu tiền
Các sư và Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã cẩn thận lưu trữ báo Dân tộc và Phát triển được cấp không thu tiền

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Với đặc thù có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, cùng với phát triển kinh tế, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm. Các lễ hội văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được bảo vệ tốt hơn và được đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực, vật lực để giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống trên tiến trình hội nhập.

Tỉnh Kiên Giang đã khôi phục, duy trì và phát triển các loại hình văn hóa, như: ghe ngo, các điệu múa truyền thống, Nhạc Ngũ âm, hội diễn văn nghệ quần chúng của người Khmer; các đội văn nghệ múa Lân-Sư-Rồng... của người Hoa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường thực hiện công tác đầu tư xây dựng trùng tu, tôn tạo một số cơ sở di tích. Năm 2023, tỉnh đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho 8 Hội tương tế người Hoa trong tỉnh tổ chức thành công Đại hội.

Trong lễ hội truyền thống, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang luôn tổ chức đoàn đi thăm, chúc mừng và tặng quà đồng bào DTTS
Trong các lễ hội truyền thống, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang luôn tổ chức đoàn đi thăm, chúc mừng và tặng quà đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Tống Phước Trường tặng quà cho Hòa thượng Danh Đổng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh, Trụ trì Chùa Cà Nhung dịp lễ Sen Dolta năm 2024)

Trong các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, tỉnh Kiên Giang đã tạo điều kiện duy trì và tổ chức tốt. Tiêu biểu, Lễ hội Óc Om Bóc của đồng bào Khmer được nâng cấp thành Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch cấp tỉnh; Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Dolta truyền thống của đồng bào Khmer, tỉnh đều tổ chức họp mặt cho tổ chức, cá nhân tiêu biểu là đồng bào dân tộc Khmer; tổ chức đoàn đi thăm, chúc mừng và tặng quà cho các chùa hệ phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, gia đình chính sách...

Trưởng ban Dân tộc Danh Phúc thông tin: Tỉnh hiện đã có 5 chùa Khmer là di tích được đưa vào dự án bảo tồn và phát triển; tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng 59 lò hỏa táng cải tiến (sử dụng củi), cơ bản đáp ứng được về phong tục tập quán của đồng bào. Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh chủ trương xây dựng 02 cơ sở hỏa táng (sử dụng điện và gas) cho đồng bào Khmer.

Toàn tỉnh cũng đang có 43 điểm trường dạy song ngữ, với 223 lớp có 5.898 học sinh là dân tộc Khmer theo học mỗi năm; có 41 chùa tổ chức dạy chữ Khmer trong dịp hè với khoảng 190 lớp và gần 5.000 học sinh dân tộc Khmer theo học mỗi năm. Hằng năm, ngân sách tỉnh đều hỗ trợ kinh phí gần 600 triệu đồng để mua sách giáo khoa song ngữ Khmer và hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, sư sãi dạy chữ Khmer trong dịp hè, góp phần bảo tồn tiếng nói chữ viết của đồng bào Khmer.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang còn giải quyết kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng liên quan đến tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng của đồng bào DTTS phù hợp với quy định của pháp luật. Hỗ trợ, hướng dẫn Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các Hội Tương tế người Hoa ở cơ sở hoạt động đúng pháp luật và điều lệ của Hội…

Tin cùng chuyên mục
Yên Bái: Quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Yên Bái: Quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Tỉnh Yên Bái đang tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024, nhằm giúp người nghèo có điều kiện và cơ hội được học nghề, có việc làm, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.