Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kiên quyết xử lý sai phạm trong tu bổ di tích

PV - 14:41, 26/09/2018

Trước những vi phạm trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích thời gian gần đây, ngành Văn hóa tỉnh Bắc Giang đã thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, dần đưa hoạt động này vào khuôn khổ.

Đình Ngọ Xá, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Đình Ngọ Xá, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

 

Nhiều nơi “phá rào”

Tỉnh Bắc Giang có hơn 2 nghìn di tích các loại, trong đó hơn 700 di tích đã được xếp hạng. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của ngân sách và huy động vốn xã hội hóa, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Trung bình mỗi năm, Bắc Giang có hơn 30 di tích được tu bổ, tôn tạo, trong đó một số công trình được khai thác, phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch, trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), đền Suối Mỡ (Lục Nam), di tích chiến thắng Xương Giang (TP. Bắc Giang), di tích khởi nghĩa Yên Thế…

Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Bắc Giang, công tác quản lý tu bổ, tôn tạo di tích còn nhiều vấn đề hạn chế, thể hiện ở việc một số nơi thực hiện chưa nghiêm các quy định của Nhà nước như: thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành và biến dạng di tích. Nhiều trường hợp tôn tạo di tích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, có nơi dịch chuyển vị trí công trình, mở rộng diện tích, thay đổi kiểu dáng kiến trúc, chuyển chất liệu từ gỗ sang bê tông hoặc xây dựng thêm công trình phụ trợ làm phá vỡ cảnh quan, không gian truyền thống di tích… Trong đó, việc xây dựng cổng, tam quan chùa Bổ Đà (Việt Yên), tu bổ đình Ngọ Xá, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) thời gian gần đây là những ví dụ điển hình về sự tùy tiện, bỏ qua các quy định của pháp luật cũng như sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, gây dư luận không tốt. Thậm chí do thiếu đồng thuận, sự việc ở đình Ngọ Xá đã dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tình trạng đơn thư khiếu kiện phức tạp kéo dài đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm kể trên có nhiều, song về chủ quan là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn xem nhẹ các quy định của pháp luật trong quản lý di tích. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh rất ít cơ quan có đủ tư cách pháp nhân hành nghề lập dự án và thi công tu bổ di tích; năng lực của tổ chức, cá nhân trong việc lập hồ sơ thiết kế tu bổ di tích và thi công, giám sát chưa đáp ứng, trong khi đó, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của ngành Văn hóa chưa được thường xuyên, xử lý vi phạm chưa kiên quyết và triệt để, còn tình trạng nể nang, nhắc nhở xong để đấy.

Thận trọng, chặt chẽ hơn

Trước những hạn chế nêu trên, bên cạnh việc khắc phục, xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm tại một số địa phương, ngành Văn hóa tỉnh đã có những biện pháp kiên quyết hơn trong giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm “siết” chặt hoạt động tu bổ di tích. Ngoài việc tiếp tục hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, để tránh tình trạng “tiền trảm hậu tấu”, để quản lý tốt hoạt động tu bổ di tích, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, từ năm nay, Sở VHTT&DL Bắc Giang sẽ mạnh tay đình chỉ thi công đối với các công trình đang thi công nhưng phát hiện vi phạm, buộc tháo dỡ đối với công trình không đúng hồ sơ đã được thẩm định, thỏa thuận hoặc chưa có thỏa thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, sẽ đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý sai phạm trong hoạt động tu bổ di tích theo quy định của pháp luật. Cụ thể trong năm nay, Sở VHTTDL Bắc Giang đã yêu cầu tạm dừng thi công tu bổ, tôn tạo chùa Tiên Linh, xã An Hà (Lạng Giang) và đình Trung, thị trấn Tân Dân (Yên Dũng) do chưa lập hồ sơ thiết kế và chưa có thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý di tích, qua đó giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền từ cấp xã, huyện đến tỉnh trong thực hiện các dự án tu bổ di tích theo quy định, phân cấp, làm căn cứ xác định rõ trách nhiệm và xử lý của từng cấp, ngành nếu để xảy ra sai phạm. Đối với các công trình được xếp hạng kiến trúc nghệ thuật, khi tu bổ, Sở kiên quyết yêu cầu phải sử dụng vật liệu gỗ truyền thống, không chấp nhận sử dụng bê tông cốt thép.

NGUYỄN HƯỞNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.